Chưa chốt kịch bản nhiều lễ hội bạo lực

Hội phết Hiền Quan, hội Giằng bông là những lễ hội còn yếu tố bạo lực, tranh cướp gây dư luận trái chiều thời gian qua. Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương có phương án đổi mới để chấn chỉnh yếu tố phản cảm.

Cướp phết Hiền Quan năm 2019 phải dừng tổ chức vì lo vỡ trận. Ảnh: HÀ THƯ

Cướp phết Hiền Quan năm 2019 phải dừng tổ chức vì lo vỡ trận. Ảnh: HÀ THƯ

HỘI PHẾT CHƯA HẠ NHIỆT

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá: sau một năm thực hiện Nghị định 110 về tổ chức và quản lý lễ hội, bức tranh lễ hội diễn ra lành mạnh hơn. Nhiều hạn chế từ mùa lễ hội năm 2018 được điều chỉnh như: Hành vi phản cảm và bạo lực giảm, hạn chế đổi tiền và đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định. Đối với một số lễ hội còn duy trì các tập tục, yếu tố phản cảm như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực- phần lớn đều có giải pháp đổi mới cách tổ chức.

Đại diện Cục Văn hóa Cơ sở cho biết: một số lễ hội chỉ vài năm trước là “điểm nóng” nay yên ả hơn nhờ thay đổi phương án: Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) bỏ nội dung tranh phết, chỉ trình diễn nghi lễ. Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đưa phương án bảo đảm an ninh, an toàn và có biện pháp xử lý hiện tượng tiêu cực. Lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) có đề án đổi mới, đảm bảo nghi lễ truyền thống. Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tạm dừng lễ hội năm 2019 để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức.

Dù ghi nhận sự cố gắng ở nhiều địa phương, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế: Hiện tượng trục lợi, các yếu tố bạo lực, tranh cướp ở một số lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa cao, vệ sinh môi trường còn thiếu và yếu. Nhiều khu di tích chưa thực hiện tốt quy hoạch khu vực dịch vụ bán hàng hóa dẫn tới lấn chiếm cảnh quan và khuôn viên di tích; hàng rong và xóc thẻ cờ bạc trá hình vẫn diễn ra ở một số nơi như di tích Động Thác Bờ (Hòa Bình), đền Bảo Lộc (Nam Định).

 Hội giằng bông Sơn Đồng vẫn đầy nguy cơ bạo lực Ảnh: MẠNH THẮNG

Hội giằng bông Sơn Đồng vẫn đầy nguy cơ bạo lực Ảnh: MẠNH THẮNG

Ông Phan Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết vướng mắc tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị định 110 là, địa phương cố gắng làm tốt công tác quản lý, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tại địa phương nhưng riêng với lễ hội nóng như Phết Hiền Quan thì chính quyền vẫn gặp khó.

Mùa lễ hội 2019, đích thân Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) về tận nơi giám sát. Sau màn dâng hương theo nghi lễ truyền thống, dân tình bắt đầu nhốn nháo chờ màn tranh cướp phết. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình khá căng, không thể thực hiện nổi phương án chia hai đội đánh phết trong yên bình nên chính quyền xã và các cụ quyết định rước phết trở vào hậu cung, bỏ màn đánh phết. Đám thanh niên trai tráng tụ tập hò hét hàng tiếng đồng hồ mới chấp nhận giải tán.

Lãnh đạo huyện Tam Nông thừa nhận hiện chưa chốt được phương án đối với hội Phết năm 2020. Năm trước, sau khi Bộ VHTTDL yêu cầu có phương án tổ chức đảm bảo an toàn, huyện và xã trình đề án tổ chức nhưng thực tế chưa thể đảm bảo không xảy ra bạo lực. Thêm nữa, lễ hội Cầu trâu (đập đầu trâu) xã Hương Nha và xã Xuân Quang quy mô 5 năm một lần sắp vào mùa cũng khiến chính quyền lo ngại. Năm 2015, Bộ trưởng Bộ VHTTDL khi ấy cũng phải về tận nơi đối thoại với người dân, bàn phương án thay đổi hình thức tổ chức.

HỒI HỘP CHỜ KỊCH BẢN

Đối với nhiều lễ hội nóng, Bộ VHTTDL tiếp tục hướng dẫn địa phương tìm phương án xử lý. Được biết lãnh đạo xã Hiền Quan tiếp tục xin ý kiến các ngành và nhân dân để nghiên cứu, xây dựng phương án mới cho mùa lễ hội 2020. Trường hợp xã Hiền Quan không xây dựng được phương án mới đảm bảo an toàn, huyện Tam Nông sẽ đề xuất chuyển đổi hình thức tổ chức phần đánh phết. Theo đó, kịch bản mới thay vì đánh phết như các năm, sẽ chuyển sang trưng bày phết và giới thiệu truyền thống luyện quân của nữ tướng Thiều Hoa, đồng thời để nhân dân và du khách chạm tay vào phết theo cách xã Bàn Giản (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thực hiện.

Lễ hội giằng bông ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những lễ hội nóng của Hà Nội. Trong khi hội Gióng đền Sóc hai năm nay tìm được phương án thay đổi cách tranh cướp lộc khiến yên bình hơn thì giằng bông vẫn giữ nguyên màn tranh cướp cây bông với mong muốn cầu may trong năm mới. Liên hệ với lãnh đạo xã Sơn Đồng, vị này khẳng định mùa hội 2020 vẫn giữ nguyên cách tổ chức cho giằng bông theo truyền thống, sẽ tăng cường phương án giữ an ninh trật tự.

Hội Gióng đền Sóc trước khi đổi mới cũng luôn xuất hiện loạt hình ảnh phản cảm từ các màn tất lộc hoa tre, trầu cau sau khi hành lễ trên đền Thượng. Hai năm qua BTC thay đổi phương thức, tất cả lộc hoa tre và trầu cau được đưa vào hậu cung chờ tới chiều mùng 6 mới tán lộc. Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng VHTT huyện Sóc Sơn cho biết năm nay huyện sớm ban hành kế hoạch yêu cầu BTC tiếp tục tổ chức theo kịch bản ổn định từ hai năm nay.

Lễ hội 2019 từng phát sinh tình huống khá bất ngờ: Một nhóm bảo vệ làng Vệ Linh cho lộc hoa tre của dân làng vào bao tải chạy khỏi đền, gây náo loạn. Năm nay BTC nói sẽ rút kinh nghiệm. Một số ý kiến vẫn cho rằng sự thay đổi không cho cướp lộc thì hội bớt vui? “Một vài cụ ở làng nói ngày xưa hội ít người nên có tranh nhau vui hơn, không bạo lực như bây giờ. Tôi nghĩ hội chỉ vui khi không có bạo lực”, ông Đoàn Văn Sinh nói.

Hướng tới lễ hội lành mạnh, văn minh, Sở VHTT Hà Nội sớm yêu cầu các BTC lễ hội lớn và có yếu tố nhạy cảm chuẩn bị phương án phù hợp. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy lưu ý không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, các hiện tượng thiếu văn minh. Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi, thương mại hóa lễ hội, và vận động cộng đồng phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh.

Cấm bán hàng rong trên suối Yến trong lễ hội chùa Hương

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích thắng cảnh Hương Sơn trao đổi với Tiền Phong: Năm nay lượng thuyền đò phục vụ lễ hội chùa Hương có khoảng 4 nghìn chiếc, tăng nhẹ so với mọi năm, do xã đề xuất và quản lý. “BTC nghiêm cấm bán hàng rong trên suối Yến để tránh ảnh hưởng giao thông. Chúng tôi sớm tuyên truyền cho người dân từ giữa năm 2019, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Hiển nói.

Lễ hội chùa Hương năm 2019 đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, giảm nhẹ so với năm trước, tuy nhiên Trưởng BQL cho biết số khách trên chưa tính lượng miễn vé khá nhiều trong năm. Liên quan giải pháp tránh ách tắc cáp treo ngày khai hội và những dịp cao điểm, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết vẫn chưa có phương án tối ưu. Theo lí giải của Trưởng BQL, đường vào động Hương Tích độc đạo, không gian trong động nhỏ nên khách đi cáp treo thường phải chờ đợi hàng tiếng trong giai đoạn cao điểm. Có thời điểm BTC phải ngừng chạy cáp treo để ngăn lượng người quá đông đổ về động.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chua-chot-kich-ban-nhieu-le-hoi-bao-luc-1505531.tpo