Chùa Cầu ở phố cổ Hội An 'lộ diện' sau 1,5 năm trùng tu

Sau hơn 1,5 năm trùng tu, di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), một công trình được xem như 'trái tim' của phố cổ Hội An, đã 'lộ diện' khi đơn vị thi công tháo dỡ nhà bao che bảo vệ công trình.

Video Chùa Cầu sau 1,5 năm hạ giải để trùng tu

Theo ghi nhận, sau khi tháo dỡ nhà bao che bảo vệ khi trùng tu di tích, Chùa Cầu đã gần như hoàn thành các hạng mục chính như gia cố, thay thế các cấu kiện mục ruỗng, sơn lại các bờ tường, ngói hư hỏng.

Các hạng mục như lát gạch xung quanh di tích, lau chùi các vết sơn đang được gấp rút hoàn thiện.

 Diện mạo Chùa Cầu sau khi được hạ giải để trùng tu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Diện mạo Chùa Cầu sau khi được hạ giải để trùng tu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Theo người dân và du khách tham quan, sau khi tháo dỡ, Chùa Cầu sáng màu hơn, có phần chắc chắn hơn so với trước kia. Tuy nhiên, do mới được sơn lại nên các bờ tường, mái ngói “mới” hơn so với trước khi trùng tu, cho cảm giác... nhìn vẫn chưa quen.

 Chùa Cầu trước khi được trùng tu vào năm 2021. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Chùa Cầu trước khi được trùng tu vào năm 2021. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.

Dự án này được khởi công vào ngày 28-12-2022, trong quá trình tu bổ đã tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng. Đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này.

 Việc gia cố, chắp nối, vá cấu kiện như cấu kiện gỗ, bờ mái, con giống, chi tiết trang trí phải được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố bền vững, mỹ thuật và tương đồng chất liệu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Việc gia cố, chắp nối, vá cấu kiện như cấu kiện gỗ, bờ mái, con giống, chi tiết trang trí phải được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố bền vững, mỹ thuật và tương đồng chất liệu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, công trình này đã thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích; được các chuyên gia trong nước và Tổng cục Văn hóa của Nhật cử sang giám sát rất kỹ.

Theo ông Sơn, trong quá trình trùng tu có các ý kiến đều được dừng lại để thảo luận kỹ rồi mới tiếp tục. Ban đầu dự án dự kiến hoàn thành trong 1 năm, nhưng đã kéo ra hơn 1,5 năm.

“Những ý kiến cho rằng Chùa Cầu lạ lẫm là cảm quan của họ, còn phải đứng trên góc độ chuyên môn để đánh giá công trình. Không có công trình nào đại trùng tu mà không thay đổi, quan trọng là yếu tố gốc phải giữ được, đảm bảo công trình có tính lâu bền”, Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ thêm.

 Màu sắc các chi tiết được sơn lại khiến nhiều du khách cảm thấy Chùa Cầu có phần "mới". Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Màu sắc các chi tiết được sơn lại khiến nhiều du khách cảm thấy Chùa Cầu có phần "mới". Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Theo UBND TP Hội An, những nguyên tắc cơ bản khi tu bổ Chùa Cầu là bảo tồn tối đa yếu tố gốc; bao gồm duy trì đồng thời giá trị và chức năng di tích. Mọi sự can thiệp phải trên cơ sở tôn trọng khoa học, lịch sử và bảo đảm ổn định lâu dài, ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp. Quá trình thực hiện dự án phải thường xuyên tham vấn và ghi lại diễn tiến quá trình, với phương châm xuyên suốt là phải cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học và tham vấn chuyên gia.

Việc hạ giải Chùa Cầu để tu bổ bao gồm toàn phần hay từng phần được xem xét thấu đáo trước khi thực hiện. Cấu kiện hạ giải được đo vẽ, chụp ảnh và bảo quản chu đáo trong suốt quá trình tu bổ. Việc gia cố, chắp nối, vá cấu kiện như cấu kiện gỗ, bờ mái, con giống, chi tiết trang trí phải được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố bền vững, mỹ thuật và tương đồng chất liệu.

Đồng thời, số hóa kiến trúc công trình là công việc quan trọng để làm cơ sở dữ liệu khoa học cho việc so sánh đối chiếu trước, trong và sau hoàn thành tu bổ. Công việc trùng tu Chùa Cầu cũng ưu tiên gia cố, sửa chữa để giữ lại tối đa thành phần nguyên gốc của cấu kiện. Vật liệu thay thế phải tương đương, bao gồm cả sơn phết hoàn thiện.

- UBND TP Hội An

Không tính đợt trùng tu mới nhất, theo tư liệu, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Lễ khánh thành di tích này diễn ra vào đầu tháng 8-2024, nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 20 - năm 2024.

>>> Một số hình ảnh Chùa Cầu sau khi được trùng tu:

 Toàn cảnh Chùa Cầu nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Toàn cảnh Chùa Cầu nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

 Bàn giới thiệu dự án. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Bàn giới thiệu dự án. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

 Phần sàn, đế móng đã được gia cố. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Phần sàn, đế móng đã được gia cố. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

 Vật liệu thay thế phải tương đương, bao gồm cả sơn phết hoàn thiện. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Vật liệu thay thế phải tương đương, bao gồm cả sơn phết hoàn thiện. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

 Du khách chụp ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Du khách chụp ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

 Phần mái ngói được dùng lại các viên còn chắc chắn, những viên vỡ, nứt được thay thế bằng vật liệu tương đồng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Phần mái ngói được dùng lại các viên còn chắc chắn, những viên vỡ, nứt được thay thế bằng vật liệu tương đồng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

 Các hạng mục cuối cùng đang được gấp rút hoàn thiện để đầu tháng 8 này làm lễ khánh thành. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Các hạng mục cuối cùng đang được gấp rút hoàn thiện để đầu tháng 8 này làm lễ khánh thành. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chua-cau-o-pho-co-hoi-an-lo-dien-sau-15-nam-trung-tu-post751348.html