Chưa ghi nhận chủng cúm độc lực cao

Hơn 3.500 người đến khám nghi nhiễm cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW chỉ có 178 trường hợp nhập viện điều trị. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường chưa ghi nhận chủng độc lực cao.

Bệnh nhân nhập viện điều trị

Bệnh nhân nhập viện điều trị

TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, thời gian qua có lúc hàng trăm bệnh nhân đến khám cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW mỗi ngày, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.

"Tuy nhiên trong số hơn 3.500 người đến khám triệu chứng nghi nhiễm cúm, số bệnh nhân có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca và 34 trường hợp cúm B; có 178 trường hợp nhập viện điều trị. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường chưa ghi nhận chủng độc lực cao"- Phạm Ngọc Thạch cho biết.

Theo TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 - 1 triệu ca cúm thường; Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm.

Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.

"Thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng"- TS Nguyễn Lương Tâm nói.

Theo TS Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít.

Tuy nhiên sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng, nhưng đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.

Thế nhưng thời gian gần đây nhiều người dân đã tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm trong khi theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế: Đây là loại thuốc được chỉ định đối với trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.

PV/HANOITV

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/chua-ghi-nhan-chung-cum-doc-luc-cao-d205252.html