Chuẩn bị tâm thế vào năm học mới sau kỳ nghỉ dài

Thời điểm này, HS cần bắt đầu sắp lịch sinh hoạt phù hợp; ôn tập, hệ thống lại kiến thức để sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới sau kỳ nghỉ dài.

Cô trò Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: ITN

Cô trò Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: ITN

Sẵn sàng thay đổi thói quen

Còn một tháng trước năm học mới, cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho rằng đây là lúc học sinh nên sắp xếp lại lịch sinh hoạt cho phù hợp hơn, như giờ giấc đi ngủ và thức dậy, công việc thực hiện trong ngày.

Cùng đó, các em rà lại kiến thức, nội dung nào chưa vững cần tự ôn lại bài tập; cũng có thể đọc và xem sách của năm học mới để đỡ bỡ ngỡ khi bắt đầu năm học; mua vở, bọc bìa, sắp xếp lại góc học tập và chuẩn bị đồ dùng học tập.

Cùng lưu ý với đối tượng là học sinh tiểu học, cô Lương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Eakar, Đắk Lắk) cho rằng, sau thời gian nghỉ hè, hầu như học sinh quen với nếp sinh hoạt thoải mái ở gia đình, như được ngủ dậy muộn, xem tivi, đọc truyện…

Lưu ý về việc tổ chức, xây dựng thời gian biểu hợp lý, cô Đào Thị Kính, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) khuyên học sinh sắp xếp lại thời gian biểu cá nhân sao cho cân đối giữa việc học ở trường, đi học thêm (nếu có) và các hoạt động sinh hoạt trong gia đình để không bị xáo trộn. Đồng thời chuẩn bị tâm lý thoải mái, vui vẻ, hào hứng, tinh thần lạc quan, mạnh khỏe để sẵn sàng cho năm học mới. Để có được tâm thế này, sự đồng hành của gia đình là rất quan trọng.

Nhiều em có tâm lý ngại đi học trở lại. Vì vậy, cha mẹ phải động viên, khuyến khích, cùng các em thiết lập lại thời gian biểu hợp lý để làm quen những thói quen sinh hoạt học tập, trước khi bước vào năm học khoảng 2 - 3 tuần. Mỗi ngày phụ huynh nên cho con ngủ sớm và thức dậy đúng giờ, làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng rồi học bài, ôn lại những kiến thức đã học của năm học trước.

Cần thiết lập lại đồng hồ sinh học cũng là lời khuyên dành cho học sinh của thầy Nguyễn Trọng Trường, Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội). Lý do, 2 tháng dài nghỉ hè, thói quen học tập, sinh hoạt hàng ngày của học sinh bị xáo trộn không ít. Nhiều học sinh được phép thỏa sức thức khuya, dậy muộn, ăn uống không đúng giờ giấc.

Tuy nhiên, khi bước vào năm học mới, phải thực hiện lịch dậy sớm mỗi sáng để đến trường, thời gian học tập, thời gian phát triển cá nhân… nên học sinh cần thiết kế lại thời gian biểu hợp lý ngay từ bây giờ để làm quen những thay đổi một cách chủ động. Đây cũng là cách để cân bằng giữa lịch học ở trường với lịch cá nhân ở nhà, quản lý thời gian tốt hơn.

Ngoài ra, điều mà các em cần duy trì là thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng. Tích cực chia sẻ với mọi người xung quanh (bạn bè, bố mẹ, thầy cô…) là một trong những cách để học sinh đón nhận những nguồn năng lượng tích cực; sẵn sàng bước vào năm học mới với tinh thần lạc quan.

Giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Eakar, Đắk Lắk) hướng dẫn học sinh trong đội nghi lễ tập trống. Ảnh: NTCC

Giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Eakar, Đắk Lắk) hướng dẫn học sinh trong đội nghi lễ tập trống. Ảnh: NTCC

Chuẩn bị sớm kiến thức

Cùng với sắp xếp thời gian biểu, cô Đào Thị Kính lưu ý học sinh nên chủ động chuẩn bị sớm kiến thức để tự tin hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng của thầy cô trên lớp và không bị choáng ngợp trước khối lượng kiến thức mới của lớp trên. Việc tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp với bản thân cũng cần làm để hỗ trợ tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất và biết cách vận dụng chúng linh hoạt trong các bài kiểm tra.

Học sinh có thể tham gia hình thức học online, xem trước các bài giảng, từ đó chủ động hơn trong học tập và tìm ra được những phương pháp học tập tốt hơn cho năm học tiếp theo. “Với học sinh lớp 10, một trong những việc quan trọng là lựa chọn tổ hợp môn học. Do đó, các em hãy cùng gia đình tìm hiểu kỹ, cân nhắc trong lựa chọn, làm sao phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp sau này”, cô Kính lưu ý thêm.

Cô Lê Thị Quyên, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) nhắc nhở, muốn tiếp thu kiến thức mới, học sinh hãy hệ thống và ôn tập để nắm chắc kiến thức đã học của các môn. Thời điểm này cũng phù hợp để các em lập kế hoạch và đặt mục tiêu cho năm học mới.

Kế hoạch học tập cần rõ ràng, cụ thể, chia nhỏ từng theo từng mục tiêu; xác định rõ mục tiêu cần đạt của từng môn, từng học kỳ, cả năm học. Học sinh nên xem lại năm học trước xem môn nào còn yếu, bản thân thích học môn gì để điều chỉnh kế hoạch học tập cho phù hợp.

Còn theo cô Lương Thị Hồng, kiến thức và yêu cầu của môn học tăng lên theo từng năm, việc học sinh có thời gian nghiên cứu trước các môn học là cần thiết; giúp các em tự tin, chủ động hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng của thầy cô trên lớp; không bị choáng ngợp trước khối lượng kiến thức mới lạ của môn học.

Khi xem trước nội dung kiến thức mới, học sinh có thể ghi lại những vấn đề cần thầy cô hỗ trợ. Ngoài ra, các em hãy lưu ý chuẩn bị quần áo, sách vở đồ dùng học tập đầy đủ trước khi vào năm học mới; đồ dùng cũ còn sử dụng được có thể tái sử dụng. Cha mẹ có thể tham gia công việc này cùng con và bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất để các em thấy được bố mẹ luôn quan tâm và đồng hành.

Thầy Nguyễn Trọng Trường khuyên học sinh: “Các em có thể dành thời gian nghiên cứu trước một số môn học yêu thích; chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập thiết yếu và quan tâm đến sức khỏe để bước vào năm học mới với sự khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần”.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-tam-the-vao-nam-hoc-moi-sau-ky-nghi-dai-post649774.html