Chưa thể vui dù đơn hàng trở lại
So với nửa đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đều cho biết đơn đặt hàng để sản xuất những tháng cuối năm có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy tình hình kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô đơn hàng nhỏ lẻ, giá đặt mua thấp trong khi yêu cầu của khách hàng càng nhiều hơn.
Đáng chú ý các khảo sát về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10, khi giảm về mức 49,6 điểm so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp…
Xu hướng đơn hàng dần trở lại
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, dệt may, da giày… cho biết thời điểm cuối quí 3, đầu quí 4 này lượng đơn hàng sản xuất có chiều hướng “quay trở lại” so với trước đó.
Đại diện Công ty TNHH Đức Thiện cho biết công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất, bảo đảm bảo công việc làm cho người lao động. Thay vì từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua hoạt động cầm chừng, và có nhiều thời điểm phải cắt giảm công nhân thì đến nay công ty đã tuyển lại người lao động, hoạt động sản xuất đạt 50 – 60% công suất.
Đáng chú ý, bước sang quí 4, đơn hàng tại Đức Thiện tăng trở lại với mức từ 20 – 25% so với 3 quí trước đó. Hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến hết quí 1 năm tới để người lao động có thể làm việc đủ ngày công trong những tháng tới.
Tại Bình Định, một trong những địa phương có thế mạnh ngành chế biến đồ gỗ trên cả nước cũng cho biết từ tháng 7 đến nay tình hình đơn hàng sản xuất có tín hiệu quay trở lại với doanh nghiệp. Đại diện Công ty TNHH Tân Phước chia sẻ từ tháng 7 đến nay, công ty bắt đầu có đơn hàng mới. Dù chỉ bằng khoảng 70% so với mọi năm nhưng phần nào đã đủ tạo khí thế phấn khởi để có thể duy trì sản xuất ổn định tới tháng 1 năm tới. Hiện Đại Phước đã gọi hơn 200 trong tổng số gần 400 công nhân trở lại làm việc sau thời gian dài gián đoạn.
Tương tự, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cũng cho rằng, một số tín hiệu phục hồi cho ngành gỗ được ghi nhận ở thị trường quốc tế. Cụ thể, lạm phát ở Mỹ đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu…
“Giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng từ 5 – 10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm”, đại diện HAWA cũng cho biết.
Tương tự với ngành dệt may, theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), và là Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), tình hình đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp trong 2-3 tháng qua bắt đầu phục hồi được khoảng 80% so với trước đây.
Theo ông Việt, doanh nghiệp cũng đã có những đơn hàng mới vì thị trường xuất khẩu cũng đang ấm dần trở lại. Dù thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm nhưng đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng sản xuất cho những tháng cuối năm.
“Ấm dần lên” cũng là tín hiệu các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép, thủy hải sản… Các doanh nghiệp cho biết hiện nay thị trường lớn như Mỹ, khách hàng đã bắt đầu tăng đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ xuân hạ 2024.
Các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khác cho biết thời điểm này các đơn hàng xuất khẩu cũng gia tăng, doanh nghiệp đang tận dụng mọi cơ hội để tăng tốc về đích đạt mục tiêu đã đề ra.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản. Kể từ tháng 8 đến nay, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản đã phục hồi từ 20-40% so với thời điểm đầu năm khi các nhà mua hàng tăng mua trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm, lễ Tết.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, đơn hàng cho trái bưởi, nhãn, thanh long… đang xuất khẩu tốt lên. “Nhìn chung là một gam màu tươi sáng. Đến cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng đi lên tiếp vì đơn hàng rất nhiều”, ông Tùng nói.
Nhưng quy mô nhỏ lẻ, giá thấp và yêu cầu cao
Dù vậy phần lớn doanh nghiệp cho rằng chưa thể vui mừng vì phần lớn quy mô đơn hàng rất nhỏ lẻ và đa dạng mẫu mã, giá trị thấp và yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao nên không có lợi nhuận.
Mặc dù vậy, ông Mạnh cho rằng khách hàng ngành đồ gỗ nói chung đã có sự thay đổi trong cách đặt đơn hàng, theo hướng khắt khe hơn. Bên cạnh lượng mua và giá mua đều giảm, mẫu mã lại đa dạng, nhưng yêu cầu sản phẩm phải “xanh” hơn, thân thiện với môi trường hơn. Đây là một áp lực rất lớn đối với hầu hết doanh nghiệp.
Tương tự, với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May Thêu Đan TPHCM (Agtex), hiện nay nhà nhập khẩu phần lớn chỉ đặt số lượng nhỏ và khá đặc thù, theo đó chi phí sản xuất cũng tăng lên cao 10-15%. Yêu cầu khó khăn hơn, sản xuất phải nhanh hơn, số lượng lại ít hơn và hàng hóa đặc thù hơn…
Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận giá bán ra thấp hơn trước đây để duy trì được sản xuất và giữ chân người lao động”, ông Hồng chia sẻ, và cho rằng hàng loạt yêu cầu của các nhãn hàng, nhà nhập khẩu về sản xuất xanh, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế… còn tạo áp lực và tăng chi phí với nhà sản xuất trong nước.
Một số doanh nghiệp còn tỏ ra lo ngại khi tình hình đơn hàng hiện nay dù có nhưng khá nhỏ lẻ, chỉ “như muối bỏ biển” hoặc chỉ tăng tức thời theo thời vụ của mùa bán hàng tăng cao vào các dịp lễ hội cuối năm và đón đầu năm mới.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc công ty, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), dù hơn một năm qua các doanh nghiệp trong ngành gỗ khó khăn nhưng công ty ông vẫn luôn duy trì được 50% công suất sản xuất để xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Lãnh đạo doanh nghiệp lớn ngành gỗ ở Bình Dương này cho biết tình hình đến giờ tại Mifaco chưa có gì thay đổi về tăng đơn hàng.
“Thời gian qua tôi cũng có nghe nhiều thông tin về các doanh nghiệp trong ngành có đơn hàng tăng cao trở lại nhưng tôi nghĩ có thể là những khách hàng của họ đến giờ mới thật sự hết hàng tồn kho hoặc họ cần nhập khẩu số lượng ít để phục vụ nhu cầu mua sắm thường tăng cao vào dịp cuối năm”, ông Hiệp nói, và cho rằng tình hình thị trường chưa có nhiều khởi sắc.
Tương tự, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) được xem là chỉ số đo lường “sức khỏe” của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ cũng cho thấy PMI của Việt Nam trong tháng vừa qua tiếp tục dưới ngưỡng trung bình, đơn đặt hàng mới tăng yếu.
Cụ thể hồi đầu tháng 11 này, S&P Global công bố báo cáo PMI ngành sản xuất Việt Nam cho thấy tháng 10-2023 ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục dưới ngưỡng trung bình, khi giảm về mức 49,6 điểm so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp sau khi tăng nhẹ trên ngưỡng trung bình của tháng 7 và tháng 8.
Đánh giá về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market, cho biết dữ liệu chỉ số PMI tại thời điểm đầu quí cuối cùng của năm 2023 đã vẽ một bức tranh tương tự như thời điểm cuối quí 3. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng chỉ là nhẹ và không đủ để khuyến khích các công ty tăng sản lượng. Thay vào đó, các nhà sản xuất đã dùng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng nhu cầu.
Có thể thấy, những tín hiệu thị trường sẽ khởi sắc vào những tháng tới còn chưa rõ ràng. Thực tế, doanh nghiệp không phải đang đối mặt với cú sốc ngắn hạn để có thể sớm vượt qua và quay trở lại đà tăng trưởng cao. Những khó khăn đến từ cả bên trong và bên ngoài cộng hưởng có thể còn gây ra những tác động bất lợi cho nhiều lĩnh vực của Việt Nam trong những năm tới, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp tục duy trì sức chịu đựng, linh hoạt giải quyết nhanh các yêu cầu mới của thực tiễn để đón sóng thị trường.
Ông Điền Quang Hiệp dự báo khó khăn đơn hàng sản xuất có thể kéo dài đến hết năm 2024 khi mà những bất ổn và khó khăn trên thế giới vẫn còn. Nhiều khó khăn và đà tăng trưởng của doanh nghiệp trong ngành vẫn còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu, lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng như xung đột giữa Nga-Ukraine kéo dài giờ còn có thêm chiến sự giữa Israel – Hamas.
Tương tự, theo ông Phạm Xuân Hồng, diễn biến thị trường chưa có chuyển biến rõ nét do đó cũng rất khó để dự báo tình hình tươi sáng vài tháng tới, lạc quan lắm thì giữa năm 2024 mới có thể về trạng thái như trước đây. Thời điểm này, phần lớn khách hàng vẫn đang ở trạng thái theo dõi diễn biến thị trường, sức mua, tình hình tồn kho mới có động thái tiếp theo.
Tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể còn kéo dài sang năm tới, thị trường theo đó sẽ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều biến động đòi hỏi doanh nghiệp giám sát từng ngày, từng giờ để điều chỉnh. Hiện tại, đà phục hồi chậm khiến doanh nghiệp nhiều lĩnh vực vẫn chật vật tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất và có việc làm cho người lao động.
Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đều đang tìm kiếm thêm nhiều giải pháp, đẩy mạnh xúc tiến thị trường để gia tăng đơn hàng trong năm 2024 và những năm sau đó. Các chuyên gia cho rằng rằng ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cần nhanh chóng nối lại những đơn hàng đã mất.
Theo đó, các hội chợ, triển lãm sẽ là cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, nối lại các hợp đồng để nắm bắt cơ hội hồi phục của thị trường. Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng có sự chuyển đổi phát triển bền vững, thân thiện với môi trường hơn theo yêu cầu của các khách hàng và các thị trường nhập khẩu.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chua-the-vui-du-don-hang-tro-lai/