Chữa bệnh trì trệ giải ngân vốn đầu tư công

Việt Nam cần tăng tốc giải ngân đầu tư công, giúp hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Tình hình giải ngân đầu tư công có cải thiện, tăng so với năm trước nhưng khả năng giải ngân hết vốn cả năm 2023 vẫn khó khả thi.

Sức ép giải ngân

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 tuy khá hơn cùng kỳ, song vẫn chậm hơn nhiều so với kế hoạch khi mới chỉ đạt hơn 51,38%; số vốn giải ngân của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 49.470 tỉ đồng, đạt 38,4% kế hoạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 dù đã cải thiện nhưng vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn. Đến nay vẫn còn hơn 53.000 tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ. Công tác chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư... khiến "vốn vẫn phải chờ dự án".

Nghịch lý "có tiền nhưng không tiêu hết" không phải là câu chuyện mới mẻ. Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Trong đó, còn tới 42 bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Khả năng giải ngân 95% của hơn 711.000 tỷ đồng năm 2023 là khó khả thi, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ trong những tháng còn lại.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự kiến có khoảng 376 dự án sẽ chuyển tiếp thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030. Lý do vì khả năng không bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn. Dự kiến kế hoạch vốn năm 2024 là 225.000 tỷ đồng.

Về hạn chế - khó khăn, Bộ trưởng Dũng cho biết xuất hiện tình trạng một số địa phương e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… gây ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân đầu tư công.

Quý cuối cùng của năm 2023 cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn. UBND tỉnh, TP cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục về đầu tư công. (Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương)

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định. Tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với các năm trước đó, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Chính phủ đã yêu cầu một số bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm, kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ với số lượng lớn phải giải trình rất nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết.

Tháo gỡ cơ chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Trong báo cáo đầu tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới (Worl Bank) vẫn lưu ý về những điểm nghẽn khiến giải ngân đầu tư công tại Việt Nam chậm. Ví dụ, hiệu suất đầu tư còn thấp do trùng lặp trong phân bổ, hạn chế do những thách thức trong thể chế quản lý đầu tư công và quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền; huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân chưa được tối ưu; công tác quản lý tài sản công vẫn còn bất cập.

Worl Bank cho rằng, dư địa tài khóa còn dồi dào, do vậy chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm nay được triển khai tốt hơn. Ngân sách đầu tư công theo kế hoạch nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022.

"Cần phải lựa chọn, xác định các dự án ưu tiên, hoặc điều chuyển vốn sang các dự án hiệu quả, các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, truyền tải điện và các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó tránh dàn trải, đơn giản hóa thủ tục hành chính hay giảm bớt những rào cản làm hạn chế hoạt động sản xuất, đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân" - Chuyên gia kinh tế cao cấp Worl Bank Việt Nam Dorsati Madani nhận định.

Trong khi đó, theo Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus, Việt Nam cần phải triển khai điều tiết, kết hợp đầu tư công theo khu vực tốt hơn, ví dụ như vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi sự phối hợp giữa các tỉnh, thành được triển khai tốt hơn. "Có sự phối hợp ở cấp trung ương, triển khai ở cấp địa phương, nhưng lại thiếu đi sự phối hợp giữa các tỉnh, thành trong cùng một khu vực. Vậy nên tôi nghĩ việc đạt được hợp tác khu vực, liên vùng sẽ là một yếu tố then chốt" - ông Jonathan Pincus nhìn nhận.

Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án. Việc công bố các vật liệu xây dựng cần phải kịp thời, sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Cần hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở các lĩnh vực gồm: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Những hành vi cố tình gây cản trở, làm chậm tiến độ có chế tài nghiêm khắc. (PGS. TS Hoàng Văn Cường- Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chua-benh-tri-tre-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html