Chuẩn bị nguồn cung rau màu phục vụ thị trường Tết

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí sản xuất tại các vùng chuyên canh rau màu của tỉnh Thái Bình nhộn nhịp, sôi động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ thị trường. Thời tiết thuận lợi giúp cây màu sinh trưởng, phát triển tốt, thuận lợi trong thu hoạch, giá cả ổn định mang đến niềm vui cho nông dân địa phương.

Người dân xã Trung An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chăm sóc rau màu vụ Tết. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Người dân xã Trung An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chăm sóc rau màu vụ Tết. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Trên cánh đồng thôn An Lộc, xã Trung An, huyện Vũ Thư, những ngày này, thương lái nhiều nơi đổ về thu mua rau xà lách, rau diếp. Theo nông dân ở đây, sản xuất rau diễn ra quanh năm nhưng vào vụ Tết diện tích rau được mở rộng hơn, nhờ vậy thu nhập cũng cao hơn.

Chị Trần Thị Nhung, thương lái từ tỉnh Nam Định cho biết, xã Trung An là vùng chuyên canh xà lách lớn không chỉ của riêng tỉnh Thái Bình. Rau xà lách Trung An được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Đà Nẵng… Để chuẩn bị cho vụ Tết, từ đầu tháng 12 Âm lịch, chị chủ động mua tận ruộng của nông dân với giá từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào và thuê lao động địa phương thu hoạch với giá trung bình 150.000 - 200.000 đồng/ngày công. Do vậy, vào cao điểm dịp Tết, nông dân trong xã không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Cất ở thôn An Lộc, xã Trung An cho biết, gia đình ông canh tác 7 sào rau xà lách, rau diếp. Qau xà lách, rau diếp là loại cây ngắn ngày với thời gian chăm sóc chỉ khoảng hơn 1 tháng nên nhiều hộ dân ở địa phương lựa chọn cây trồng này là cây chủ lực cùng với các loại cây gia vị khác. Hiện gia đình ông đã thu hoạch xong 4 sào rau xà lách với giá ổn định 3 triệu đồng/sào. Thu hoạch đến đâu, gia đình ông lại làm đất, chuẩn bị giống gối vụ ngay đến đó, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết.

Ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xanh xã Trung An cho biết, với diện tích chuyên canh đạt 40ha, từ nhiều năm nay xã Trung An là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu của tỉnh Thái Bình. Vào vụ đông, diện tích này mở rộng khoảng 80ha. Người dân chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày như xà lách, cải chíp, cải thìa, các loại rau gia vị, quay vòng sản xuất 6 - 7 lứa/năm. Hiện mỗi ngày vùng sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 25-30 tấn rau màu xà lách, hành, mùi, thì là, rau cải các loại. Dự kiến trong dịp Tết năm nay, vùng sản xuất rau Trung An sẽ cung cấp khoảng 800 tấn đến 1.000 tấn rau phục vụ thị trường.

Cùng lúc, tại thủ phủ rau màu xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, nông dân đang tích cực thu hoạch nông sản, xuất bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh.

Người dân xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình thu hoạch rau màu. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Người dân xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình thu hoạch rau màu. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải cho biết, vụ Đông năm nay, xã Quỳnh Hải trồng trên 350ha diện tích; trong đó, có 160 ha vùng chuyên màu. Nhờ trình độ thâm canh cao cùng truyền thống và kinh nghiệm tích lũy từ việc sản xuất rau màu lâu đời, những năm qua nông dân xã Quỳnh Hải đã biến các cánh đồng thành “thủ phủ” sản xuất rau màu trọng điểm của tỉnh Thái Bình với đa dạng các loại rau màu như cần tây, tỏi tây, su hào, bắp cải, cải ngọt, bí, đỗ, hành lá, thì là…. mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tết Nguyên đán được xác định là thời điểm tiêu thụ chủ lực trong năm nên nông dân trong xã chú trọng trồng các cây phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường cao và có đầu ra ổn định. Năm nay, cây su hào chiếm tới hơn 70% diện tích sản xuất. Sau thu hoạch su hào, nông dân thu hoạch tiếp cây hành, tỏi và rau thơm các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, vụ Đông năm nay nông dân các địa phương đã trồng trên 37.000 ha diện tích, vượt 1,1% kế hoạch. Đến nay, địa phương đã thu hoạch trên 25.380 ha diện tích cây vụ Đông, trong đó thu hoạch trên 13.565 ha diện tích rau màu, chiếm gần 54%; trên 4.700 ha ngô; trên 4.100 dưa bí; tập trung ở các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương.

Thời điểm hiện tại, giá cả của nhiều mặt hàng rau màu cũng đang duy trì ở mức ổn định và dự báo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong những ngày cận Tết. Nhiều nông dân kỳ vọng vụ sản xuất năm nay sẽ đạt hiệu quả cao, mang lại niềm vui và sự sung túc trong dịp Tết cổ truyền cho mỗi gia đình.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, nông dân cũng đang nỗ lực chăm sóc rau màu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây là vụ mùa được người dân trông chờ nhất trong năm với kỳ vọng được mùa, được giá. Tuy nhiên, mưa lạnh kéo dài làm nhiều diện tích rau bị hư hỏng, khiến người dân lo lắng mất đi nguồn thu nhập.

Để chủ động cung ứng nguồn rau xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, nông dân xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi đã xuống giống nhiều loại rau màu như: Xà lách, cải, súp lơ, hành… Những loại rau này thường được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, kỳ vọng mang lại cho người dân nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, trong tháng 12/2024 và những ngày đầu tháng 1/2025, tại Quảng Ngãi liên tục mưa to kéo dài khiến nhiều diện tích rau hư hỏng.

Gia đình ông Nguyễn Quới ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà có 5 sào (500 m2/sào) đất chuyên trồng rau màu. Trung bình mỗi sào ông chi 2 triệu đồng để mua giống, phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật.

“Trồng rau mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi nhiều năm nay, đặc biệt là vụ rau phục vụ Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, mưa lạnh kéo dài khiến 2/3 diện tích rau vụ Tết của gia đình hư hỏng. Giờ tôi cố gắng chăm sóc số rau còn lại với mong muốn có thể thu hồi số vốn đã đầu tư”, ông Quới cho hay.

Tại xã Nghĩa Hà, nhiều nông dân lo lắng không có rau bán dịp Tết khi chứng kiến những vườn rau bị ngâp nước. Người dân thường xuyên ra ruộng để tháo nước, tìm cách “cứu” rau. Tuy nhiên, do địa hình thấp trũng, nước mưa không kịp thoát và trời vẫn còn mưa nên công tác chống ngập của người dân không mang lại nhiều hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Mận ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà cho hay: Các loại rau ngâm nước trong thời gian dài, đến lúc nắng lên sẽ bị thối rễ và chết. Lúc đó người dân phải trồng lại nhưng không còn kịp bán Tết.

Nông dân thành phố Quảng Ngãi đầu tư lưới che chắn, trồng các loại rau, cây màu “chịu” mưa bán chạy trong và sau Tết. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Nông dân thành phố Quảng Ngãi đầu tư lưới che chắn, trồng các loại rau, cây màu “chịu” mưa bán chạy trong và sau Tết. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng Nguyễn Hiệu cho hay, nhằm hạn chế tình trạng ngập, thiệt hại do mưa lớn, một số hộ dân tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi đã đầu tư lưới để che chắn, phủ trên bề mặt và bao xung quanh ruộng. Đồng thời, thay các loại rau dễ bị hư hỏng do mưa như xà lách, cải, tần ơ...bằng các loại rau, cây màu “chịu” mưa nhưng vẫn bán chạy trong và sau Tết như mã đề, diếp cá, đậu ve...

Tại xã Nghĩa Dũng có khoảng 90 ha chuyên canh rau các loại. Thời tiết mưa lạnh kéo dài làm cho nhiều diện tích bị ảnh hưởng, hư hỏng, sản lượng giảm sút. Do đó, địa phương đã khuyến cáo người dân chuyển đổi các loại rau phù hợp; nỗ lực chăm sóc những rau tại những chân ruộng cao ráo; theo dõi tình hình thời tiết để xuống giống vụ mới đạt hiệu quả.

Thu Hoài - Đinh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chuan-bi-nguon-cung-rau-mau-phuc-vu-thi-truong-tet-20250110073557470.htm