Chuẩn bị niêm yết trên HoSE, Cảng Quy Nhơn (QNP) đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng

Ngay trước thời điểm chào sàn HoSE, Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã cổ phiếu QNP) đã duyệt chi gần 200 tỷ đồng để đầu tư cần trục quay đa năng nhằm cải thiện hiệu quả khai thác.

Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã cổ phiếu QNP - sàn OTC) vừa duyệt chi hơn 194,8 tỷ đồng cho dự án đầu tư cần trục quay đa năng trên bến số 1 thuộc cảng Quy Nhơn, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết việc đầu tư cần trục quay đa năng sẽ giúp tăng năng lực bốc xếp và tốc độ giải phóng tàu, thuận tiện và an toàn trong khai thác, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác của cảng Quy Nhơn nói chung.

Dự kiến cần trục quay đa năng này sẽ được thiết kế, chế tạo trong năm 2024; vận chuyển, lắp đặt, đăng kiểm và nghiệm thu thiết bị trước khi đưa vào khai thác trong năm 2025. Về vốn đầu tư cho dự án, Cảng Quy Nhơn sẽ sử dụng 40% vốn tự có, 60% vốn còn lại đến từ nguồn nợ vay.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ.

Trước đó, vào tháng 8/2023, Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành việc nâng cấp bến số 1 với tổng mức đầu tư hơn 546 tỷ đồng, giúp nâng tổng chiều dài bến lên 480 m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 02 tàu container 30.000 DWT đầy tải.

Việc nâng cấp nhằm giúp nâng công suất xử lý hàng hóa của cảng Quy Nhơn lên mức 15 triệu tấn/năm vào năm 2025.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm.

Cảng Quy Nhơn hiện là cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Cảng đang có trên 10 tuyến hàng nối với các cảng quốc tế lớn, như: Manila (Philippines), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản)…

Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, cảng Quy Nhơn sẽ được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha, gấp 3 lần hiện nay, với các phân khu chức năng và công nghệ, thiết bị chuyên dùng để đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu 697 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lại tăng 19%, đạt 89,2 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tiết giảm các khoản chi phí.

Theo tìm hiểu, nguồn hàng chiếm tỷ trọng lớn của Cảng Quy Nhơn là hàng rời như dăm gỗ, viên gỗ nén… Tuy nhiên, hiện tồn kho các mặt hàng này tại các thị trưởng xuất khẩu đang cao nên sản lượng hàng xuất giảm mạnh so với năm trước, dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm.

So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Cảng Quy Nhơn đã thực hiện được 54% mục tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2023.

Trong một diễn biến có liên quan, cuối tháng 12/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh đã có quyết định chấp thuận niêm yết 40,4 triệu cổ phiếu QNP của Cảng Quy Nhơn.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/chuan-bi-niem-yet-tren-hose-cang-quy-nhon-qnp-day-manh-nang-cap-ha-tang-115806.htm