Chùa Vân Mộng - Di tích bảo lưu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo

Chùa Vân Mộng - di tích tiêu biểu nhưng nằm ở vị trí xa nhất trong hệ thống chùa, đền thuộc khu di tích Bát Cảnh Sơn (thôn Quang Thừa, Tượng Lĩnh, Kim Bảng). Từ km 13 quốc lộ 22 men theo chân dãy núi Tượng Lĩnh, vượt qua các sườn núi cao và thung nhỏ hẹp, bằng phẳng khoảng hơn 3km là đến Thung Vân. Từ đây, đi theo những bậc đá xếp khoảng 100m lên lưng chừng sườn của ngọn núi có đỉnh cao nhất khu vực danh thắng Bát Cảnh Sơn là chùa Vân Mộng với cảnh sắc u tịch, huyền ảo, kỳ thú.

Chùa Vân Mộng - di tích tiêu biểu nhưng nằm ở vị trí xa nhất trong hệ thống chùa, đền thuộc khu di tích Bát Cảnh Sơn (thôn Quang Thừa, Tượng Lĩnh, Kim Bảng). Từ km 13 quốc lộ 22 men theo chân dãy núi Tượng Lĩnh, vượt qua các sườn núi cao và thung nhỏ hẹp, bằng phẳng khoảng hơn 3km là đến Thung Vân. Từ đây, đi theo những bậc đá xếp khoảng 100m lên lưng chừng sườn của ngọn núi có đỉnh cao nhất khu vực danh thắng Bát Cảnh Sơn là chùa Vân Mộng với cảnh sắc u tịch, huyền ảo, kỳ thú.

Để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo danh thắng Bát Cảnh Sơn, năm 2021 Bảo tàng tỉnh Hà Nam chủ trì phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện điều tra, khảo sát các di tích trên địa bàn xã Tượng Lĩnh. Qua khảo sát hiện trạng, chùa Vân Mộng không còn tồn tại, song căn cứ dấu tích, di vật trên bề mặt, có thể khẳng định, toàn bộ lịch sử của ngôi cổ tự này đang nằm sâu dưới lớp đất đá bị vùi lấp. Bên cạnh đó, chùa Vân Mộng nằm trên sườn núi cao, sâu trong dải núi, đường đi lại khó khăn, do vậy ít chịu tác động của con người. Tiến hành khai quật khảo cổ học, có thể nhận diện được toàn bộ quy mô, cấu trúc của di tích như đã từng tồn tại trong lịch sử. Từ nhận định trên, tháng 6/2022, Bảo tàng tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Khảo cổ tiến hành khai quật di tích chùa Vân Mộng trên diện tích 400m2.

Quang cảnh khai quật nền móng kiến trúc chùa Vân Mộng.

Quang cảnh khai quật nền móng kiến trúc chùa Vân Mộng.

Địa hình hiện trạng chùa Vân Mộng trước khi khai quật được chia thành 2 cấp nền. Theo thứ tự từ phía mái đá ra bên ngoài: Cấp nền 1 nằm sát cửa mái đá, có cùng cao độ với nền của mái đá; cấp nền 2 nằm phía ngoài cùng, sát bờ kè, thấp hơn cấp nền 1 khoảng 1m. Kết quả khai quật làm xuất lộ nền móng của 2 di tích kiến trúc và phần mái đá. Tuy nhiên, bên trong mái đá là nền gia cố, không phát hiện được dấu tích nền móng kiến trúc, nhưng có lẽ trong tổng thể chùa Vân Mộng, mái đá có vị trí, vai trò rất quan trọng, có thể là hạt nhân của di tích.

Mái đá, không gian mái đá không có hình dạng nhất định, toàn bộ lòng được định hình theo hình dạng tự nhiên. Theo đó, diện tích mái đá khoảng 30m2, trần bằng phẳng, cao 3,2m. Trong không gian mái đá, ngay trung tâm của nền, phát hiện 1 vò sành chôn theo tư thế thẳng đứng, ngay ngắn, miệng vò sành được đậy bằng một chiếc bát có niên đại khoảng thế kỷ XVII. Theo đoán định, khả năng đây là hiện vật liên quan đến nghi thức tâm linh (trấn yểm hoặc đựng di cốt của vị thiền sư đã có nhiều công lao đối với chùa Vân Mộng). Vách mái đá, thẳng theo hướng nhìn từ cửa vào có 2 tấm bia được đục, chạm trực tiếp vào đá núi (dạng bia ma nhai).

Bia thứ nhất cao 96cm, rộng 62cm. Xung quanh diềm trang trí hoa văn hoa lá, trán bia chạm khắc lưỡng long chầu mặt nguyệt theo nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng. Tiêu đề bia ghi: Càn Tượng Thiền Lâm Bi, niên hiệu Thịnh Đức Bính Thân (năm 1656). Bia thứ 2: chạm khắc 1 mặt, cao 98,5cm, rộng 65cm. Xung quanh diềm bia trang trí hoa văn hoa lá, trán bia cao 20cm, chạm khắc hình mặt nhật ở chính giữa, 2 bên là đôi rồng chầu, mỹ thuật điêu khắc của thời Lê Trung Hưng. Tiêu đề bia ghi: Vân Mộng Nguyên Khánh bi, niên hiệu Vĩnh Thọ Nhâm Dần (năm 1662).

Di tích cấp nền 1, hiện trạng xuất lộ chỉ còn được nhận diện qua các lỗ chân cột, chân tảng đá kê cột. Theo đó, dấu tích kiến trúc gồm 8 hố cột đều được đục trực tiếp trên nền đá gốc tạo thành mặt bằng công trình (4 vị trí hố chân cột hình tròn, 4 vị trí hố chân cột hình tứ giác). Kỹ thuật xây dựng rất công phu, đó là việc đục tạo thành lối dẫn vào mái đá từ nền đá gốc của núi mà dấu vết để lại là những vết đục (dân địa phương gọi là chét) ở hai bên vách và nền mái đá. Niên đại di tích được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Chùa Vân Mộng.

Chùa Vân Mộng.

Di tích cấp nền 2, trên hiện trường, nền móng kiến trúc được nhận diện đầy đủ mặt bằng qua các thành phần: tường bao, hố móng cột, chân tảng đá kê cột, móng nền. Nền kiến trúc đắp bằng đất sét trộn với mảnh ngói, đá dăm… tạo mặt bằng để lát nền bên trên. Bố cục mặt bằng gồm 16 hố chân cột, trong đó một số còn chân tảng đá kê cột. Đây là loại chân tảng được xác định của công trình kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Về niên đại: từ việc nhận thức các lớp kiến trúc trên hiện trường cùng với hệ thống di vật đi kèm có thể khẳng định di tích kiến trúc 02 được khởi dựng ở thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), đến thời Nguyễn thì được cải tạo sửa chữa 2 lần: lần thứ nhất khoảng thế kỷ XIX, lần thứ 2 khoảng những năm 1920 đến 1940.

Cấp nền 3, từ di tích kiến trúc 02, qua 3 bậc dẫn xuống là di tích kiến trúc 03. Theo phân bố cấp nền, di tích kiến trúc 03 nằm ở cấp nền 2, cấp nền bên ngoài cùng và thấp nhất trên tổng thể di tích chùa Vân Mộng. Dựa vào dấu tích bó nền thì kiến trúc 03 được xây dựng thời Lê Trung Hưng, được cải tạo, sửa chữa ở thế kỷ XIX, sang đến thế kỷ XX, kiến trúc 03 không còn tồn tại.

Về hiện vật, trên diện tích khai quật, số lượng hiện vật thu được khá lớn và phong phú về loại hình, gồm: 148 tảng kê chân cột, xà, dầm đá; 33 viên gạch; 151 viên ngói; 95 bát, đĩa…

Bia ký, ngoài 2 tấm bia ma nhai tạc khắc trong mái đá (đề cập ở phần trên), bên ngoài, phía đông còn 2 tấm bia ma nhai khắc trực tiếp trên vách núi, trong đó 1 tấm đã tạo hình xong nhưng chưa khắc chữ; 1 tấm có tiêu đề “Tạo Vân Mộng bi ký”, toàn bộ chữ, niên đại đã mờ, tuy nhiên căn cứ hoa văn chạm khắc trên trán bia, đoán định bia có niên đại thời Lê Trung Hưng, cùng thời kỳ với các bia bên trong mái đá.

Qua sưu tập hiện vật cho thấy chùa Vân Mộng trước đây có quy mô kiến trúc lớn. Từ kết quả khai quật, nghiên cứu, nhận thức về di tích, di vật hiện trường, bước đầu đánh giá sơ bộ giá trị lịch sử văn hóa chùa Vân Mộng như sau:

Về lịch sử, kiến trúc, Vân Mộng là ngôi chùa lớn, lịch sử tồn tại lâu dài, dấu tích vật chất qua khai quật xác định sự tồn tại của chùa Vân Mộng ở thời Trần (thế kỷ XIV), trải qua các triều đại kế tiếp được trùng tu, tôn tạo, mở rộng không gian mà kiến trúc trở thành trung tâm đào tạo tăng đồ và truyền thụ giáo lý Phật giáo. Qua nghiên cứu, lần trùng tu, mở rộng lớn nhất được tiến hành thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với sự hưng công của các tín chủ là những người có địa vị trong triều đình. Dấu tích vật chất ở đây chứng minh cho nhận định trên, đó là các đồ dùng sinh hoạt có niên đại thế kỷ XIV và liên tục có mặt, kéo dài đến tận những năm đầu của thế kỷ XX. Mặc dù dấu tích vật chất mới xác định được sự có mặt của di tích từ thế kỷ XIV, nhưng theo truyền thuyết của vùng Bát Cảnh Sơn, chùa Vân Mộng và hệ thống di tích ở đây còn liên quan đến Thiền sư Minh Không (thời Lý). Tuy nhiên, ở giai đoạn thế kỷ XI-XIV, nếu có tồn tại một ngôi chùa Vân Mộng thì quy mô không rộng lớn, mà phải đến thế kỷ XVII chùa mới được mở mang.

Nhân vật thờ, chùa Vân Mộng nói riêng, danh thắng Bát Cảnh Sơn nói chung gắn liền với những nhân vật lớn của thời đại: Thiền sư Minh Không (thời Lý), Đức Thánh Tiên Ông (thời Trần) và ở giai đoạn phát triển, mở mang về sau trở thành trung tâm tôn giáo tín ngưỡng, đào tạo tăng đồ, truyền thụ giáo lý với sự trụ trì của các tăng sư danh tiếng, gắn với Tổ Viên Quang Chân Nhân. (Tổ Viên Quang là dòng dõi công khanh, họ Phạm, húy Vỹ, quê Chương Đức, An Thái, xuất gia đi tu từ năm chín tuổi. Tổ tinh thông kinh luật, giỏi thiên văn, am tường địa lý, từng vân du nhiều nơi thánh địa, được triều đình nhà Lê Trung Hưng phong Thượng Lâm Viện - Tăng Lục Ty Hòa Thượng, Viên Giác Tôn Giả). Bia “Vân Mộng Nguyên Khánh bi/雲夢元慶, niên đại Vĩnh Thọ Nhâm Dần (1662) có đoạn ghi: “Viên Quang Chân Nhân, rộng mở thật nhiều, thấm khắp nền phúc, dụ bảo Thiền lâm, chăm lo công đức. Chan chứa thay, đời đời cùng chứng Bồ Đề, kiếp kiếp viên thành chính giác. Các lệ, phủ, huyện, tổng cùng nhau sắm lễ, giãi bày hoa nọ,...”. Dưới sự trụ trì của ngài, chùa Vân Mộng nổi tiếng khắp vùng, được nhiều tín đồ phật tử gần xa biết tiếng. Theo tư liệu khắc trên bia đá, ngoài những người ở bản huyện, còn có nhiều thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm cúng tiến, đặc biệt còn có sự hưng công của các nhân vật đầu triều như: Thiếu Bảo Đào Quang Nhiêu (danh tướng 3 đời chúa Trịnh, thời Lê Trung Hưng); vợ chồng Phái Quận Công (ở phủ Thiệu Thiên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa ngày nay). Không chỉ có công hoằng dương phật pháp, biến Vân Mộng thành “Sơn danh” tiếng tăm, Tổ Viên Quang còn có công khai sáng quần thể Hương Sơn, Mỹ Đức ngày nay.

Hy vọng kết quả khai quật bước đầu trên đây là cơ sở giúp chính quyền địa phương có phương án phục hồi để di tích xứng tầm với vị trí, vai trò đã từng tồn tại trong lịch sử.

Đỗ Văn Hiến

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/chua-van-mong-di-tich-bao-luu-nhieu-gia-tri-lich-su-van-hoa-doc-dao-94752.html