Chưa năm nào các chỉ tiêu ước thực hiện phát triển KT-XH lại bị bỏ trống như năm 2023

Sáng 1/11, phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, có 5/15 chỉ tiêu không đạt, chiếm đến 1/3 số lượng các chỉ tiêu. Đáng nói hơn, đây đều là những chỉ tiêu xương sống của nền kinh tế.

Bên cạnh sự tác động bởi những yếu tố khách quan bất lợi đến từ tình hình thế giới hay từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu trong nước, những chỉ số không đạt đó còn thể hiện việc xây dựng kịch bản cho sự phát triển chưa sát với thực tế, điều đó cũng thể hiện năng lực dự báo còn hạn chế.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra công tác dự báo có lúc còn kém. Điều đáng nói, công tác dự báo kém không chỉ thể hiện ở việc xây dựng các chỉ tiêu chưa sát thực tế qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm mà còn tương đối phổ biến trong việc xây dựng các chương trình và các dự án khác.

Có những chương trình, dự án nhiều vướng mắc, có những chính sách đưa ra còn có độ vênh đáng kể so với thực tế cuộc sống. Có những dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện do dự báo tình hình chưa sát thực, chưa đúng và chưa trúng.

Đại biểu cho rằng, nếu không thực sự quan tâm để cải thiện vấn đề này thì việc năng lực dự báo còn kém, không chỉ là việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch không sát, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội khi có giải pháp đưa ra chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi việc thường xuyên phải điều chỉnh các dự án, chương trình sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực và cả lãng phí cơ hội....

Về con số ước thực hiện các chỉ tiêu trong cả năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, bảng thống kê trong báo cáo của Chính phủ có nêu mục tiêu đề ra và con số ước thực hiện của năm. Tuy nhiên, với 5 chỉ tiêu hiện nay chưa đạt mục tiêu đề ra thì phần ước thực hiện lại không nêu một con số nào cụ thể.

Đại biểu nhận thấy điều này chưa thực sự hợp lý. So sánh với các báo cáo hằng năm của Chính phủ trong một số năm gần đây, đại biểu nhận thấy, chưa năm nào các chỉ tiêu ước thực hiện lại bỏ trống, chỉ khẳng định là sẽ thực hiện ở mức cao nhất.

Theo đại biểu, tầm quan trọng của những con số dự báo ước tính khả năng thực hiện các chỉ tiêu không đơn thuần chỉ là vấn đề cung cấp cho các đại biểu Quốc hội và nhân dân về kết quả thực hiện kinh tế xã hội năm 2023. Quan trọng hơn, từ kết quả đó sẽ có căn cứ, cơ sở để lập kế hoạch phát triển cho năm 2024. Kế hoạch cho năm sau chỉ có thể xây dựng một cách khoa học và xác thực trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả thực hiện của kế hoạch năm trước và dự báo những ảnh hưởng của tình hình thế giới và tình hình trong nước.

Đại biểu nêu rõ, trong báo cáo còn thiếu 5 chỉ tiêu chưa ước thực hiện được bao nhiêu cho cả năm 2023. Trên cơ sở đó, những chỉ tiêu kế hoạch cụ thể xây dựng cho năm 2024 với những con số rất rõ ràng liệu có xuất phát từ tình hình thực tiễn hay không? Tại sao có thể đưa ra dự kiến phát triển kinh tế xã hội cả năm 2024 mà còn 3 tháng cuối năm 2023 lại không thể ước tính được con số thực hiện là bao nhiêu?

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chua-nam-nao-cac-chi-tieu-uoc-thuc-hien-phat-trien-kt-xh-lai-bi-bo-trong-nhu-nam-2023-196299.htm