Xuất khẩu cà phê giảm 'sốc' 40%
Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất đi 85.000 tấn cà phê, bằng 60% lượng xuất khẩu cà phê cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, giá cà phê Arabica giảm 0,86% về mức 4.957,09 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Robusta kết phiên trái chiều tăng 1,4% lên 4.067 USD/tấn.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm, kết hợp cùng số liệu xuất khẩu ảm đạm tại Việt Nam là nguyên dân chính dẫn đến diễn biến giá hai mặt hàng trên.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tính đến hết ngày 28/6, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm thêm 790 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đã qua chứng nhận tại đây còn 807.394 bao. Trong khi đó, đồng Real của Brazil yếu đi, thúc đẩy tỷ giá USD/BRL tăng thêm 1,21%, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm. Chênh lệch tỷ giá lớn hơn tạo tâm lý nông dân Brazil sẽ tăng bán cà phê do thu về nhiều ngoại tệ hơn.
Lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng giảm do nguồn cung trong nước dần cạn kiệt.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (2/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng nhẹ, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 120.000 - 121.300 đồng/kg.
Hiện ở các vùng trồng cà phê lớn của nước ta, hạn hán và sâu bệnh ảnh hưởng nặng tới năng suất của loại cây trồng này. Sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, đặt áp lực lên nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê đang tăng tốt, đây là tín hiệu vui trước thềm vụ thu hoạch năm nay khiến bà con rất phấn khởi nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê lo lắng.
Cụ thể, hiện giá cà phê tăng cao nhưng người trồng vẫn có xu hướng chờ giá nên ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp. Giá cà phê ở mức hơn 120.000 đồng/kg, cao gấp ba lần trước đây, khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải huy động lượng vốn rất lớn. Doanh nghiệp vay vốn, chịu lãi suất để mua hàng nhưng vẫn không gom đủ hàng. Việc giá cà phê tăng cao gấp nhiều lần ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp
Theo dự báo, những biến đổi về khí hậu trong tương lai sẽ khiến nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt. Ngoài ra, cũng có lý do các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê tăng cao.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), nguồn cung cà phê trong nước gần như đã cạn, hàng tồn kho của doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Thế nên, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối tháng 9/2024 sẽ giảm dần mặc dù giá cà phê đang neo cao ở mức cao kỷ lục.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, với sản lượng cà phê của nước ta, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sẽ đạt con số trên 5 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-ca-phe-giam-soc-40-329479.html