Chuẩn bị khai mạc tuần lễ Cúc Phương đại ngàn
Sau một thời gian tạm dừng do COVID-19, Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được tổ chức cùng với Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn sẽ khai mạc vào 29/4.
Ban tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan (Ninh Bình) vừa thông tin tới báo chí về việc tổ chức ngày hội này cùng với tuần lễ Cúc Phương đại ngàn - sẽ khai mạc ngày 29/4 tại khu Hồ Mạc, Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Trong thời gian này, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; hội trại gắn với trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Điểm nhấn cuốn hút là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn cồng chiêng, múa sạp; giao lưu nghệ thuật quần chúng; đêm hội âm nhạc. Hoạt động thể thao có bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, kéo co. Các trò chơi dân gian truyền thống trong ngày hội có bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, đánh mảng, đánh đu, ném còn...
Theo ông Hoàng Khắc Tiệp - Chủ tịch UBND huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) cho biết, sức sống của văn hóa bản địa cũng là nét đặc biệt của Nho Quan. Trên địa bàn huyện này có khoảng 29.000 người là dân tộc Mường sinh sống (chiếm 15% dân số của huyện). Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Thông qua các Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…, đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa.
"Ở Nho Quan, sản phẩm văn hóa của bản Mường hết sức phong phú. Có nhiều bản còn nguyên vẹn các phong tục xưa. Điều đó chúng tôi đánh giá rất cao. Đấy cũng là nét văn hóa cần bảo tồn. Trong tương lai sẽ hiện hữu một nhà Bảo tàng văn hóa Mường với quy mô 1.000m2 tại Vedana hiện thực hóa kỳ vọng mỗi công trình được xây dựng sẽ là một sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa bản địa.
Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày mà còn lưu giữ, là nơi bà con có thể gửi gắm những kỷ vật, vật dụng gắn bó với sinh hoạt, lao động sản xuất nhiều đời nay. Để nhanh chóng "cứu" các vật dụng xưa cũ của bà con không bị bán đồng nát hay nung chảy để đúc mới, công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật đang được tiến hành tích cực", ông Lê Quốc Thịnh, đại diện Dịch vụ Du lịch Cúc Phương khẳng định.
Ông Lê Quốc Thịnh chia sẻ, bên cạnh việc sẽ có bảo tàng Mường điểm nhấn thì điểm nhấn riêng có ở đây còn là khu nhà tre có tổng chiều cao lên đến hơn 15m, tương đương một ngôi nhà cao 5 tầng. Các công trình bằng tre lớn này do KTS nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa, người đã mang công trình tre đi khắp thế giới, thiết kế và thực hiện. Các đồ dùng của người Mường cũng được trưng bày trong các công trình này.