Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực xây dựng ngân hàng đề chuẩn hóa

Xây dựng đề kiểm tra bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT không chỉ là giải pháp cải thiện kết quả kỳ thi, mà còn góp phần nâng trình độ đội ngũ.

Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Đây cũng là công việc các sở GD&ĐT, nhà trường quan tâm triển khai thời gian qua và thu được kết quả khích lệ.

Nguồn tài liệu quan trọng

Ông Nguyễn Phú Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Để đảm bảo chất lượng đầu ra, duy trì thành tích tốp đầu về trung bình điểm thi tốt nghiệp trong nhiều năm liên tục, Vĩnh Phúc đã xây dựng Kế hoạch đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng thi tốt nghiệp THPT từ năm học 2024 - 2025; phương châm tạo môi trường sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở GD&ĐT yêu cầu 100% giáo viên các bộ môn thi tốt nghiệp THPT từ năm học 2024 - 2025 ở các đơn vị phải tham gia xây dựng đề kiểm tra, đánh giá và đáp án chi tiết theo ma trận được tổ/nhóm chuyên môn thống nhất. Đây là cách thức thầy cô tự học, nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Sau đó, tổ/nhóm chuyên môn sẽ phân công phản biện chéo, đáp án của các giáo viên trong nhóm và chỉnh sửa đề, đáp án cá nhân sau khi phản biện

Từ các sản phẩm cá nhân, tổ chức thảo luận thống nhất và tổng hợp thành 1 đề, đáp án chung của bộ môn. Mỗi trường sẽ gửi 1 đề/môn thi tốt nghiệp THPT về sở để phân công các trường thẩm định và phản biện chéo. Các trường chỉnh sửa, hoàn thiện đề sau phản biện và gửi về sở.

“Đã có 40/40 đơn vị và 1.839 giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh tham gia; 2.251 đề được biên soạn mới, trong đó có 360 đề Toán, 237 đề Vật lý, 203 đề Hóa học, 180 đề Sinh học, 91 đề Tin học, 251 đề Tiếng Anh và Tiếng Pháp, 356 đề Ngữ văn, 174 đề Lịch sử, 161 đề Địa lý, 126 đề Công nghệ, 112 đề Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Sở GD&ĐT đã thành lập tổ rà soát, thẩm định lần cuối và chỉ đạo các đơn vị triển khai tới tổ/nhóm chuyên môn và toàn bộ giáo viên tham khảo, lựa chọn, sử dụng bộ đề trong quá trình giảng dạy, bảo đảm phù hợp với học sinh”, ông Nguyễn Phú Sơn cho hay.

Chia sẻ của ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, ngay từ khi Bộ GD&ĐT ban hành cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã quán triệt để các đơn vị tổ chức ra đề và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận cấu trúc, định dạng đề thi này; đồng thời tổ chức cho hội đồng bộ môn từng môn học xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT.

Quá trình xây dựng được tổ chức khoa học, từ khâu họp toàn thể giáo viên các môn học để triển khai kế hoạch, đến tổ chức tập huấn nghiệp vụ soạn thảo câu hỏi, phân công thực hiện, tổ chức phản biện, cho giáo viên cốt cán từng bộ môn thẩm định và hoàn thiện ngân hàng câu hỏi. Đến thời điểm này, từng môn học cơ bản đã có ngân hàng câu hỏi để phục vụ ôn tập tại nhà trường. Các trường khai thác, sử dụng ngân hàng câu hỏi trên khoa học, hợp lý theo đặc thù từng đơn vị.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Nâng cao kỹ năng ra đề

Tại Trường THPT Phú Bài (TP Huế), theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh, giáo viên bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy còn tích cực nghiên cứu nhiều tài liệu, bộ đề thi các năm, dạng thức câu hỏi mới để xây dựng bộ đề hoàn chỉnh đáp ứng đầy đủ nội dung yêu cầu theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, tài liệu tham khảo về xây dựng đề kiểm tra còn hạn chế; Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 lần đầu tiên được tổ chức nên thầy cô chưa có nhiều kinh nghiệm; mức độ chênh lệch độ khó kiến thức giữa câu hỏi kiểm tra định kỳ và đề thi tốt nghiệp THPT còn lớn.

Chia sẻ giải pháp khắc phục, thầy Hoàng Minh cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn cho giáo viên để nâng cao kỹ năng xây dựng câu hỏi, giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng đề kiểm tra; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu tham khảo đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của giáo viên, học sinh trong dạy và học.

Hiện, các nhóm chuyên môn Trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) xây dựng được lượng khá lớn câu hỏi theo yêu cầu mới. Công việc tiếp theo là cùng ngồi lại, kiểm duyệt từng câu hỏi, sau đó bổ sung vào ngân hàng câu hỏi của trường; theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước 20/2. Nhóm trưởng chuyên môn là người chịu trách nhiệm về tính chính xác của các câu hỏi này.

Thực tiễn triển khai, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ đây là công việc không dễ; tuy nhiên, nếu vượt qua được khó khăn này, thầy cô sẽ nâng cao đáng kể trình độ chuyên môn.

Về giải pháp của Trường THPT Lam Kinh, thầy Nguyễn Minh Đạo cho hay, nhà trường đã tập huấn giúp giáo viên nắm bắt kịp thời các thay đổi mới nhất về cấu trúc đề thi từ Bộ GD&ĐT; đồng thời trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc thiết kế đề thi

Giáo viên giảng dạy lớp 12 được tập huấn, bồi dưỡng riêng về xây dựng kế hoạch dạy học, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương pháp xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá, xây dựng đề thi để ôn luyện cho học sinh. Các buổi sinh hoạt chuyên môn chuyên sâu về cách xây dựng, sử dụng đề kiểm tra theo định dạng mới, bảo đảm giáo viên nắm rõ yêu cầu và tiêu chí của đề kiểm tra cũng được nhà trường tổ chức.

Trường tổ chức các kỳ thi thử nhằm đánh giá mức độ phù hợp của đề thi; dựa trên kết quả thi thử để điều chỉnh đề cho sát yêu cầu, năng lực thực tế của học sinh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ vào thiết kế, lưu trữ và quản lý ngân hàng đề thi, giúp tối ưu hóa thời gian, công sức cho giáo viên; việc cập nhật các thay đổi về cấu trúc, định dạng đề thi trở nên dễ dàng hơn.

“Trường THPT Lam Kinh đã thành lập các tổ chuyên môn, mỗi tổ phụ trách một môn học cụ thể để xây dựng đề thi theo chuẩn. Điều này giúp phân bổ công việc hiệu quả và nâng cao chất lượng đề thi từng môn. Một giải pháp cũng được triển khai là phối hợp với các đơn vị bạn, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong xây dựng đề thi, giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, tăng tính đồng bộ giữa các nhà trường”, thầy Nguyễn Minh Đạo thông tin thêm.

Xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập giúp giáo viên nâng cao năng lực, tay nghề; có điều kiện giao lưu, kết nối. Với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, chúng tôi đã kết nối, phát huy sức mạnh của giáo viên trong tỉnh; đồng thời giao lưu, chia sẻ nguồn tài nguyên giảng dạy, ôn tập với một số tỉnh bạn.

Mong rằng, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập hợp được đội ngũ đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và có phẩm chất phù hợp để xây dựng ngân hàng câu hỏi dùng chung đủ lớn, đủ độ tin cậy phục vụ các kỳ thi cấp quốc gia. Tiến tới thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến với bộ đề tự sinh (tự động xuất từ phần mềm) khi điều kiện cho phép. - Ông Trịnh Văn Ngoãn

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-ky-thi-tot-nghiep-thpt-no-luc-xay-dung-ngan-hang-de-chuan-hoa-post716307.html