Chua giòn dưa cải tiến Vua

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, người dân xã Yên Thái nói riêng, huyện Yên Định nói chung vẫn luôn tự hào là địa phương có món ngon tiến Vua từ xa xưa. Đến nay, sản phẩm dưa cải Lê muối vẫn được người dân gìn giữ và phát triển.

Sản phẩm của HTX Dưa cải làng Lê Yên Thái.

Sản phẩm của HTX Dưa cải làng Lê Yên Thái.

Cải Lê có thể trồng quanh năm, mỗi tháng thu hoạch 1 lần. Loại rau này phù hợp sinh trưởng trên đất tơi xốp. Khi nở hoa, ngồng uốn cong là bắt đầu thu hoạch. Để cho ra sản phẩm dưa cải Lê muối ngon phải chọn thời điểm thu hoạch thích hợp, nếu thu hoạch khi cải còn non, muối dưa dễ bị “khú”. Ngược lại, thu hoạch đúng thời điểm, khi ăn ngòng cải sẽ giòn, ngọt, thơm hơn nhiều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dưa cải Lê được trồng ven sông Mã từ làng Lê Xá, xã Yên Thái đến làng Dền, xã Định Liên. Các bậc cao niên trong làng cho biết: rau cải làng Lê có hai loại. Một loại thân chỉ bằng tăm hương, lá thưa thớt, bé; một loại thân to hơn chiếc đũa, lá dày, thân ít xơ. Vì là sản phẩm truyền thống, mang hương vị riêng nức tiếng gần xa so với các loại dưa cải khác, đặc biệt là có “thương hiệu” từ xưa dùng tiến Vua nên nhiều người dân làng Lê Xá vẫn duy trì trồng và bảo quản hạt giống rất cẩn thận. Vì cây dưa cải Lê còn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.

Các hộ chăm sóc dưa cải Lê chính vụ.

Gia đình ông Bùi Văn Vương có nhiều thế hệ gắn bó với cây rau cải Lê. Riêng đối với ông luôn trăn trở làm sao để gìn giữ, phát triển sản phẩm này. Năm 2021, được UBND huyện khảo sát và phối hợp với UBND xã triển khai thực hiện Dự án “Dưa cải Lê” - đề tài khoa học do UBND huyện làm chủ đề tài, ông Vương vui mừng vì được lãnh đạo địa phương, ban điều hành dự án mời tham dự các cuộc họp, hội thảo, đóng góp ý kiến và trực tiếp tham gia trồng cây rau cải Lê. Vì thế, ông Vương có thêm động lực, tâm huyết và điều kiện để phát triển cây rau cải Lê này.

Để hình thành vùng nguyên liệu cải Lê, xã Yên Thái đã thành lập HTX dưa cải làng Lê Yên Thái nhằm hỗ trợ người dân chăm sóc, thu hoạch, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, do ông Vương làm giám đốc HTX. Cùng với đó, xã quy hoạch vùng sản xuất cải Lê 32 ha, chủ yếu là vùng bãi bồi ven sông với 50 hộ canh tác cũng là thành viên của HTX. Riêng hộ ông Vương đang trồng chuyên canh 1 ha/3 ha xen canh với các loại cây khác. Xã Yên Thái hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc cải Lê theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để chủ động sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và chú trọng quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Để dưa cải làng Lê được nhiều người biết đến, tháng 5/2022, UBND huyện Yên Định, ban điều hành Dự án “Cải làng Lê” đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý thống nhất, hoàn thiện mô hình tổ chức và các văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể “Cải làng Lê” đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép sử dụng địa danh “Làng Lê” để đăng ký nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 4871 ngày 2/12/2021, nhằm góp phần xây dựng thương hiệu ẩm thực riêng của xứ Thanh nói chung, huyện Yên Định nói riêng. Đồng thời phát huy danh tiếng của sản phẩm, nâng cao đời sống các hộ dân tham gia sản xuất. Năm 2023, sản phẩm dưa cải làng Lê Yên Thái đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, sản phẩm đã được tiêu thụ tại các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử...

Ông Vương chia sẻ: Muối dưa Lê bao giờ cũng muối cả cây chứ không cắt khúc. Rau đã chọn lựa rửa sạch, để ráo nước mới muối ăn xổi hoặc muối trường. Dưa chín có mùi thơm dịu, màu vàng óng, mỡ màng ngon mắt, có vị chua thanh dịu rất đặc trưng, khó lẫn với bất kỳ loại dưa muối nào khác. Vì những đặc trưng này mà dưa cải Lê đã được dân gian xếp hạng đầu bảng trong 4 loại đặc sản nổi tiếng xứ Thanh, gồm “Dưa Lê, cà Giáng, vải Láng, cam Giàng”.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mon-ngon/chua-gion-dua-cai-tien-vua/30075.htm