Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ trồng rừng năm 2022

LTS: Thực hiện mục tiêu năm 2022 nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 47,3%, cùng với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, ngành Kiểm lâm đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ công tác trồng rừng. Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Vườn ươm cây giống của Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp.

Vườn ươm cây giống của Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp.

P.V: Xin ông cho biết kết quả nổi bật công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021?

Ông Lương Ngọc Hoan: Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động, tích cực của lực lượng kiểm lâm, trong năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 6,2%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,3%, tăng gần 1% so với năm 2020. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cấp cho công tác trồng rừng năm 2021 cũng chưa có, nhưng lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp tốt với các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển rừng. Do đó, năm 2021, toàn tỉnh đã trồng mới được 2.555 ha rừng, trong đó hơn 90 ha rừng phòng hộ - đặc dụng, 1.620 ha rừng sản xuất, 337 ha rừng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp và trồng cây phân tán quy đổi được hơn 508 ha.

P.V: Xin ông cho biết kế hoạch trồng rừng năm 2022?

Ông Lương Ngọc Hoan: Kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh dự kiến trồng trên 3.000 ha rừng tập trung và 1 triệu cây phân tán. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trong đó, ưu tiên triển khai các dự án đã được phê duyệt, như Dự án bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn; Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; kế hoạch trồng cây xanh theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch trồng rừng 2022, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương thành lập Ban quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững để chủ động tham mưu, triển khai công tác trồng rừng trên địa bàn được giao; trình UBND tỉnh phê duyệt định mức, tiêu chuẩn sản xuất cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, cây giống gieo ươm phục vụ trồng rừng thông qua kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giám sát, kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng cây giống trước khi xuất trồng và rà soát, kiểm tra các địa điểm dự kiến trồng rừng.

P.V: Tiến độ trồng rừng năm 2022 hiện đang được triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Lương Ngọc Hoan: Thực hiện Quyết định số 3088/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư là UBND các huyện, thành phố; Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, chủ động rà soát quỹ đất, tổ chức khảo sát, lập hồ sơ thiết kế công trình trồng rừng đúng quy hoạch, đối tượng và vùng dự án đã được phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các chủ dự án, các cơ sở gieo ươm, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp căn cứ vào diễn biến thời tiết chủ động gieo ươm, sản xuất cây giống đảm bảo về số lượng và chất lượng theo cơ cấu loài cây trồng phục vụ cho mùa vụ trồng rừng năm 2022. Theo báo cáo của các đơn vị, dự án đã gieo ươm được gần 6 triệu cây giống các loại, trong đó, chủ yếu là các loại giống cây gỗ lớn, như thông mã vĩ, lát hoa, trám... Đến nay, các đơn vị dự án đã thiết kế và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 705/800 ha rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Dự án bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh; còn lại 4.500 ha thuộc Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, hiện các chủ dự án đang khẩn trương chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, lập hồ thiết kế, dự kiến hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong quý II/2022. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các điều kiện cần thiết để tiến hành trồng rừng theo đúng tiến độ và bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thuấn (thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuan-bi-tot-cac-dieu-kien-phuc-vu-trong-rung-nam-2022-48312