Chưa quy định cá nhân nước ngoài là người sử dụng đất
Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đối với quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, trường hợp cần thiết xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Sáng 1-11, sau khi nghe Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài: Nhiều ý kiến khác nhau
Đáng chú ý, liên quan đến quy định về người sử dụng đất (Điều 6 dự thảo), ông Vũ Hồng Thanh cho hay có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài cũng như việc tiếp cận đất đai có điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo cơ quan thẩm tra, việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng như không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
“Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật”- ông Thanh nêu quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật.
Rà soát các trường hợp thu hồi đất “vì lợi ích quốc gia, công cộng”
Liên quan đến thu hồi đất, trưng dụng đất, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều 86 dự thảo).
Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp.
“Xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi”- ông Thanh nói.
Đặc biệt, cơ quan thẩm tra lưu ý cần rà soát các trường hợp: “dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch”; “dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp”; “dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung”; “dự án đô thị”; “dự án khu dân cư nông thôn”; “dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở”; “dự án lấn biển”; “dự án khai thác khoáng sản”; “dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”...
Về trưng dụng đất (Điều 96), cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể hơn về việc trưng dụng đất, bồi thường về tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
“Đề nghị rà soát quy định về trưng dụng đất với quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, tránh trùng lặp, mâu thuẫn”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi: Đánh giá kỹ
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có đất thu hồi.
Với quy định về tái định cư, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung nguyên tắc tái định cư phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; quy định cụ thể hơn về mức độ hoàn thành dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
Đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm
Một trong những nội dung quan trọng nhất, thu hút nhiều ý kiến góp ý khi xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề về tài chính về đất đai, giá đất. Với nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc một số nội dung liên quan đến điều tiết nguồn thu từ đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước, không nên quy định trong dự thảo Luật.
Về giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”. Cơ quan này đề nghị dự thảo quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra.
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể; cách xác định cụ thể “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; quy định rõ về việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật.
“Có ý kiến đề nghị có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát ngân sách nhà nước”- ông Vũ Hồng Thanh nói thêm.
Những lưu ý của Ủy ban Kinh tế
Tại báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh cho hay Ủy ban Kinh tế đánh giá về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế...
Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bảy vấn đề. Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế đề nghị:
1. Tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp.
2. Rà soát sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
3. Rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
4. Tiếp tục hoàn thiện đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự thảo Luật, tránh phân tích định tính, đặc biệt đối với ba vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, trường hợp có chính sách mới được bổ sung so với giai đoạn đề nghị xây dựng Luật thì cần bổ sung đánh giá tác động.
5. Cụ thể hóa tối đa các nội dung trong dự thảo Luật, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chua-quy-dinh-ca-nhan-nuoc-ngoai-la-nguoi-su-dung-dat-post705820.html