Chuẩn bị con người từ sớm, từ xa cho công cuộc giữ nước

Tăng cường phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị con người 'từ sớm, từ xa' cho công cuộc giữ nước.

Đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc tại Bộ GD&ĐT.

Đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc tại Bộ GD&ĐT.

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp Bộ GD&ĐT đưa ra để tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết này chiều 10/3.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 8 khóa XI của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong 10 năm qua, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Trung ương 8 khóa Xi đề ra.

Tiêu biểu là không ngừng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hàng lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính. Chất lượng giáo dục phổ thông được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn nhân lực cao trong và ngoài nước, chất lượng giáo dục đại học được nâng lên. Các công trình nghiên cứu gia tăng nhanh chóng về công bố quốc tế.

Công tác quốc phòng, quân sự, giáo dục quốc phòng an ninh của Bộ GD&ĐT được thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự các cấp, lực lượng tự vệ ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường được tập trung xây dựng vững mạnh. Năng lực công tác, chất lượng giảng dạy của giáo viên, giảng viên Giáo dục Quốc phòng - An ninh luôn được nâng lên, thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Các năm tiếp theo, tình hình thế giới và trong nước đặt ngành Giáo dục phải chủ động nắm bắt thời cơ, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới sáng tạo, củng cố nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Về phương hướng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc những năm tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu chung là nâng cao năng lực, sức chiến đấu của toàn bộ Đảng bộ trong lãnh đạo, tổ chức, triển khai, thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT, quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên với Đảng, Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng khối đại đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp của ngành Giáo dục, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao

Mục tiêu cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ Bộ GD&ĐT trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa tác động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, có biện pháp phù hợp giữ vững tình hình an ninh chính trị; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT.

Bồi dưỡng, giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện “vừa hồng, vừa chuyên”, các thầy cô “mẫu mực, sáng tạo” thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong GD-ĐT theo tinh thần đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, có trọng tâm, trọng điểm gắn với độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Bộ GD&ĐT xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất: Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Bộ vững mạnh, quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai: Phát huy sức mạnh đoàn kết, dân chủ xã hội chủ nghĩa trong toàn ngành, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, kỷ cương.

Thứ ba: Khơi dậy tinh thần và ý chí vươn lên cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư: Tăng cường phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị con người “từ sớm, từ xa” cho công cuộc giữ nước.

Thứ năm: Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục.

Thứ sáu: Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến; tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu, tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định mới thay thế Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013, Nghị định số 13/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013. Lý do, Luật, Nghị định ban hành, thực hiện gần 10 năm, một số nội dung không còn phù hợp với Luật Giáo dục đại học và sự phát triển của thực tiễn.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Thế Đại

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-con-nguoi-tu-som-tu-xa-cho-cong-cuoc-giu-nuoc-post629470.html