Chữa bệnh béo phì bằng cách nào

Xu hướng thừa cân béo phì đang tăng nhanh trên toàn thế giới và kéo theo hàng loạt bệnh lý khác. Vì thế điều trị giảm béo phì hết sức quan trọng.

Béo phì tăng nhanh

Bệnh béo phì đang là vấn đề rối loạn dinh dưỡng hàng đầu ở các nước trên thế giới. Ở các nước phát triển và đang phát triển số người thừa năng lượng nhiều hơn số người đói ăn. Khu vực Thái Bình Dương là nơi có nhiều người béo phì nhất thế giới, hơn 50% dân số mắc bệnh béo phì.

Trong đó, American Samoa, quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương, phía Đông Nam Australia có tỷ lệ dân số mắc chứng béo phì nhiều nhất thế giới, với 75% số dân. Xếp vị trí thứ 2 và 3 là Nauru và quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương với tỷ lệ 71% và 63% dân số, tỷ lệ dân số ở Mỹ bị béo phì 33%, theo sau là Anh và Australia với tỷ lệ 27%.

Nguyên nhân của bệnh béo phì là một quá trình tiến triển từ từ, bao gồm ảnh hưởng di truyền, môi trường, nội tiết, chuyển hóa, dinh dưỡng, văn hóa và các yếu tố tâm lý xã hội. Ở độ tuổi 20, chuyển hóa trong cơ thể đạt đỉnh. Sau đó chuyển hóa cơ bản tăng thêm 1% mỗi năm. Điều này có nghĩa là những người trẻ tuổi với cân nặng bình thường thì cứ 10 năm trọng lượng sẽ tăng thêm trung bình 3-4kg.

Tuy nhiên, nguy cơ tăng cân sẽ cao hơn ở những người ngay từ nhỏ đã thừa cân. Ước tính những người béo phì từ lúc nhỏ sau này thường tăng khoảng 1kg/năm. Các nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng những người lớn tuổi cân nặng trung bình có xu hướng tăng cân liên tục tới khi 65 tuổi sau đó sẽ bắt đầu giảm dần.

Điều trị béo phì bằng hoạt động thể lực

Có nhiều phương pháp điều trị để giảm béo phì khác nhau, nhưng cuối cùng đều dựa trên nguyên tắc thiết lập quá trình cân bằng năng lượng, tức là hiệu số giữa năng lượng hấp thu vào cơ thể và năng lượng tiêu hao. Hoạt động thể lực kết hợp trong điều trị bệnh béo phì đã được đề xuất bởi hầu hết các tổ chức y tế lớn.

Hoạt động thể lực đối với bệnh nhân béo phì nhằm mục đích tăng cường khối cơ và do đó cải thiện mức độ chuyển hóa cơ bản. Khối lượng cơ lớn làm tăng mức độ tiêu hao năng lượng. Khối lượng cơ chỉ có thể tăng thông qua hoạt động thể lực, trong khi mô mỡ có thể tăng phân hủy thông qua việc duy trì sự tiêu thụ quá mức.

Việc tăng cường khối cơ thông qua hoạt động thể lực cũng giúp tăng chuyển hóa cơ bản, giúp kiểm soát cân nặng dễ dàng hơn. Việc giảm cân thành công thông qua hoạt động thể lực nhờ tác động vào 2 mặt, xóa bỏ rào cản về mặt tâm lý; cũng như nghiêm túc, kiên trì thực hiện các bài tập và không bỏ cuộc.

Luyện tập càng thường xuyên, tích cực và lâu dài thì tác động của hoạt động thể lực càng lớn. Khả năng luyện tập của mỗi người sẽ quyết định tình trạng sức khỏe có được cải thiện ổn định không.

Nghiên cứu gần đây của TS. Susan Votruba tại Đại học Wisconsin (Mỹ) chỉ ra rằng, các bài tập có tác động lên hệ thống trao đổi chất lớn hơn ta tưởng nhiều và sẽ làm tăng khả năng cơ thể dùng mỡ tạo năng lượng trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Các tác giả còn cho rằng tập luyện như HIIT (High Intensity Interval Training) là phương pháp tập luyện cường độ cao ngắt quãng xen kẽ với các khoảng thời gian tập luyện cường độ thấp sẽ khiến cơ thể tiếp tục đốt mỡ với tỷ lệ lớn hơn.

Các nhà khoa học ở Đại học Kansas cũng đã hoàn thành một nghiên cứu về tác dụng của tập luyện và lượng calorie tiêu hao. Nghiên cứu thử nghiệm trên một nhóm người béo phì bằng cách tập luyện trong 6 tháng, liệu trình 5 ngày mỗi tuần, với 75% khả năng tối đa.

Kết quả, mặc dù những người tham gia thử nghiệm có khả năng vận động tăng dần, tổng lượng calorie mà họ tiêu thụ trong mỗi buổi tập không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, nhóm người này vẫn tiếp tục giảm cân. Điều này do tác động tích lũy của những bài tập cường độ cao đã làm tăng tốc độ trao đổi chất kể cả khi được nghỉ ngơi.

Lợi ích của hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực không chỉ nhằm điều trị béo phì, nâng cao sức khỏe mà còn ngăn ngừa, điều trị các bệnh khác. Hoạt động thể lực giúp làm giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn tâm thần và giảm cholesterol máu…

Ở các nước phát triển và đang phát triển, hoạt động thể lực đã và đang được áp dụng thành phương pháp kê đơn như một biện pháp điều trị hiệu quả các bệnh mãn tính không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, béo phì, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loãng xương, nhược cơ…).

Không có 1 viên thuốc nào có thể điều trị được 10 loại bệnh cùng một lúc, nhưng hoạt động thể lực lại có nhiều tác dụng: Duy trì nồng độ đường máu ổn định; tăng cường chức năng của hệ tim mạch, hô hấp (chức năng của tim và phổi); tăng mật độ khoáng chất ở xương (dự phòng loãng xương); tăng độ đàn hồi của cơ; giảm cholesterol máu; giảm huyết áp tâm thu; kiểm soát cân nặng; tăng cảm giác thoải mái, loại bỏ stress; tăng chất lượng giấc ngủ; tăng sự giao lưu xã hội, chống trầm cảm.

Như vậy, tăng cường hoạt động thể lực trong phòng và điều trị bệnh béo phì nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung đặc biệt phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ở nước ta chiếm hơn 66% các ca mắc bệnh và đang có nguy cơ tăng cao; còn tỷ lệ tử vong chiếm tới 75% tổng số ca.

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh hoạt động thể lực thường xuyên sẽ là một trong những giải pháp giúp phòng tránh những bệnh không lây nhiễm và cả bệnh béo phì đang phổ biến hiện nay.

BS.CK1 Nhâm Chấn Phát, Khoa dinh dưỡng, Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/chua-benh-beo-phi-bang-cach-nao-73152.html