Chúa Nguyễn và sự hình thành hệ thống chùa làng ở Đàng Trong (1558-1777)
Chùa làng ngoài việc đáp ứng nhu cầu thực hành Phật giáo của người dân, còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp người dân tái cố kết cộng đồng, ổn định cuộc sống trong quá trình khai hoang, lập làng lập ấp.
Tóm tắt
Trong quá trình Nam tiến, Phật giáo theo chân lưu dân Việt vào khai phá vùng đất Đàng Trong, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo nó còn giúp người dân tái cố kết cộng đồng, ổn định cuộc sống trên các vùng đất mới. Do đó, các chúa Nguyễn đã có các biện pháp tạo điều kiện cho sự ra đời, phát triển của hệ thống chùa làng.
Tiếp cận từ góc độ Sử học, Tôn giáo học, bài viết trình bày trên cơ sở hệ thống hóa các biện pháp, chính sách của chính quyền chúa Nguyễn đối với chùa làng tại Thuận Quảng và Nam bộ, tương ứng với hai giai đoạn phát triển của Đàng Trong.
Qua đó, góp phần làm rõ cơ sở hình thành của hệ thống chùa làng cùng một số đặc điểm của đời sống Phật giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVI - XVIII.
Từ khóa: Chùa làng, Phật giáo, Đàng Trong, Chúa Nguyễn, Thế kỷ XVI – XVIII.
Dẫn nhập
Thời chúa Nguyễn (1558 – 1777), trong quá trình Nam tiến, càng tiến về phương Nam Phật giáo càng có xu hướng phát triển rộng khắp. Ngay từ những ngày đầu, chúa Nguyễn Hoàng đã chủ trương dùng Phật giáo để “vỗ về quân dân”[1] như một sách lược lâu dài nhằm thu phục nhân tâm trên vùng đất mới. Trên cơ sở đó, chùa chiền được dựng lên ở khắp nơi trên vùng đất Đàng Trong.
Đàng Trong vốn là vùng đất đa dạng dân tộc và tôn giáo, điều này mang lại sự đa dạng cho hệ thống chùa chiền nơi đây. Có nhiều cách phân loại đối với chùa Đàng Trong. Căn cứ theo hệ thống hành chính có chùa công/quan tự (do chính quyền chúa Nguyễn xây dựng, quản lý, sử dụng), chùa làng (do dân làng xây dựng, quản lý, sử dụng); Căn cứ theo tông phái có chùa Nam tông (Theravada), chùa Bắc tông (Mahayana); Căn cứ theo chức năng có Thiền viện, chùa tổ, chùa khuôn (niệm Phật đường); Căn cứ theo chủ thể tôn giáo có chùa Việt, chùa Hoa, chùa Khmer và các phế tích Phật giáo của người Chăm… Ngoài ra, khoảng cuối thế kỷ XVII, Đàng Trong bước vào giai đoạn ổn định, phát triển đây là thời điểm xuất hiện loại hình chùa Sắc tứ. Ngoài chức năng giống với các ngôi chùa Quốc tự (chùa công), chùa Sắc tứ giống như các trung tâm sinh hoạt Phật giáo có chức năng chấn hưng, dẫn dắt đời sống Phật giáo ở các dinh, trấn.
Nhìn chung, trong hệ thống chùa chiền ở Đàng Trong, loại hình chùa công, chùa Sắc tứ nhận được sự quan tâm đặc biệt có các nhà nghiên cứu. Có thể kể ra một số nghiên cứu tiêu biểu, như: Thích Đồng Dưỡng (2012), “Tư liệu Hán Nôm chùa Quang Hoa”; Tạ Quốc Khánh (2014), “Nhà Nguyễn với việc quản lý và sử dụng hệ thống chùa Sắc Tứ”; Nguyễn Đắc Xuân (2017), Thiền Lâm chùa lịch sử, thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong; Ngoài ra, còn có các bài “Về ngôi chùa Sắc tứ Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ xứ Thuận Hóa”; “Sắc tứ Kim Cang tự ngôi cổ tự bên sông Đà Rằng”; “Làng Hà Trung và cổ tự Hà Trung qua góc nhìn địa chính trị, địa văn hóa” của các tác giả đăng trên tạp chí Liễu Quán...
Cùng tồn tại song hành với hệ thống chùa công, chùa Sắc tứ, các ngôi chùa làng từng bước hình thành và phát triển rộng khắp trên vùng đất Đàng Trong. Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu đề cập đến chùa làng, hoặc là được đề cập một cách gián tiếp, không đầy đủ. Trong đó, có thể kể đến một số nghiên cứu, bài viết có liên quan, như: Huỳnh Công Bá (2008), “Bàn về “loại hình khẩn hoang Thuận Quảng””, Nghiên cứu Lịch sử, Số 4.2008; Trương Điện Thắng (2021), Làng xứ Quảng; Lê Xuân Thông (2018), Phật giáo Quảng Nam thế kỷ XVII – XIX; Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền (2016), Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII; Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975; Trần Hồng Liên (2019), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ… Với các nghiên cứu này, các tác giả thường gắn sự ra đời của chùa làng với quá trình khai hoang, lập làng của lưu dân Việt trên các vùng đất Đàng Trong. Trong đó, chùa làng ngoài việc đáp ứng nhu cầu thực hành Phật giáo của lưu dân Việt, đặc biệt nó còn góp phần vào quá trình tái cố kết cộng đồng, ổn định cuộc sống của người dân trên các vùng đất mới.
Có một thực tế, chùa làng mang tính chất địa phương, nó ít nhận được sự quan tâm của chính quyền chúa Nguyễn như các loại hình chùa công, chùa Sắc tứ. Tuy nhiên, từ những khảo cứu tư liệu, tài liệu lịch sử, nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền chúa Nguyễn đã có những biện pháp căn cơ cùng với những tính toán lâu dài nhằm tạo điều kiện cho hệ thống chùa làng hình thành và phát triển trên vùng đất Đàng Trong.
Căn cứ vào quá trình Nam tiến dưới thời chúa Nguyễn, bài viết tạm chia quá trình hình thành, phát triển của chùa làng thành 02 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1558 – 1672: tương ứng với vùng Thuận Quảng, lập làng gắn với lập chùa; Giai đoạn 1672 – 1777: tương ứng với vùng đất Nam bộ, chùa làng hình thành trên cơ sở dân đi trước “nhà nước” đi sau, sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể trong những phần viết sau đây.
Chính sách của chính quyền chúa Nguyễn đối với chùa làng vùng Thuận Quảng (giai đoạn 1558 – 1672)
Quá trình khai hoang lập làng
Theo Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1555), số liệu về làng mạc người Việt cho biết, giữa thế kỷ XVI chỉ có Thuận Hóa tập trung đông dân cư, Thăng Bình, Điện Bàn vẫn còn nhiều đất hoang hóa. Do đó, ngay sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), Nguyễn Hoàng ra sức đẩy mạnh chính sách khai hoang, phát triển nông nghiệp. Về cơ bản, các chúa Nguyễn áp dụng hai hình thức khẩn hoang là mộ dân khai hoang và lập đồn điền (có sự tham gia của quân đội và chính quyền).
Hình thức mộ dân khai hoang nhằm tạo điều kiện cho tầng lớp quan lại, địa chủ, các dòng họ lớn có tiềm lực kinh tế tổ chức khai hoang bằng cách chiêu mộ tá điền, dân nghèo, tù binh hoặc nông nô (dân tộc ít người)... Những vùng đất khai hoang là cơ sở hình thành nên những làng xã mới, dân được miễn thuế trong vòng 3 năm và người tổ chức khai khẩn được ban chức tước, ruộng đất...
Hình thức lập đồn điền có sự tham gia của quân đội và chính quyền thường ở những vùng đất bị bỏ hoang hoặc vùng viễn biên. Đặc biệt, ở những vùng giáp danh với người Chăm, người Khmer đồn điền còn giữ vai trò tiền đồn để giữ đất. Thông thường, chính quyền ấn định những khu vực lập làng, tổ chức chiêu mộ nhân công gồm tù binh, phạm nhân, người lang thang, dân phiêu bạt... theo hình thức cưỡng chế. Đất đai khẩn hoang phần lớn trở thành công điền giao cho các làng quản lý, một phần trở thành quan điền để sung quốc khố... [2]
Theo Đại Nam thực lục, trong trận thắng năm 1648, quân Nguyễn bắt sống khoảng ba vạn lính của quân Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Lan ra lệnh sử dụng số tù binh này vào việc khẩn hoang từ Thăng Bình, Điện Bàn trở vào Nam. Chính quyền cấp cho canh ngư, điền khí, lương ăn phục vụ cho hoạt động khẩn hoang... Từ đó Thăng Bình, Điện Bàn đến Phú Yên, làng mạc liền nhau, về sau thành hộ khẩu[3].
Trên cơ sở chính sách khẩn hoang, vùng Thuận Quảng đã từng bước hình thành hệ thống làng xã rộng khắp. Giai đoạn sớm làng xã vùng Thanh Chiêm (Quảng Nam) tiền thân là những đội sản xuất với khoảng 50 đinh gọi là giáp hoặc trại sau tụ họp thành làng. Do đó, so với làng truyền thống Bắc bộ, làng xã ở Đàng Trong có một số điểm khác biệt, ngoài chức năng đơn vị cộng cư nó còn có thêm các chức năng là đơn vị tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, tổ chức xã hội...[4]
Quá trình lập làng gắn với lập chùa
Về nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của lưu dân: Phật giáo và các truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo được lưu dân Việt tiếp tục duy trì trên vùng đất mới. Đặc biệt, khi phải đối mặt với những khó khăn trong đời sống, lao động sản xuất trên vùng đất mới, người dân có nhu cầu lớn về chỗ dựa tinh thần, sự che chở của thần linh thông qua các thực hành tín ngưỡng, tôn giáo...
Trước Nguyễn Hoàng, Bùi Tá Hán từng giữ chức Đô tướng dinh Quảng Nam (1546), luôn đề cao việc duy trì văn hóa truyền thống đi đôi với đổi mới phong tục. Ông kêu gọi tiết kiệm trong hôn nhân, tang tế mặt khác khuyến khích việc xây dựng đền chùa phục vụ tín ngưỡng.[5] Tài liệu Hán Nôm về Bùi Tá Hán còn nêu rõ, ông chủ trương: “Các xã thôn xây dựng đền chùa để nhân dân cúng lễ.”[6]
Nhận thức rõ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đặc biệt là thực hành Phật giáo, ngay từ những ngày đầu Nguyễn Hoàng đã chủ trương dùng Phật giáo để “vỗ về quân dân”[7]. Tiếp thu kinh nghiệm tổ chức của Bùi Tá Hán, trong quá trình khai hoang lập làng, các chúa Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc dựng chùa. Tài liệu văn bia về chùa làng ở vùng Quảng Nam thời kỳ đầu (thế kỷ XVII) cho thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa quan lại địa phương và các thành phần dân xã trong các hoạt động dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, cúng ruộng tam bảo. Cụ thể như sau:
Văn bia chùa Long Thủ (Quảng Nam) dựng năm 1657, cho biết: Long Thủ (đầu rồng) là vùng đất thiêng nên dựng chùa. Hết thảy dân làng (Nại Hiên) cùng nhiều vị chức sắc địa phương gồm vợ chồng Cai thuộc Hội chủ Nguyễn Văn Châu, vợ chồng Cai hợp Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Lễ, Lại ty Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Kỷ, Xã trưởng Phạm Văn Ngao đều đồng tình dựng chùa mới tại khu đất do ông Trần Hữu Lễ dâng hiến, đồng thời cho tiến hành tô tượng, đúc chuông... Ngoài ra, nhiều tín chủ đã bỏ tiền mua hơn ba mẫu ruộng tại Cửa Đình, Giếng Vũng để cúng vào chùa. Văn bia cũng liệt kê danh sách những người đã cúng tiền và ruộng cho chùa, đứng đầu là viên chức Trấn thủ có tên là Trần Văn Huyền và vợ là Nguyễn Thị Vạn [Viên Đình Phong]...[8]
Có hai nội dung đáng chú ý trong văn bia chùa Long Thủ: Thứ nhất, “Hết thảy dân làng (Nại Hiên) cùng nhiều vị chức sắc địa phương... đều đồng tình dựng chùa mới”; Thứ hai, trong danh sách cúng tiến gồm rất nhiều tín chủ là dân làng cúng tiền, ruộng cho chùa, đứng đầu danh sách là vị Trấn thủ Trần Văn Huyền cùng vợ Nguyễn Thị Vạn.
Tương tự, bia chùa Phổ Khánh (Quảng Nam) năm 1678, cho biết: Hội chủ Lê Cao Trí, pháp danh Chơn Thuyên; Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ, có ruộng tư mua được tại hai xứ Sa Khố và Suối Giữa, thuộc xã La Đái gồm 5 mẫu 4 sào tám thước đem cúng làm ruộng tam bảo; Quan viên và toàn dân xã Ái Nghĩa có 3 mẫu ruộng công tại xã Thi Lân cùng với đất thổ cư ở bên trong khuôn viên vườn chùa là 3 sào dâng làm của tam bảo để tiện việc cúng dường tôn sùng Phật pháp. Ngày lành năm Mậu Ngọ (1678), Vĩnh Trị năm thứ 3 lập bia.[9]
Bia chùa Phổ Khánh cũng cho biết, ngoài vị Hội chủ Lê Cao Trí phát tâm cúng ruộng cho chùa làm ruộng tam bảo, quan viên và toàn dân xã Ái Nghĩa cúng ruộng, đất thổ cư làm khuôn viên vườn chùa.
Như vậy, lập làng gắn với lập chùa là một chủ trương sớm từ thời Bùi Tá Hán làm đô trưởng Quảng Nam (1546). Tiếp nối kinh nghiệm này, dưới thời chúa Nguyễn quá trình lập làng lập chùa tiếp tục được duy trì đều đặn. Để thực hiện chủ trương này, giữa quan lại địa phương và dân làng luôn có sự thống nhất, đồng lòng trong các công việc dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, cúng tiến tiền, ruộng tam bảo cho chùa. Trên cơ sở đó, nó đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thực hành Phật giáo của cộng đồng làng xã trên các vùng đất mới Đàng Trong thế kỷ XVI - XVIII.
Chính sách của chính quyền chúa Nguyễn đối với chùa làng ở Nam bộ (giai đoạn 1672– 1777)
Đẩy nhanh quá trình khẩn hoang Nam bộ
Ngay từ thời chúa Sãi, Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), các hoạt động bang giao với Chân lạp đã được chú trọng. Năm 1618, chúa Sãi gả công chúa Ngọc Vạn cho nhà vua Chey-chessda. Tiếp đó, năm 1621, chúa Nguyễn cử một phái bộ sang Chân lạp xin phép cho lưu dân Việt vào khai khẩn những vùng đất bỏ hoang[10]. Do đó, ngay từ những năm đầu thế kỷ XVII, nhiều gia đình người Việt vùng Thuận Quảng đã đi tiên phong khai hoang vùng Nam bộ, đặt cơ sở cho việc hình thành các làng xã sau này.
Đặc biệt, sau khi chiến tranh Trịnh – Nguyễn kết thúc (1672) chính quyền chúa Nguyễn đẩy nhanh quá trình Nam tiến xuống phương Nam bằng chính sách mộ dân khai hoang và chính sách thuế khóa lới lỏng. Trong suốt gần một thế kỷ (cuối thế kỷ XVII – giữa thế kỷ XVIII), người dân khai hoang tự kê khai số ruộng đất canh tác để nộp tô thuế. Nhờ đó, nhiều dòng họ lớn từ miền Trung tiếp tục mộ dân xuống Nam bộ khai hoang[11].
Bên cạnh đó, các chúa Nguyễn tranh thủ lực lượng người Hoa (Minh Hương) xin nhập cư để đẩy nhanh quá trình khai phá Nam bộ. Năm1679, các nhóm do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung xin nhập cư. Các chúa Nguyễn xét thấy “Nay đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều”.
Được sự chấp nhận của chúa Nguyễn, nhóm Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa “mở đất, lập phố” kiểm soát những vị trí quan trọng của hệ thống sông Đồng Nai; nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho “dựng nhà cửa, họp người Kinh, người Di, kết thành làng xóm”…[12] kiểm soát hệ thống vận tải trên sông Mêkông. Cùng thời gian đó, nhóm Mạc Cửu chiếm cứ một vị trí quan trọng ở trên một vùng đất mà sau này trở thành Hà Tiên. Sau này, chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu là tổng trấn Hà Tiên (1708).
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn xuống cắt đặt hành chính vùng Gia Định, tại đây đất đai mở rộng 1.000 dặm, dân số đã có khoảng hơn 4 vạn hộ[13]. Trên cơ sở đó, ông cho lập Trấn Phiên, Biên Trấn, hình thành hệ thống xóm, ấp, định mức tô thuế…
Đáng chú ý, Nam bộ (hay còn gọi là Thủy Chân Lạp) trước đây thuộc Chân Lạp là vùng đất thấp thường xuyên bị ngập lụt bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ. Đầu thế kỷ XVII, bằng nhiều hình thức bang giao, kết hôn, trợ giúp quân sự, chính quyền chúa Nguyễn đã xin vua Chân Lạp cho phép lưu dân Việt vào đây khai phá. Trên cơ sở đó, các chúa Nguyễn đã từng bước chinh phục và làm chủ vùng đất này một cách hòa bình. Với phương châm dân đi trước nhà nước đi sau, phát triển kinh tế - xã hội trước sau đó mới đến các biện pháp quản lý hành chính.
Từ năm 1755 – 1757, để đáp lại sự giúp đỡ quân sự của chính quyền chúa Nguyễn Chân lạp liên tiếp dâng các phần đất còn lại cho chính quyền chúa Nguyễn, gồm: Tầm Bôn (Tân An - Long An) và Lôi Lạp (Gò Công – Tiền Giang), Ba Thắc (Trà Vinh), Tầm Phong Long (An Giang, Đồng Tháp)… Về cơ bản, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) quá trình Nam tiến đã được hoàn tất. Trong đó, hệ thống chùa làng ở Nam bộ được hình thành, phát triển gắn liền với tiến trình Nam tiến (theo chiều từ Bắc xuống Nam). Phương châm dân đi trước nhà đi sau không chỉ là cách để chính quyền chúa Nguyễn thiết lập và khẳng định chủ quyền trên vùng đất Nam bộ, nó còn là cơ sở quan trọng cho quá trình hình thành hệ thống chùa làng trên đất Nam Bộ.
Chùa làng hình thành trên cơ sở dân đi trước nhà nước đi sau
Như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, người Việt di dân trong quá trình Nam tiến theo hình thức nhảy cóc. Các lưu dân đầu tiên di dân từ các tỉnh phía Bắc vào Thuận Quảng, từ Thuận Quảng tiếp tục tiến xuống Nam bộ. Nhiều truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt tiếp tục được bảo lưu trong đó có Phật giáo. Phật giáo tiếp tục là chỗ dựa tinh thần, đặc biệt cầu an, cầu siêu là những nghi lễ cứu cánh đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân khi lâm chung. Do đó, trong quá trình khai hoang lập ấp, nhiều ngôi chùa tạm được người dân lập lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trên vùng đất mới. Công cuộc khẩn hoang để lại những dấu ấn sâu sắc trong thực hành Phật giáo Nam bộ, hầu hết các ngôi chùa đều có ban thờ cô hồn dành cho những linh hồn bơ vơ trong buổi đầu sơ khai.
Theo tác giả Hà Xuân Liêm, trong không gian mở của Nam bộ, Phật giáo Thuận Quảng theo chân lưu dân vào đất Nam bộ song chưa tạo ra được nhiều ảnh hưởng. Các tăng sãi từ chủ yếu hoạt động dưới hình thức đơn lẻ, ẩn tu, lập am ở các hang núi, ít truyền bá giáo lý[14]. Trong bộ Đại Nam nhất thống chí có nói đến cách lập chùa, ẩn tu của các nhà sư trong thời kỳ này. Trong khi đó, tốc độ khẩn hoang được đẩy mạnh, dân cư tăng nhanh khiến cho nhu cầu thực hành Phật giáo ngày càng trở nên bức thiết. Trước tình hình đó, nhiều ngôi chùa tạm dưới hình thức tự phát do dân dựng lên đã ra đời. Phần lớn các ngôi chùa Nam bộ được lập bởi người dân thay vì tầng lớp xuất gia. Đây là điểm khác biệt lớn giữa các ngôi chùa Nam bộ so với các ngôi chùa ở miền Bắc và xứ Huế[15].
Những dấu hiệu sớm về đời sống Phật giáo của người Việt trên đất Nam bộ có rất ít dấu tích, bởi phần lớn các ngôi chùa làm bằng vật liệu đơn sơ dễ bị phá hủy theo thời gian. Trong đó, sự đồng hành của tăng nhân Thuận Quảng trong buổi đầu người Việt khai khẩn Nam bộ được sử liệu ghi lại đó là “Nhà sư Trí Năng đi vân du” đến ngôi chùa nổi danh Kim Chương (chùa Thiên Trường) do Đạt Bản Hòa thượng từ Qui Nhơn đến lập[16]
Bối cảnh Nam bộ cuối thể kỷ XVII, việc chính quyền chúa Nguyễn đẩy nhanh quá trình khai khẩn Nam bộ, trong khi đây là vùng đất rộng lớn cách xa kinh đô Huế cho nên có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực, tài lực. Trước tình hình đó, chính quyền chúa Nguyễn chọn giải pháp dân đi trước nhà nước đi sau, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trước, sau đó mới đến các biện pháp chính trị - quân sự. Đối với hệ thống chùa làng, trên cơ sở đền, chùa tự phát do dân lập lên, chính quyền cho dựng lại khang trang hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, giúp người dân ổn định đời sống trên vùng đất mới. Tiếp đó, là các hoạt động cấp “Sắc tứ” nhằm chính thức công nhận về mặt nhà nước đối với các ngôi chùa này.
Sớm nhất, đó là các ngôi chùa Vạn An được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sắc tứ năm 1710; chùa Hộ Quốc (Biên Hòa) có niên đại sớm do thống suất Nguyễn Cửu Vân dựng sau khi đánh Chân Lạp. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) cho tu sửa và sắc tứ năm 1734[17]. Chùa Quang Hoa (Bình Định) trải qua nhiều đời (từ Nguyễn Phúc Chu đến Nguyễn Phúc Khoát) có ít nhất 02 lần xin sửa chữa. Một lần chính quyền cấp tiền cho Khám lý tu bổ nhưng thực hiện được. Một lần nói rõ có vị quan Tạo Thành Hầu xin phát tâm sửa chùa. Trong Tờ Bẩm do thiền sư Bích Phong soạn (1733), phần cuối có dòng kim phê “đồng ý giao Tạo Thành Hầu thực hiện”[18].
Trong quá trình phát triển của Phật giáo Nam bộ không thể không đề cập đến vai trò của lực lượng tăng sư Trung Hoa, tiêu biểu là thiền sư Nguyên Thiều và các đệ tử. Nguyên Thiều (1648 - 1728), năm 1677 thiền sư theo dòng người Minh Hương nhập cư ở Đàng Trong, lập chùa Thập tháp Di đà (Bình Định). Sau sự kiện Minh Châu Hương Hải chạy ra Bắc (1682), Nguyên Thiều được các chúa Nguyễn thỉnh ra Huế. Gắn bó với các đời chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu), Nguyên Thiều từng đảm nhiệm các công việc khai sơn một số ngôi chùa công (Huế), về Trung Hoa thỉnh tăng, mua kinh sách, pháp khí, tổ chức các giới đàn góp phần quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo Thuận Quảng. Giai đoạn này, Nguyên Thiều và các đệ tử dòng Lâm tế có vai trò quan trọng trong việc phát triển Phật giáo xuông Nam bộ. Thông qua hoạt động hoằng hóa ở các chùa Kim Cang, Đại Giác, Long Thiền (Đồng Nai), chùa núi Châu Thới (Bình Dương)... Phật giáo tiếp tục lan rộng xuống vùng Sài Gòn – Gia Định[19].
Mặt khác, nằm trong dự tính của các chúa Nguyễn dựa vào cộng đồng người Hoa (Minh Hương) để phát triển Phật giáo ở Nam bộ. Chính quyền chúa Nguyễn áp dụng chính sách tự quản đối với người Hoa (Minh Hương), trên cơ sở đó làng Minh Hương ra đời đồng thời hình thành hệ thống chùa Hoa trên đất Nam bộ. Đặc biệt trong điều kiện sống đan xen, một số ngôi chùa Hoa trở thành địa điểm sinh hoạt Phật giáo của cả cộng đồng người Hoa và người Việt. Tiểu biểu là chùa Giác Lâm (Gia Định), chùa Tam Bảo (Hà Tiên)…
Theo tác giả Trần Hồng Liên, quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo Nam bộ dựa trên ba hướng. Sớm nhất là hướng Thuận Quảng, các thiền sư theo phái Trúc Lâm theo chân các lưu dân Việt vào Nam bộ sớm nhưng tạo ra ít ảnh hưởng. Tiếp đến là hướng Tây Nam bộ gồm các hoạt động hoằng pháp của Nguyên Thiều và các để tử thuộc phái Lâm tế. Muộn nhất là hướng Hà Tiên, sau khi Mạc Cửu dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn (1708). Trong đó, Phật giáo Trung Hoa, đặc biệt là phái Lâm Tế có ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ đối với Phật giáo Nam bộ[20].
Như vậy, tại Nam bộ, dù không trực tiếp tham gia vào quá trình dựng chùa như vùng đất cũ Thuận Quảng, song với những tính toán hợp lý, việc chính quyền chúa Nguyễn tạo điều kiện cho người Hoa (Minh Hương) định cư tại một số vùng đất Đồng Nai, Mỹ Tho, Gia Định, sau này thu nạp thêm Hà Tiên đã tạo ra những chiều kích cần thiết để các ngôi chùa tại đây có thêm những sức sống mới, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong quá trình khai khẩn Nam bộ.
Một số nhận định bước đầu
Khác với ngôi chùa làng trong xã hội truyền thống làng xã ở Đàng ngoài, chùa làng trước hết là của làng, do dân làng góp tiền xây dựng lên để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của dân làng. Chính quyền trung ương hầu như không can thiệp vào quá trình xây dựng, trùng tu chùa làng ngoài một số quy định luật pháp nhằm nghiêm cấm các thực hành nghi lễ “mê tín” của Phật giáo như tuyên truyền về hỏa ngục, phúc họa, tướng số...[21] Tuy nhiên, bài viết đã đưa ra khá nhiều bằng chứng cho thấy, chính quyền chúa Nguyễn sử dụng các biện pháp khác nhau trực tiếp hoặc dán tiếp để hậu thuẫn cho chùa làng hình thành phát triển rộng khắp trên vùng đất Đàng Trong.
Trong hơn 200 năm các chúa Nguyễn nắm quyền cai quản vùng đất Đàng Trong đã diễn ra những biến động chính trị, kinh tế, xã hội phức tạp. Trong đó, công cuộc khẩn hoang, mở mang bờ cõi có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành phát triển của hệ thống chùa làng. Bên cạnh là các biện pháp hẫu thuẫn của chính quyền chúa Nguyễn đối với chùa làng. Cụ thể: Giai đoạn 1558 – 1672, đối với vùng Thuận Quảng quá trình lập làng gắn với lập chùa; Giai đoạn 1672 – 1777, đối với vùng Nam bộ, chùa làng hình thành trên cơ sở dân đi trước “nhà nước” đi sau… Đáng chú ý, vùng Nam bộ, mặc dù không trực tiếp tham gia, song việc chính quyền chúa Nguyễn cho phép người Hoa nhập cư trên đất Nam bộ chính là những tính toán lâu dài cùng với các những biện pháp căn cơ khác đã tạo điều kiện cho hệ thống chùa làng hình thành phát triển tại đây.
Chùa làng ngoài việc đáp ứng nhu cầu thực hành Phật giáo của người dân, nó còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp người dân tái cố kết cộng đồng, ổn định cuộc sống trong quá trình khai hoang, lập làng lập ấp. Qua đó, tạo tiền đề cho chính quyền chúa Nguyễn thiết lập quyền lực trên vùng đất mới. Chính vì vai trò quan trọng này mà chính quyền chúa Nguyễn luôn có các biện pháp hậu thuẫn cho chùa làng phát triển.
Phật giáo theo bước chân người Việt vào Đàng Trong khai hoang mở cõi, để đáp ứng kịp thời nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của lưu dân Việt trên vùng đất mới, chùa làng trở thành mảnh đất màu mỡ cho Phật giáo bình dân phát triển. Tiêu biểu là các triết lý ở hiền gặp lành với tinh thần tương thân tương ái, các hình thức thực hành phổ biến như cầu siêu, cầu an, thờ cô hồn… Cho đến nay, công cuộc khẩn hoang vẫn để lại những dấu ấn sâu sắc trong hệ thống thờ tự, kinh sách Phật giáo ở các khu vực thuộc Đàng Trong. Việc nghiên cứu sự hình thành của hệ thống chùa làng ở Đàng Trong (giai đoạn 1558 – 1777) sẽ góp phần lý giải một số đặc điểm đời sống Phật giáo đương đại ở các khu vực Trung và Nam bộ nước ta hiện nay.
Chú thích
[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 28.
[2] Nguyễn Thanh Nhã (2015), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 128-130.
[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Sđd., tr. 59.
[4] Trương Điện Thắng (2021), Làng xứ Quảng, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 18
[5] Trương Điện Thắng (2021), Sđd., tr. 21-23.
[6][6] Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi (1996), Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496 - 1568), Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà (biên soạn), Trần Nghĩa (hiệu đính), TP. Hồ Chí Minh, tr. 27]
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Sđd., tr. 28.
[8] Viên Đình Phong, “Bia chùa Long Thủ”, 07:18, 11/04/2015(GMT+7)
https://baodanang.vn/channel/5433/nhung-cai-nhat-o-da-nang/201504/bia-chua-long-thu-2407583/index.htm
[9] Huỳnh Công Bá (1991), “Bài văn bia chùa Phổ Khánh”, Nghiên cứu Hán Nôm, Số 2 (11).
[10] Nguyễn Đình Đầu (1992), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp của Nam kỳ lục tỉnh, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 45-47.
[11] Li Tana (2014), Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Nguyễn Nghị (dịch), Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 33 - 35.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.84-85.
[13] Nguyễn Đình Đầu (1992), Sđd., tr. 60.
[14] Kỷ yếu Hội thảo (2009): 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định, Nxb. TP. Hồ Chính Minh
[15] Kỷ yếu Hội thảo (2009), 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định, Tlđd.
[16] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1971), Sđd.
[17] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Sđd., tr.145.
[18] Thích Đồng Dưỡng (2012), “Tư liệu Hán Nôm chùa Quang Hoa”, Suối Nguồn, Số 8, tháng 8/2012, tr. 83-96
[19] Trương Thúy Trinh (2023), “Chính quyền chúa Nguyễn với tăng nhân Trung Hoa ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII: Một số tăng nhân tiêu biểu”, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 12 (238), tr. 42-54
[20] Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 7-8
[21] Viện Khoa học Xã hội (2009), Cổ luật: Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 88-89, 96.
Tài liệu tham khảo:
Huỳnh Công Bá (1991), “Bài văn bia chùa Phổ Khánh”, Nghiên cứu Hán Nôm, Số 2 (11), 1991.
Thích Đồng Dưỡng (2012), “Tư liệu Hán Nôm chùa Quang Hoa”, Suối Nguồn, Số 8, tháng 8/2012, tr. 83-96
Nguyễn Đình Đầu (1992), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp của Nam kỳ lục tỉnh, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
Kỷ yếu Hội thảo (2009): 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định, Nxb. TP. Hồ Chính Minh
Nguyễn Thanh Nhã (2015), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Tri Thức, Hà Nội.
Li Tana (2014), Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Nguyễn Nghị (dịch), Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
Viên Đình Phong, “Bia chùa Long Thủ”, 07:18, 11/04/2015(GMT+7)
https://baodanang.vn/channel/5433/nhung-cai-nhat-o-da-nang/201504/bia-chua-long-thu-2407583/index.htm
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa
Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi (1996), Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán (1496 - 1568), Lê Hồng Long, Vũ Sông Trà (biên soạn), Trần Nghĩa (hiệu đính), TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
Trương Điện Thắng (2021), Làng xứ Quảng, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
Trương Thúy Trinh (2023), “Chính quyền chúa Nguyễn với tăng nhân Trung Hoa ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII: Một số tăng nhân tiêu biểu”, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 12 (238), tr. 42-54
Viện Khoa học Xã hội (2009), Cổ luật: Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Tác giả: NCS. ThS Trương Thúy Trinh
Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam