Chưa bố trí được mỗi Ban HĐND huyện 2 đại biểu chuyên trách

Số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít; số lượng biên chế công chức được giao hiện nay thấp nên cấp huyện không bố trí được mỗi Ban 2 đại biểu chuyên trách làm Trưởng, Phó Ban HĐND. Cấp xã chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách. Bên cạnh đó, số lượng biên chế của Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố hạn chế nên không có chuyên viên giúp việc riêng cho HĐND. Ở cấp xã, công chức Văn phòng - Thống kê thực hiện nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng tham mưu, giúp việc cho HĐND.

Đó là thực trạng đáng chú ý Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang chỉ ra qua giám sát chuyên đề tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp tiếp xúc cử tri 2 cấp, 3 cấp

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động của HĐND cấp huyện, xã trên địa bàn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo đó, hoạt động thảo luận tại kỳ họp dân chủ, sôi nổi, các đại biểu đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm tập trung vào những vấn đề hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại địa phương. Hoạt động chất vấn được thực hiện công khai, minh bạch, tập trung vào các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Hầu hết các nội dung đều được trả lời làm rõ tại kỳ họp, số còn lại đang được tiếp tục xem xét giải quyết. Nổi bật, HĐND thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên tổ chức 2 phiên chất vấn (năm 2021, 2022), lựa chọn 15 nội dung cụ thể chất vấn tại kỳ họp. Kết quả: 6/15 nội dung đã giải quyết xong và trả lời trực tiếp ngay tại kỳ họp; 8/15 nội dung có văn bản trả lời, làm rõ của UBND thị trấn Tân Yên; 1/15 nội dung đang giải quyết.

Hoạt động TXCT có nhiều đổi mới trong chuẩn bị, phối hợp giữa các Tổ đại biểu, đại biểu với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, UBND cùng cấp tổ chức các cuộc TXCT giữa đại biểu HĐND 2 cấp, 3 cấp để giảm thiểu việc triệu tập cử tri nhiều lần, tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức; giảm kiến nghị nhiều cấp về cùng một nội dung; nâng cao hiệu quả tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; đổi mới trong chuẩn bị tài liệu tiếp xúc cử tri. Tại các cuộc TXCT, đa số kiến nghị được đại biểu HĐND, lãnh đạo UBND các cấp trao đổi, trả lời trực tiếp.

Thường trực HĐND các huyện, thành phố đều ban hành quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến HĐND, Thường trực HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm giám sát, Thường trực HĐND cấp huyện, xã đã tiếp nhận 275 đơn của công dân, nội dung chủ yếu về bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đến thời điểm giám sát, đã giải quyết 249 đơn, đạt tỷ lệ 90,54%.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà phát biểu trong buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với HĐND huyện Chiêm Hóa . Ảnh: PC

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà phát biểu trong buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với HĐND huyện Chiêm Hóa . Ảnh: PC

Chưa chỉ ra được hạn chế trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri

Bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp huyện, xã trên địa bàn. Theo đó, đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp còn ít, tính phản biện chưa cao, rất ít ý kiến thảo luận đối với các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, các cơ quan có liên quan và các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Chất lượng ban hành nghị quyết của một số HĐND cấp huyện, xã còn hạn chế, có nội dung còn chung chung

Một số cuộc giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện hiệu quả chưa cao, chưa đánh giá sâu sắc, toàn diện nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm cơ sở xác định nguyên nhân hạn chế, thời gian khắc phục hạn chế; việc xác định đối tượng chịu sự giám sát chưa toàn diện, chưa phù hợp với nội dung giám sát, chưa đáp ứng so với mục đích, yêu cầu giám sát đề ra.

Thường trực HĐND các huyện, thành phố và 134/138 HĐND cấp xã chưa tổ chức chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND. Giải trình tại một số phiên họp của Thường trực HĐND cấp huyện, xã chưa bảo đảm theo quy định; việc đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị sau các phiên giải trình chưa thường xuyên, quyết liệt. Đa số Thường trực HĐND xã, phường, thị trấn chưa giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các huyện, đặc biệt báo cáo của các xã còn chung chung, chưa chỉ ra được các hạn chế trong giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri…

Không có chuyên viên giúp việc riêng cho HĐND

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được xác định do một số cấp ủy đảng cấp xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND các cấp chưa thực sự sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hòa hoạt động; chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, định hướng hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và phiên họp của Thường trực HĐND; còn nể nang, né tránh, lúng túng trong hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát. Các Ban HĐND chưa thật sự chủ động. Kinh nghiệm, năng lực của một số đại biểu HĐND còn hạn chế…

Đặc biệt, số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít; số lượng biên chế công chức được giao hiện nay thấp nên cấp huyện không bố trí được mỗi Ban HĐND 2 đại biểu chuyên trách làm Trưởng, Phó Ban. Cấp xã chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND chuyên trách. Bên cạnh đó, số lượng biên chế của Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố hạn chế do vậy không có chuyên viên giúp việc riêng cho HĐND. Ở cấp xã, công chức Văn phòng - Thống kê thực hiện nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng tham mưu, giúp việc cho HĐND.

BẢO QUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/chua-bo-tri-duoc-moi-ban-hdnd-huyen-2-dai-bieu-chuyen-trach-i349050/