Chùa Thiên Hương - Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

Với tinh thần từ bi bác ái, ban vui cứu khổ, cứu tử độ sinh của nhà Phật, Đại đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Thiên Hương (Mỹ Hào, Hưng Yên) đã nhận nuôi hơn 40 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, bà mẹ đơn thân và người già không nơi nương tựa.

Nằm cách Hà Nội hơn 50km, chùa Thiên Hương thuộc xã Dương Xá, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nằm nép mình bên dòng sông nhỏ, khuất sau những bóng cây cổ thụ.

Vốn là nơi cảnh sắc yên bình, thanh tịnh, nhưng nhiều năm trở lại đây, ngôi chùa lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con. Nơi đây hiện đang là mái ấm của hơn 40 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, bà mẹ đơn thân và người già neo đơn không nơi nương tựa.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhận nuôi tại chùa Thiên Hương

Những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhận nuôi tại chùa Thiên Hương

Cơ duyên với những số phận bất hạnh

Câu chuyện xảy ra vào năm 2017, Đại đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Thiên Hương phát hiện một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cửa nhà Mẫu. Ngưởi mẹ bỏ lại bé để lại một lá thư xin gửi gắm con nhờ nhà chùa nuôi dưỡng, nếu sau này mẹ cháu có cơ hội tìm lại con sẽ đến chùa để xin lại.

Đại đức Thích Nguyên Bình kể lại, khi đó chùa đang rất khó khăn, Thầy cũng chưa sẵn sàng giúp đỡ các bé, nhưng cũng vì lá thư của mẹ cháu đã khiến Thầy cảm động. Từ cái tình mẫu tử của những người mẹ cũng không muốn rời bỏ con mà chỉ vì một hoàn cảnh bất khả kháng nào đó, muốn con mình được một nơi bình an nên đã gửi vào nhà chùa. Đại đức Thích Nguyên Bình đã quyết định nhận nuôi đứa trẻ tội nghiệp và đặt tên là Minh Quang.

Thế rồi từ cơ duyên đó, rất nhiều trẻ đã được gửi đến chùa để nhận nuôi. Nhiều người mang trẻ đến rồi bỏ lại cổng hoặc trước tượng Phật trong chùa. Có bé chỉ vừa mới sinh được mấy ngày còn đỏ hỏn bị ai đó bỏ rơi.

Đại đức Thích Nguyên Bình chăm sóc cho các bé trẻ mồ côi, bị bỏ rơi tại chùa

Đại đức Thích Nguyên Bình chăm sóc cho các bé trẻ mồ côi, bị bỏ rơi tại chùa

Trong số các trẻ được gửi đến hoặc bị bỏ rơi tại chùa, có những trẻ lành lặn, nhưng có những trẻ lại không được may mắn như vậy. Một số trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch hoặc mắc các dị tật khác trên cơ thể. Nhưng với tinh thần từ bi bác ái, ban vui cứu khổ, cứu tử độ sinh của nhà Phật, thầy Thích Nguyên Bình luôn sẵn sàng đón nhận tất cả các trẻ tật nguyền hoặc hoàn cảnh éo le. Thầy luôn quan niệm rằng các bé đến với chùa là cơ duyên.

Các bé ở chùa có những bé bị bỏ rơi, có bé mồ côi cha, mồ côi mẹ, mang đến nhà chùa cho hoặc gửi nuôi. Nhà chùa đã kết hợp với địa phương làm giấy khai sinh cho các cháu và nuôi dưỡng các cháu ăn học bình thường. Khi các bé được 3 tuổi sẽ cho đi học mẫu giáo và học đến khi nào các bạn không học được nữa thì thôi. Bạn lớn nhất ở đây sinh năm 2000, 2007, 2009, bé nhất thì vài tháng. Có những bạn học xong đi làm ở ngoài, có bạn ở lại chùa để giúp đỡ Thầy chăm sóc các em.

Bé bị hở hàm ếch, dị tật môi được Thầy nhận nuôi sau đó đưa đi phẫu thuật

Bé bị hở hàm ếch, dị tật môi được Thầy nhận nuôi sau đó đưa đi phẫu thuật

Không chỉ nhận nuôi trẻ mồ côi mà Đại đức Thích Nguyên Bình còn cưu mang chăm sóc cho các mẹ bầu đơn thân, cụ già không nơi nương tựa. Thầy đi vận động các bà mẹ mang thai nhưng có ý định phá bỏ giữ lại đứa trẻ, đưa về chùa.

Từ năm 2017 đến nay nhà chùa đã cưu mang giúp đỡ được hơn 30 mẹ bầu đơn thân, sinh con ở nhà chùa. Nhà chùa bảo trợ 100%, sinh con xong có người bế con đi, có người để con lại nhà chùa nuôi giúp, có người cho hẳn con nhà chùa.

Trước kia có 7 cụ không nơi nương tựa được nhà chùa cưu mang. Đến nay 4 cụ đã mất. Hiện tại còn 3 cụ. Cụ thì bị liệt, cụ thì bị bệnh tật. Các cụ khi mất sẽ được an táng ở trong chùa.

Vượt khó khăn bằng sự yêu thương

Đại đức Thích Nguyên Bình cho biết hơn 40 bé ở đây mỗi một bé là một hoàn cảnh, một tính một nết. Có bạn dễ lúc ăn, có bạn khó lúc ngủ, có trẻ thì bị đao, có trẻ bại liệt, trẻ thì tăng động, trẻ thì lại rất chậm nên thành ra việc chăm sóc cho các bé cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ở chùa Thiên Hương chỉ có mỗi mình Thầy là sư, chùa cũng chưa có tiểu, nên việc chăm sóc cho các bé hoàn toàn do một mình Thầy tự tay đảm nhiệm. Thời gian đầu, thầy gần như mất ngủ, cả ngày lẫn đêm lo cho các bé. Sau này có các Phật tử địa phương và các nhà hảo tâm đến giúp đỡ chăm sóc cho các bé.

Thầy kể: "Bé thì lo bé, lớn thì lo lớn. Nửa đêm cũng phải cho các bạn đi cấp cứu. Sáng sớm cũng phải cho các bạn đi sinh. Lúc đầu Thầy cũng rất là bỡ ngỡ, nhưng cũng nhờ chư Phật gia hộ, bằng sự yêu thương các bé thì Thầy cũng vượt qua được và dần dần thích nghi".

Việc chăm sóc cho nhiều trẻ cùng một lúc rất khó khăn, vất vả.

Việc chăm sóc cho nhiều trẻ cùng một lúc rất khó khăn, vất vả.

Có lẽ bởi tình yêu thương của Thầy mà các bé ở đây đều coi Thầy như người cha, người mẹ. Lúc nào cũng quấn lấy Thầy không muốn rời. Mỗi lần thấy Thầy xuất hiện là các bé lại thi nhau chạy đến ôm vai, bá cổ.

Việc chăm sóc các bé khó khăn là thế, nhưng còn chi phí rồi nơi ăn ở, sinh hoạt cũng là một khó khăn rất lớn. Thầy Thích Nguyên Bình cũng phải đứng ra lo toan mọi việc, đi khắp nơi kêu gọi ủng hộ. Và cũng nhờ có sự chung tay giúp đỡ của các mạnh thường, Phật tử ở khắp mọi miền ủng hộ, giúp đỡ, nên nhà chùa mới có kinh phí để lo cho các bé ăn học và xây thêm nơi ở.

Với số lượng các bé mỗi ngày một đông, những người phụ nữ nương nhờ nơi đây lại trở thành tình nguyện viên thay nhau chăm sóc trẻ. Ở đây thầy trò bảo nhau, mỗi người một chân một tay. Sáng chăm sáng, đêm chăm đêm, gần như không lúc nào ngơi nghỉ.

Tấm lòng từ bi, bác ái

Bà Bùi Thị Đức, phật tử tại xã Dương Xá cho biết chùa Thiên Hương trước kia là chùa bé, từ ngày Thầy Bình về đây, Thầy kiến thiết hết tất cả mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.

Là phật tử tại địa phương, ít nhiều ngày nào bà Đức cũng ra để giúp Thầy. Có hôm thì cả ngày, có hôm chỉ được một lúc, cứ rỗi lúc nào là ra. Không ra là bà lại cảm thấy khó chịu cứ như việc của nhà mình.

Bà bảo Thầy Bình ở đây quá vất vả, thậm chí là khổ. Có cháu mới được 2-3 ngày đã bỏ ở chùa, cháu thì vẫn còn cả rốn. Xong đến khi lớn thì được Thầy lo cho đi vá. Nhiều cháu thậm chí còn không biết gì, không tự sinh hoạt được....

Ngày nào bà Đức cũng đến chùa giúp Thầy chăm sóc các bé

Ngày nào bà Đức cũng đến chùa giúp Thầy chăm sóc các bé

"Thầy là người vị tha, dù đã là người tu hành nhưng vẫn phải 'lo việc thánh, gánh việc trần'. Vậy nên mới 40 tuổi mà đầu đã bạc trắng hết cả rồi, gian truân, vất vả lắm!" – bà Đức nói.

Ngay như bà Đức ở đây trông mấy chục cháu chỉ một ngày mà đã nói khản cả cổ, nhưng vì thương Thầy, thương các cháu, bà vẫn đến.

"Con cháu mình ở nhà có 2 đứa quý như vàng, các cháu ở đây một lúc xúm xít mấy chục cháu, bố mẹ không có, tình cảm không có, bây giờ lại khổ như thế, rất là thương các cháu. Thấy nó bé, nó khóc chúng tôi thương lắm!" – bà Đức kể.

Bà Đào Thị Thêm vốn là người vô gia cư, từ ngày về đây, bà như có một gia đình mới. Bà cho biết được về chùa, nương nhờ của Phật, trông các bé ở đây với bà là hạnh phúc, mãn nguyện lắm rồi, không còn gì sung sướng hơn.

Bà Thêm vốn là người vô gia cư được nương nhờ cửa Phật, bà như có một gia đình mới.

Bà Thêm vốn là người vô gia cư được nương nhờ cửa Phật, bà như có một gia đình mới.

Mỗi ngày, Đại đức Thích Nguyên Bình nhận được nhiều cuộc gọi xin nương nhờ cửa Phật, thế nhưng nếu không có sự chung tay của cộng đồng, thật khó để nhà chùa có thể cưu mang được hết các số phận khó khăn..

Thầy chia sẻ: "Thầy rất tiếc vì không thể giúp đỡ được hết cho các bé vì một mình Thầy cũng không thể nào giúp cho tất cả mọi người hết khổ được. Cũng mong rằng có nhiều người chung vai sát cánh và giúp cho các bé. Thầy cũng mong sau này sẽ không có bé nào bị bỏ rơi như thế nữa".

Ở đây cơ sở vật chất chỉ là một ngôi chùa chứ không phải cơ sở của nhà nước hay cơ sở nuôi dạy trẻ nên thành thử việc chăm sóc các bé còn chưa được như ở các trung tâm. Vậy nên Thầy mong cơ quan ban ngành các cấp tạo điều kiện cho nhà chùa để các bé có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thầy cũng mong các bé đã nương tựa vào cửa Phật và được các mạnh thường quân ủng hộ, các con sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, chăm ngoan học giỏi và trưởng thành là những người có ích cho xã hội, cho đời và cho đạo.

Các bé ở đây đều coi Thầy như người cha, người mẹ.

Các bé ở đây đều coi Thầy như người cha, người mẹ.

Cảm động trước tấm lòng của Thầy Thích Nguyên Bình, các Phật tử còn làm thơ về câu chuyện Thầy:

"Ơn trời, ơn Phật, ơn Thầy

Con xin ghi nhớ tháng ngày không quên

Thầy như người mẹ thảo hiền

Thầy đi tạo phúc khắp miền gần xa

Sơ sinh cho đến tuổi già

Không nơi nương tựa về chùa Thầy nuôi

… Chúng con ghi nhớ công ơn

Người Thầy đức độ con luôn ghi vào

Công Thầy như núi non cao

Nghĩa Thầy như nước con nào dám quên

Chúng con quỳ trước cửa thiền

Người Thầy đức độ lưu truyền về sau!"

Đức Duy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chua-thien-huong-mai-am-cua-nhung-manh-doi-bat-hanh-169230924222844148.htm