Chùa Bà Đanh – kiến trúc cổ kính đẹp nhất tỉnh Hà Nam

Chùa Bà Đanh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1994. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư gần 20 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp chùa. Trong chùa thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng thờ cúng dân gian Việt Nam.

Kiến trúc độc đáo của Chùa Bà Đanh.

Kiến trúc độc đáo của Chùa Bà Đanh.

Theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay...

Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), đến thời Lê Huy Tông (1675 - 1750), nơi đây được xây dựng thành chùa to đẹp.

Vẻ tĩnh lặng của ngôi chùa nổi tiếng ngày càng thu hút du khách.

Vẻ tĩnh lặng của ngôi chùa nổi tiếng ngày càng thu hút du khách.

Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi chùa cổ kính và có phong cảnh đẹp nhất của tỉnh Hà Nam. Bước chân vào chùa, du khách như được lạc vào một thế giới khác, yên bình, thanh tịnh, tạm quên đi những lo toan của cuộc sống thường nhật... Theo lời kể của các cụ trong làng Đanh Xá, sự vắng vẻ, tĩnh lặng này của chùa một phần là do trước đây chùa nằm ở xa khu dân cư, ba mặt là sông, chỉ có lối vào là đường rừng rậm nhưng lại có nhiều thú dữ. Cách duy nhất an toàn để vào chùa là chèo thuyền qua sông Đáy, nhưng vì bất tiện nên người đến chùa rất thưa thớt. Ngày nay, đường đi đã thuận lợi hơn nhiều nên khách tham quan đã không còn vắng vẻ như xưa.

Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn Tự, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia vào ngày 20/7/1994. Năm 2009, chùa Bà Đanh - núi Ngọc được công nhận là điểm du lịch. Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ tiền thần hậu Phật, kết hợp dung hòa giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Thờ Bà Đanh là vị thần mưa, Duệ hiệu là Pháp Vũ nhuận hòa phong trong hệ thần Tứ pháp cầu mong mưa thuận gió hòa, phong đăng hỏa cốc.

Chùa Bà Đanh khai hội vào ngày 17 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Chùa Bà Đanh khai hội vào ngày 17 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Quần thể kiến trúc chùa Bà Đanh hiện nay về cơ bản được xây dựng vào thế kỷ XIX. Chùa quay mặt hướng nam ra sông Đáy, phía ngoài cùng giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan chùa. Tam quan có ba gian và hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái được lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can và những chấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông. Ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim. Phía ngoài cửa hai bên là hai cột đồng trụ được xây dựng nhô hẳn ra. Trên nóc Tam quan đắp một đôi rồng chầu vào giữa. Hai bên cổng chính là 2 chiếc cổng nhỏ có 8 mái. Cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt.

Khung cảnh thiên nhiên bao bọc ngôi chùa linh thiêng.

Khung cảnh thiên nhiên bao bọc ngôi chùa linh thiêng.

Ngày thường khách ra vào lễ chủ yếu đi bằng cửa phụ, chỉ khi nào nhà chùa có đại lễ thì cửa chính ở giữa mới được mở. Chùa bao gồm 40 gian được xây dựng liền kề với nhau. Qua cổng tam quan là khu vườn hoa, sân lát gạch, hai dãy hành lang hai bên. Nhà bái đường gồm 5 gian, nhà trung đường cũng gồm 5 gian. Nhà thượng điện có 3 gian, hai bên xây tường bao, phía trước là hệ thống cửa gỗ lim. Nằm ở phía tây khu chùa là khu nhà ngang gồm 5 gian, trong đó có 3 gian làm nơi thờ các vị sư tổ đã trụ trì ở đây. Phía đông chùa là phủ thờ Mẫu nằm sát với dãy trung đường.

Điểm nhấn của kiến trúc chùa Bà Đanh tập trung ở tòa Bái đường. Đây là lớp kiến trúc mang đậm tính cổ truyền dân tộc, được thể hiện ở sáu bộ vì rất đặc sắc và độc đáo. Trên tất cả các vì kèo đều chạm khắc cả hai mặt, riêng 2 vì kèo đầu hồi chạm khắc một mặt, một mặt áp tường. Các đề tài chạm khắc trên các vì kèo không có hình bóng con người mà chủ yếu là động thực vật kết hợp với nhau thành những đề tài, những mẫu hình khá hoàn chỉnh. Ngoài rồng được sáng tạo trên cơ sở tưởng tượng, còn các động thực vật thể hiện ở đây đều lấy từ cuộc sống đưa vào trong nghệ thuật. Đây chính là sự hòa nhập của đất trời, của thiên nhiên và cuộc sống.

Khánh đá cổ được lưu truyền tại chùa Bà Đanh.

Khánh đá cổ được lưu truyền tại chùa Bà Đanh.

Đặc biệt, trong hậu cung của chùa có ngai thờ và tượng Đức Bà. Tượng được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, không mang dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hòa giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Hàng năm, nhân dân làng Đanh xá tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh, diễn ra vào tháng 2 âm lịch để tri ân Đức Thánh Bà Pháp Vũ và cảm tạ ân đức các vị thần phật đã phù trợ, cầu mong một năm bình an, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ hội chùa Bà Đanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2 năm 2019.

Năm 2024 - Giáp Thìn, chùa mở từ ngày mùng 1 Tết, lễ hội chính thức sẽ diễn ra vào 17/2 Âm lịch( 26/3 Dương Lịch) cùng với các nghi lễ trang nghiêm như rước nước, rước kiệu Đức Bà... các trò chơi trong hội cũng được nhân dân và nhiều du khách tham gia: Chọi gà, kéo co, đua thuyền, cờ tướng, diễn các tích chèo cổ, hát các làn điệu dân ca. Đây là một lễ hội vùng rất đặc sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đến với chùa Bà Đanh, du khách không chỉ được chiêm bái tín ngưỡng tôn giáo, mà còn được thả hồn vào một thế giới thanh bình của thiên nhiên, cây cối.

Đến với chùa Bà Đanh, du khách không chỉ được chiêm bái tín ngưỡng tôn giáo, mà còn được thả hồn vào một thế giới thanh bình của thiên nhiên, cây cối.

Đến với chùa Bà Đanh, du khách không chỉ được chiêm bái tín ngưỡng tôn giáo, mà còn được thả hồn vào một thế giới thanh bình của thiên nhiên, cây cối. Chùa có diện tích gần 10ha, bao quanh khuôn viên chùa là những tán cây rậm rạp, xanh tươi. Ngay trước cửa chùa, bên dưới là bến nước, bên trên là cây đa cổ thụ với những tán lá sum suê.

Trong chùa còn có khu vườn rộng rãi trồng đủ các loại hoa trái bốn mùa. Bên cạnh phủ thờ Mẫu là cây đào tiên sai trĩu quả. Phía Tây của chùa là núi Ngọc đang soi mình xuống dòng sông Đáy thơ mộng. Trên núi có rất nhiều khối đá muôn hình muôn vẻ nhô ra, lõm vào rất kỳ thú cùng thảm thực vật phong phú. Đặc biệt ở đây có cây si già cổ thụ mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định được độ tuổi. Đứng trên đỉnh núi, du khách sẽ có cảm giác như được tách biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường ngày, để hòa mình vào sự yên tĩnh và thuần khiết của thiên nhiên, của cỏ cây, non nước mây trời.

Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư về hạ tầng của huyện đạt chuẩn nông thôn mới Kim Bảng chùa Bà Đanh đã trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn để các bạn trẻ lựa chọn chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu, du khách muôn phương đã có thể di chuyển dễ dàng về chùa trên những con đường bê tông rộng rãi.

Cùng với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), chùa Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên tại huyện Kim Bảng( Hà Nam) nơi đây sẽ hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình” giữa đường thủy trên sông Đáy và đường bộ, khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chua-ba-danh-kien-truc-co-kinh-dep-nhat-tinh-ha-nam-369958.html