Chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được chính thức triển khai từ năm học 2020 - 2021, đầu tiên là đối với lớp 1; tiếp đó năm học 2020 - 2021 là lớp 2, lớp 6; năm học 2021 - 2022 là lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2022 - 2023 là lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm học 2024 - 2025 là lớp 5, lớp 9, lớp 12. Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa sẽ chính thức triển khai chương trình giáo dục mới. Đây là một nhiệm vụ lớn của ngành GD&ĐT, được kỳ vọng là sẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới và hội nhập quốc tế. Do đó, ngay từ bây giờ, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới đã được tỉnh ta khởi động.
Trao đổi về yêu cầu của chương trình GDPT mới, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cần huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, chương trình, tài liệu giáo dục địa phương… để triển khai chương trình. Việc thực hiện phải đảm bảo đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn nội dung tự chọn và xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu của học sinh theo cấp học và điều kiện của nhà trường, địa phương. Đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục. Tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp sư phạm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới phải gắn với phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa đảm bảo công bằng xã hội, tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Để thực hiện được những yêu cầu đó, vấn đề đầu tiên mà ngành GD&ĐT quan tâm triển khai đó là căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục mỗi cấp học theo Chương trình GDPT mới để tổ chức tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, lớp học, môn học theo lộ trình, thời gian thực hiện; ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới. Đồng thời, lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt trong bồi dưỡng giáo viên và triển khai Chương trình GDPT mới. Kế hoạch đề ra là phải tập huấn, bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên về Chương trình GDPT mới trước thời điểm triển khai áp dụng ở từng lớp theo lộ trình.
Cùng với nhân sự thì vấn đề cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Ngành đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT - XH và quy mô phát triển của GD địa phương. Tiến hành rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bố trí đủ phòng học đảm bảo tỷ lệ 1 phòng/lớp, phòng tin học, ngoại ngữ đối với cấp tiểu học, phòng học bộ môn đối với cấp THCS và THPT, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học xuống cấp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học. Mục tiêu đặt ra là trước khi năm học bắt đầu phải chuẩn bị xong số phòng học và thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định cho từng lớp học.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Một trong những điểm nổi bật của chương trình GDPT mới đó là việc xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Nội dung sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần thiết, thời sự, gần gũi về văn hóa, lịch sử, địa lý, KT - XH, môi trường, hướng nghiệp… của tỉnh Hòa Bình. Bộ tài liệu giáo dục địa phương sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt sẽ được phát hành để thống nhất sử dụng trong các trường phổ thông trên toàn tỉnh. Đội ngũ giáo viên cũng sẽ được tập huấn dạy học nội dung giáo dục địa phương. Đây sẽ là những nội dung hết sức gần gũi, thiết thực, bổ ích đối với giáo viên, học sinh.