Chưa điều chỉnh tăng mức phạt vi phạm hành chính
Quốc hội đang tập trung ưu tiên sửa đổi, ban hành mới những đạo luật thực sự cần thiết cho việc tổ chức, sắp xếp bộ máy và Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là một trong số đó.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới chiều 22-5, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính - Bộ Tư pháp cho biết, sửa luật lần này, Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo luật) không đề xuất điều chỉnh tăng mức phạt.

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính - Bộ Tư pháp. Ảnh: PV
- Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là mức xử phạt vi phạm hành chính. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, nội dung này được đề cập như thế nào, thưa ông?
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật, từ kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy, có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh tăng mức tiền phạt, đặc biệt trong bối cảnh mức tiền phạt hiện hành trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước không còn đủ răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau khi rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định, thẩm tra và đánh giá tổng thể phạm vi sửa đổi Luật lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tham mưu, báo cáo Chính phủ xác định rõ quan điểm, phạm vi sửa đổi là không điều chỉnh các nội dung có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có vấn đề tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Đây là nhóm vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.
Với quan điểm đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này không đề xuất điều chỉnh tăng mức tiền phạt tối đa đối với bất kỳ lĩnh vực quản lý nhà nước nào được quy định tại Điều 24 Luật hiện hành.
Dự thảo Luật chỉ rà soát, bổ sung một số lĩnh vực mới chưa được quy định trong Luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Ví dụ, bổ sung các lĩnh vực như bảo vệ dữ liệu cá nhân, công nghiệp công nghệ số, quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển... để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt trong các lĩnh vực này một cách minh bạch, đồng bộ.
Các đề xuất liên quan đến việc tăng mức phạt sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và trình Quốc hội xem xét khi thực hiện sửa đổi toàn diện Luật XLVPHC.
- Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất xử phạt không lập biên bản trong dự thảo Luật là chưa có tiền lệ, khó bảo đảm minh bạch. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Quy định cho phép xử phạt vi phạm hành chính mà không phải lập biên bản vi phạm hành chính thực ra không phải là điểm mới. Đây là quy định đã được kế thừa ổn định từ thời kỳ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục được duy trì tại Điều 56 của Luật XLVPHC hiện hành. Mục đích của quy định này là nhằm xử lý nhanh các hành vi vi phạm rõ ràng, ít nghiêm trọng, đồng thời, giảm áp lực về thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Dự thảo Luật lần này không mở rộng phạm vi áp dụng, mà chỉ đề xuất điều chỉnh rất hạn chế, đó là điều chỉnh mức xử phạt không lập biên bản từ 250.000 đồng (mức phạt thực tế) đối với cá nhân lên thành 1.000.000 đồng (mức tối đa của khung) đối với cá nhân. Đơn cử, với các vi phạm về giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay, với mức xử phạt là 250.000 đồng, lực lượng chức năng được xử phạt mà không cần lập biên bản thì tới đây, có thể áp dụng xử phạt không lập biên bản với mức phạt 1.000.000 đồng. Còn đối với tổ chức thì mức này gấp đôi trong trường hợp xử phạt không lập biên bản.
Theo tôi, mức điều chỉnh này nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, kết quả, có rất ít hành vi vi phạm có mức phạt từ 250.000 đồng đối với cá nhân. Điều đó cho thấy quy định hiện tại phần nào đã trở nên lạc hậu so với thực tế quản lý và không còn nhiều giá trị thực tiễn.
Đồng thời, việc xử phạt không lập biên bản vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý: Phải có quyết định xử phạt, lưu hồ sơ theo dõi, có căn cứ rõ ràng... Người bị xử phạt vẫn được đảm bảo quyền khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin hoặc phản ánh nếu thấy có sai sót. Nói cách khác, đây không phải là sự nới lỏng về trách nhiệm pháp lý hay thu hẹp quyền công dân, mà là một điều chỉnh kỹ thuật hợp lý, phù hợp thực tiễn, giúp quá trình xử lý vi phạm hành chính trở nên linh hoạt, tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Tóm lại, quy định này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở cách tiếp cận cẩn trọng, kế thừa có chọn lọc và bám sát thực tiễn, hướng đến mục tiêu quản lý hiệu quả mà vẫn giữ vững các nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
- Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có tính đến chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy không, thưa ông?
- Tôi cho rằng dự thảo luật đã đón đầu, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý nhà nước, bỏ chính quyền cấp trung gian trong giai đoạn tới. Đơn cử, Ban soạn thảo đã tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính.
Đặc biệt, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 3 điều, với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, xuất phát từ thực tiễn thực hiện việc xử lý chuyển tiếp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian qua và giai đoạn sắp tới, đòi hỏi phải chủ động, linh hoạt hơn, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 87 Luật XLVPHC (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật) về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng những thay đổi trong tổ chức bộ máy, đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương tăng cường tính tự chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã có những quy định xử lý các vấn đề về chuyển tiếp hiệu lực thi hành, để bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục trong thực hiện quản lý nhà nước, không có “khoảng trống” pháp lý.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chua-dieu-chinh-tang-muc-phat-vi-pham-hanh-chinh-703189.html