Chưa đủ điều kiện mà trường CĐ vẫn tuyển sinh rầm rộ là lừa dối HS, phụ huynh

Các chuyên gia cho rằng việc phát hiện một đơn vị vi phạm tuyển sinh là điều không quá khó, nên cần có biện pháp cứng rắn, đủ sức răn đe cơ sở khác

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mới đây đã có các bài viết phản ánh một số trường cao đẳng ở Hà Nội dù chưa đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội vào ngày 24/4 nhưng vẫn tổ chức các hoạt động tuyển sinh rầm rộ.

1. Chưa được Sở GD giao chỉ tiêu, CĐ Quốc tế Hà Nội vẫn rầm rộ tuyển sinh lớp 10

2. Chưa có chỉ tiêu lớp 10, CĐ Công thương HN vẫn tuyển sinh, phụ huynh lo lắng.

Trong đó theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội hồ sơ thiếu biểu mẫu, hợp đồng liên kết; chưa đủ cơ sở pháp lý giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2023 - 2024; Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội chưa đủ điều kiện tuyển sinh năm học 2023 - 2024 vì lý do nội dung cần hoàn thiện "cơ sở pháp lý về việc dạy liên kết với Trường Trung học phổ thông Hoàng Mai".

Sau khi các bài viết được đăng tải, trong dư luận đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Liệu có phải do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, nên tình trạng trên mới diễn ra.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, dù nằm trong danh sách cơ sở chưa đủ điều kiện tuyển sinh nhưng vẫn xảy ra tình trạng trường cao đẳng tuyển sinh rầm rộ mà không sợ bị phạt không loại trừ nguyên nhân do khâu quản lý, giám sát còn quá lỏng lẻo, mức xử phạt không đủ tính răn đe.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh thêm: “Qua rất nhiều sự việc liên quan được báo chí phản ánh, cần phải đặt câu hỏi về năng lực giám sát của cơ quan quản lý.

Các thông tin quảng cáo tuyển sinh đều được các cơ sở giáo dục công bố rộng rãi trên trang web của nhà trường, thậm chí có đơn vị còn chạy quảng cáo tuyển sinh để tiếp cận được nhiều đối tượng hơn nên nếu bảo khó phát hiện là rất khó thuyết phục”.

Thông tin tuyển sinh vào lớp 10 của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đăng tải. Ảnh chụp màn hình ngày 27/4

Thông tin tuyển sinh vào lớp 10 của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đăng tải. Ảnh chụp màn hình ngày 27/4

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, đối với việc vi phạm trong công tác tuyển sinh lâu nay việc xử lý cũng chủ yếu dừng ở việc phạt hành chính. Có những vụ việc, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe,

Không những thế, khi áp luật để tính toán mức độ xử lý đối với cơ sở vi phạm cũng rất khó bởi các luật liên quan còn chồng chéo, có kẽ hở.

Vì thế, theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, việc các cơ quan quản lý thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là điều rất cần thiết.

Nêu lên đánh giá về ảnh hưởng của việc, cơ sở giáo dục tuyển sinh khi chưa đảm bảo các điều kiện theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, vị này cho rằng, ngoài quyền lợi học sinh bị tác động thì việc để tồn tại tình trạng này chính các cơ quan quản lý cũng vướng vào những phiền phức không đáng có về sau.

“Theo tôi, khi các cơ quan quản lý công bố danh sách cơ sở không đủ điều kiện thì các cơ sở giáo dục nên tuân thủ và dừng mọi việc tuyển sinh lại.

Đồng thời, trong công tác tổ chức tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nên đặt quyền lợi của người học lên trên hết, điều này là thể hiện cho uy tín, thương hiệu của một cơ sở giáo dục, tránh tạo ra những gam màu xấu xí trong tổng quan bức tranh giáo dục”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận định.

Thông tin tuyển sinh đăng trên trang web Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội với chỉ tiêu rõ ràng, dù rằng trường này có tên trong danh sách các đơn vị chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 theo công bố của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội ngày 24/4. Ảnh chụp ngày 26/4

Thông tin tuyển sinh đăng trên trang web Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội với chỉ tiêu rõ ràng, dù rằng trường này có tên trong danh sách các đơn vị chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 theo công bố của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội ngày 24/4. Ảnh chụp ngày 26/4

Ở góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã có những tư vấn pháp luật để bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định liên quan đến vấn đề trên.

Theo Luật sư Long, tùy theo từng trường hợp cụ thể để xem xét về vi phạm của cơ sở giáo dục và áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính phù hợp nếu vi phạm quy định tuyển sinh.

"Ngoài ra, nếu trong trường hợp cơ sở giáo dục này vẫn không khắc phục được để đủ điều kiện tuyển sinh khi đã đến thời điểm nhập học thì sẽ phải hủy bỏ kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh đăng ký và hoàn trả lại các khoản đã thu của người học, chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện tổ chức hoạt động", Luật sư Nguyễn Minh Long nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, vị Luật sư này cũng cho biết thêm, trong trường hợp cơ sở giáo dục bị phát hiện hành vi vi phạm và xử phạt hành chính thì phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm chứ không phải đợi đến khi chuẩn bị nhập học mới khắc phục hậu quả.

Vì vậy, nếu cơ sở giáo dục nào tiếp tục hành vi vi phạm khi đã bị xử phạt thì có thể sẽ phải bồi thường khi gây thiệt hại cho những người đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không được nhập học hoặc không được chuyển sang cơ sở đào tạo khác.

Trong trường hợp này có thể thấy, nếu cơ sở giáo dục nào "cố tình" thực hiện hành vi tuyển sinh mà không khắc phục được để đủ điều kiện theo quy định gây ảnh hưởng đến quyền được học của người đủ điều kiện trúng tuyển, gia đình học sinh hoàn toàn có quyền tìm đến các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi theo luật định.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc công ty Luật Dragon. Ảnh: Trung Dũng

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc công ty Luật Dragon. Ảnh: Trung Dũng

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Minh Long cho rằng, cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tuyển sinh mà vẫn tuyển sinh là lừa dối học sinh, phụ huynh.

Đồng thời, Luật sư Nguyễn Minh Long cũng đã chia sẻ một số quan điểm dưới góc độ là phụ huynh liên quan đến việc này. Vị này cho rằng: "Việc tổ chức tuyển sinh của các trường cao đẳng khi chưa đủ điều kiện tuyển sinh đang gây hoang mang trong việc chọn trường của phụ huynh. Đồng thời, những thông tin đưa ra không đúng sự thật thể hiện sự gian dối trong cung cách làm việc của các cơ sở giáo dục.

Qua đó, cơ quan quản lý cần có những biện pháp sát sao hơn trong việc kiểm soát những cơ sở giáo dục thuộc quản lý của mình. Hơn nữa cần có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ hơn nữa để đủ sức răn đe đối với những cơ sở khác. Khi đã có danh sách những trường không đủ điều kiện tuyển sinh thì việc rà soát cũng không có gì quá khó khăn, bởi các trường đều có website để đưa thông tin tuyển sinh".

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chua-du-dieu-kien-ma-truong-cd-van-tuyen-sinh-ram-ro-la-lua-doi-hs-phu-huynh-post235020.gd