Chùa Dạ Khách tổ chức nhiều chương trình mừng đại lễ Vu Lan và Lễ an vị tôn tượng Phật

Vừa qua (ngày 26-27/8), chùa Dạ Khách (xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã tổ chức lễ kính mừng đại lễ Vu Lan mùa báo hiếu và Lễ an vị tôn tượng Phật Phật Lịch 2567 – DL 2023.

Vui mừng tới tham dự chương trình văn hóa, văn nghệ của người dân trong xã có Đại Đức Thích Tâm Đạt-Trụ trì chùa Chấn Vũ xã Đôn Nhân, Sông Lô cùng tăng ni phật tử trong chùa, thiền viện.

Đại diện địa phương có ông Trần Hùng Vượng Huyện Ủy viên, Bí Thư xã; ông Nguyễn Quốc Chiến, Chủ tịch UBND xã và đông đảo các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy, đặc biệt là sự góp mặt của người dân trong xã và các xã lân cận.

Được biết, Chùa Dạ Khách đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây cũng là nơi có nhiều dấu ấn của đại công thần Trần Nguyên Hãn, người đã có công chiến đấu đánh giặc ngoại xâm cùng vua Lê Lợi.

Trước đó, ngày 3/7/2022, UBND Huyện Lập Thạch, cùng lãnh đạo Xã Xuân Lôi và nhân dân toàn xã đã long trọng diễn ra Đại lễ khởi công động thổ xây dựng chùa Dạ Khách.

Chùa Dạ Khách kính mừng đại lễ Vu Lan và Lễ an vị tôn tượng Phật

Chùa Dạ Khách kính mừng đại lễ Vu Lan và Lễ an vị tôn tượng Phật

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Đại Đức Thích Giác Giáo đã khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của chùa Dạ Khách qua các thời kỳ, Đại đức cũng cho biết: Sau khi nhận được lời thỉnh cầu của Chính quyền xã Xuân Lôi, bà con nhân dân trong xã về việc thỉnh Đại đức về trông nom, chăm sóc tâm linh, tổng chỉ huy công trình xây dựng chùa Dạ Khách;

Đại đức đã thỉnh ý Sư Phụ và được sự cho phép, động viên của Sư Phụ là Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Trụ trì tổ đình Phật Tích và sự chấp thuận của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, BTS GHPGVN huyện Lập Thạch cùng các cấp lãnh đạo, nhờ vậy mới hội đủ duyên lành để Đại đức cùng chính quyền, nhân dân sở tại tổ chức Đại Lễ khởi công động thổ xây dựng chùa Dạ Khách Xã Xuân Lôi.

Hình ảnh chiếc chuông cổ của Chùa Dạ Khách được bao sái, bảo dưỡng đặt trên giá treo mới.

Hình ảnh chiếc chuông cổ của Chùa Dạ Khách được bao sái, bảo dưỡng đặt trên giá treo mới.

Đại đức cũng chia sẻ hiện nay có 8 thôn, trong xã có 2 ngôi chùa, đó là chùa Dạ Khách và Chùa Linh Sơn. Trong đó chùa Dạ Khách đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nơi đây cũng là nơi có dấu ấn của đại công thần Trần Nguyên Hãn, người đã có công chiến đấu đánh giặc ngoại xâm cùng vua Lê Lợi.

Buổi lễ cũng là dịp để bà con trong xã Xuân Lôi và lân cận có cơ hội để tụ họp và biểu diễn văn nghệ. Mỗi phần trình diễn đều thể hiện rõ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bà con nhân dân với đa dạng các loại hình như ca hát, nhảy múa, cải lương,... qua đó bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn nhân ngày lễ Vu Lan.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.

Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.

Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.

Theo lịch sử được ghi chép lại và phân tích của các nhà khoa học, Chuông cổ của Chùa Dạ Khách đã có từ hơn 400 năm. Chiếc chuông cổ là chứng nhân lịch sử về gốc tích Phật pháp đã có từ lâu đời tại xã Xuân Lôi, qua đó thể hiện giá trị to lớn về mặt tinh thần, văn hóa, tâm linh của Chùa đối với bà con Nhân dân địa phương.

Quá trình xây dựng và tu bổ Chùa Dạ Khách, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc được Chính quyền và Nhân dân xã thực hiện vô cùng rốt ráo và chỉnh chu. Khi ngôi chùa Dạ Khách hoàn thành, chùa không chỉ là nơi tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của Phật tử và nhân dân địa phương, mà còn là một trong những điểm sáng cho hoạt động du lịch tâm linh của huyện Lập Thạch đang trên đà phát triển.

P.V

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/vinh-phuc-chua-da-khach-kinh-mung-dai-le-vu-lan-va-le-an-vi-ton-tuong-phat-80141.html