Chưa thực hiện cảnh báo sớm cho vùng hạ du

Sau khi chính quyền huyện Quỳ Châu kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An về việc xem xét đánh giá quy trình xả lũ của các thủy điện trong đợt mưa lũ cuối tháng 9 vừa qua, Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã có báo cáo về việc vận hành xả lũ của thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc.

Trận mưa lũ lịch sử kèm theo thủy điện vận hành xả lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Quỳ Châu.

Trận mưa lũ lịch sử kèm theo thủy điện vận hành xả lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Quỳ Châu.

Dự báo chưa chính xác

Sau thời gian kiểm tra, cuối tháng 10/2023, Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã có Báo cáo số 2484 gửi UBND tỉnh liên quan đến việc thông báo xả lũ, vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc trong đợt mưa lũ từ ngày 26 đến 27/9/2023.

Cụ thể, đối với hồ thủy điện Nhạn Hạc có dung tích hữu ích nhỏ (4,82 triệu m3), hồ vận hành điều tiết ngày đêm, không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ. Vì vậy, căn cứ mực nước của hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo quy trình được phê duyệt. Trong quá trình xả lũ, việc vận hành xả lũ của công trình không làm tăng lũ cho hạ du.

Tuy nhiên, đoàn liên ngành chỉ ra những nội dung thực hiện chưa tốt. Đó là, công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du. Công tác phối hợp trong phòng, chống thiên tai của Nhà máy và UBND huyện Quỳ Châu thực hiện chưa tốt. Việc phát hành thông báo chưa có kết nối chặt chẽ.

Còn đối với hồ thủy điện Châu Thắng được xây dựng trên sông Quang, thuộc địa phận xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu và xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, có dung tích hữu ích nhỏ (4,217 triệu m3), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ. Căn cứ mực nước của các hồ trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo đúng quy trình được phê duyệt. Tổng lưu lượng xả qua nhà máy không lớn hơn lưu lượng về hồ nên không làm gia tăng lũ cho vùng hạ du.

Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra của Sở Công thương cũng chỉ rõ những nội dung thực hiện chưa tốt của thủy điện Châu Thắng là công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du.

Thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ cho công tác vận hành dẫn đến xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị quan trắc, giám sát tự động. Tồn tại chung của 2 nhà máy thủy điện Nhạn Hạc và Châu Thắng được đoàn kiểm tra chỉ ra là: "Công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện cảnh báo sớm cho vùng hạ du".

Liệu đã tuân thủ quy định?

Ngày 13/11/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1605 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Lam. Theo đó, về nguyên tắc các hồ giảm lũ cho hạ du, tại Khoản 2, Điều 5 (Chương II. Vận hành các hồ chứa trong mùa lũ) của Quyết định 1605 nêu rõ: “Việc vận hành giảm lũ cho hạ du bảo đảm không được gây đột biến dòng chảy, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Về trách nhiệm của các chủ hồ, tại Khoản 2, 3, 5, Điều 32, Quyết định 1605 nêu rõ: Chủ hồ phải theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Quy trình này” (khoản 2); “Lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ chứa” (khoản 3) và “Thực hiện việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ qua tràn, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du” (khoản 5).

Trong khi đó, tại các Điều 36, Điều 37 thì quy định khi dự báo có mưa, lũ hoặc xuất hiện lũ, chủ hồ phải tổ chức quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy ít nhất 15 phút 1 lần; Thực hiện bản tin dự báo lũ đến hồ định kỳ 3 giờ 1 lần. Nội dung bản tin dự báo gồm mực nước hồ, lưu lượng đến hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới, trong đó phải dự báo thời gian xuất hiện đỉnh lũ đến hồ; dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới. Đồng thời, phải cung cấp ngay bản tin dự báo cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh…

Nói về vấn đề này, một lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho rằng: Về quy trình của 2 thủy điện nói trên, phải nhìn khách quan vào thời điểm đó lượng mưa đổ xuống quá lớn, khiến mực nước sông dâng cao. Trong khi đó, 2 thủy điện Nhạn Hạc và Châu Thắng không có chức năng cắt lũ. Còn việc tuân thủ theo Quyết định 1605 nói trên thì cũng nên nhìn nhận khách quan, bởi cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ chưa thể đáp ứng. Do đó, việc cảnh báo sớm còn khó khăn.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chua-thuc-hien-canh-bao-som-cho-vung-ha-du-5743513.html