Chưa quyết định bổ sung kế hoạch ngân sách Trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa quyết định bổ sung kế hoạch này.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, Chính phủ mới trình số bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng, chưa trình Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ.

Mặt khác, số vốn đề nghị điều hòa, bổ sung chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023. Thực tế cũng cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 rất chậm.

Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, không để tình trạng bổ sung vốn nhưng không bảo đảm tiến độ giải ngân số vốn tăng thêm, phải chuyển nguồn, kéo dài sang năm sau.

Nêu quan điểm ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc Chính phủ đề xuất bổ sung trên 18 nghìn tỷ đồng vốn điều hòa cho 265 danh mục dự án, con số này chia đầu dự án chỉ giống như “muối bỏ bể”, đã cho thấy sự manh mún, phân tán, dàn trải về đầu tư. Trong khi đó, vẫn còn trên 38 nghìn tỷ đồng tại các bộ, ngành, địa phương hiện chưa phân bổ, lý do là chưa chuẩn bị xong thủ tục đầu tư. Đây cũng là điểm mà Chính phủ cần báo cáo rõ bộ, ngành, địa phương nào chưa làm xong và công khai danh mục nguồn vốn để người dân biết.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, mục tiêu của năm 2022 phải giải ngân được phần lớn gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong khi yêu cầu Chính phủ trình dự kiến tổng thể bố trí gói hỗ trợ này như thế nào thì hiện nay cũng chưa có.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi đồng ý với nhiều ý kiến trong này là chưa xem xét quyết định việc này mà Chính phủ phải trình tổng thể, bố trí danh mục 347.000 tỷ ngoài chính sách tài khóa các thứ rồi còn lại tổng đầu tư công là bao nhiêu, y tế thế nào, giáo dục thế nào, giao thông thế nào, thủy lợi thế nào, v.v. có danh mục lên đây hết đã.

Tiếp tục rà soát lại một lần nữa, nhất là những dự án tiêu tốn vốn lớn mà có thể ra tấm ra món, có thể thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của năm 2022 này lên. Bây giờ, nhiệm vụ là phải tăng trưởng thêm 2%, các đồng chí tính toán xem tăng được bao nhiêu phần trăm trong năm nay, ngoài mục tiêu 6-6,5% theo nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết 43 là thêm 2% nữa, tôi nhắc đi nhắc lại việc này rồi. Đó là ý thứ nhất, chưa xem xét việc này, mặc dù là gấp nhưng với cách thức này chưa đủ điều kiện, chưa đạt yêu cầu để chúng ta xem xét, phải trình lại.”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng đề nghị Chính phủ lý giải việc bố trí vốn còn lắt nhắt, phải xem xét lại việc phân bổ vốn trong năm 2022.

Ông NGUYỄN HỮU TOÀN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách: “Có chờ cắt giảm hết 38.000 tỷ của các cơ quan đã được Thủ tướng giao kế hoạch tổng thể nhưng chưa đủ điều kiện phân bổ vốn thì mới bổ sung vốn hay không? Câu chuyện này là câu chuyện khác nhau. Trong nguyên tắc, tiêu chí của chúng tôi đưa ra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là kiên quyết không phân bổ vốn cho những ông đang còn vốn mà chưa phân bổ được. Không để những ông chậm trễ kéo theo, đáng nhẽ ông bộ A làm nhanh thì phải bổ sung vốn cho nó, không vì việc ông B chậm mà lại bảo ông bộ A dừng lại.”

Giải trình vấn đề mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Kề hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, báo cáo Chính phủ nêu đến ngày 31/3 nếu bộ, ngành, địa phương nào chưa phân bổ thì kiên quyết cắt giảm, điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác tốt hơn. Tuy nhiên đến ngày 31/3, các bộ ngành, địa phương chưa rà soát được. Chính phủ đang dự kiến xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển sang ngày 30/6 rà soát lại toàn bộ số vốn 38.000 tỉ đồng không phân bổ chi tiết được. Đối với danh mục các chương trình phục hồi sẽ sớm hoàn thành trình UBTVQH.

Ông TRẦN DUY ĐÔNG - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Về danh mục các chương trình phục hồi, ngay sau khi Quốc hội có chủ trương Nghị quyết 43, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát. Đến nay các bộ, ngành cũng có thay đổi, ví dụ như toàn bộ nguồn cho Bộ Y tế thay đổi toàn bộ danh mục, còn một số bộ ngành sáp nhập các dự án vào. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo Chính phủ một, hai lần. Chúng tôi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội sẽ về báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo 2 danh mục, cả danh mục phục hồi và danh mục điều chuyển để đảm bảo Ủy ban Quốc hội có cơ sở để cho ý kiến.”

Kết luận nội dung chương trình làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu về phân bổ nguồn vốn Chính phủ cần rà soát tổng thể, gắn kết giữa chương trình phục hồi kinh tế với việc sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công, tránh manh mún, dàn trải. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa thực hiện bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện : Dương Dung Quang Sỹ Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chua-quyet-dinh-bo-sung-ke-hoach-ngan-sach-trung-uong-2022-cho-cac-bo-nganh-dia-phuong