Chuẩn bị thế nào cho cơ chế 'sandbox' công nghệ?
Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông. Khung thử nghiệm pháp lý (Regulatory Sandbox) đã được thừa nhận rộng rãi trong giới làm chính sách như một giải pháp hiệu quả để cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, trong những lĩnh vực chưa có quy định pháp lý chính thức. Cơ chế này được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ được thực hiện trên toàn thế giới; và 5 trong số 6 nước ASEAN 6 (gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan) đã có sandbox thì Việt Nam vẫn tiếp tục chậm chân.
Vai trò, đóng góp của công nghệ số và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số đã được thừa nhận rộng rãi. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng đã nỗ lực để sửa một luật trong lĩnh vực công nghệ như Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông. Nhưng, môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp kinh doanh những giải pháp công nghệ tiên phong vẫn là đang là điểm nghẽn ở Việt Nam.
Thật đáng tiếc khi nhiều giải pháp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) - như sản phẩm tài chính mới, dịch vụ tín dụng số, giao dịch tài sản số...; công nghệ y tế (Heatlh tech)… của doanh nghiệp Việt Nam đã không được cho phép kinh doanh một cách chính thức. Trên thực tế, nhu cầu thị trường, lợi ích và tính hiệu quả của các công nghệ là có. Tuy nhiên, vì tính mới cũng như chưa đánh giá được hết các rủi ro mà công nghệ tạo ra nên các sản phẩm sáng tạo mới này không được các cơ quan quản lý nhà nước cho phép thực hiện. Khi nhu cầu thị trường là có thật, nhiều doanh nghiệp chọn lập pháp nhân ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, hoặc chọn kinh doanh trong “vùng xám”.
Sau 2 thập kỷ công nghệ số bùng nổ trên toàn thế giới, ở hầu khắp các quốc gia, hiểu biết của những người làm chính sách, làm luật đã cải thiện đáng kể. Một nhận thức chung được xác lập là sự thâm nhập của công nghệ vào các ngành kinh tế đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực truyền thống như vận tải, báo chí, thương mại, tài chính...; đồng thời cũng tạo ra những rủi ro đối với quyền lợi người tiêu dùng như lừa đảo trực tuyến, tin giả, tin sai sự thật, xâm phạm quyền riêng tư... Việc hoàn thiện thể chế để vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo vừa quản lý rủi ro do công nghệ tạo ra đòi hỏi phải thay đổi về tư duy, cách thức quản lý.
Về mặt tiếp cận, không nên dùng tư duy truyền thống (hay tư duy thời công nghệ analog) để áp dụng vào thời đại công nghệ số. Một mặt khác, Chính phủ cũng cần thúc đẩy áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) và cơ chế tự quản dựa trên tiêu chuẩn cộng đồng/ngành được thừa nhận rộng rãi (self-regulation) cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống tại Việt Nam. Trong ngắn hạn, một sandbox hoàn toàn hữu ích và khả thi là Việt Nam có thể thử nghiệm việc chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công với khu vực tư nhân để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả và tối đa giá trị kinh tế của dữ liệu.
Về xây dựng pháp luật ở cấp độ luật, trong hồ sơ dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ, sandbox và dữ liệu là một trong những nội dung đã được đưa vào. Dù vẫn chậm so với nhóm ASEAN 6 thì đây là bước tiến đáng hoan nghênh. Các Ủy ban của Quốc hội, nòng cốt là Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn toàn có thể có những bước đi chủ động để chuẩn bị, cũng như hỗ trợ các cơ quan của phía Chính phủ trong việc xây dựng và phát triển các nội dung chính sách quan trọng này.