Chuẩn bị từ sớm, từ xa đảm bảo chất lượng kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội

Sáng 10/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 47. Đây là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho kỳ họp cuối nhiệm kỳ cũng như các sự kiện quan trọng của Quốc hội trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung lớn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.

Thứ nhất, cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".

Chủ tịch Quốc hội đánh giá chuyên đề giám sát này vừa rất thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cần nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tới đây, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Như vậy, Bộ Chính trị sẽ có 6 nghị quyết quan trọng, trong đó có "bộ tứ nghị quyết chiến lược" đang được triển khai rất mạnh mẽ.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Trên cơ sở các tờ trình của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xác đáng về sự cần thiết, tính cấp bách, tính khả thi của từng dự án luật được đề xuất, bảo đảm Chương trình lập pháp thực sự bám sát yêu cầu thực tiễn, đồng thời kiểm soát tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp thứ 9 và ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, hoàn tất những nhiệm vụ đã đề ra, đồng thời tạo dựng tiền đề cho nhiệm kỳ tới. Với tính chất quan trọng như vậy, việc chuẩn bị phải thật bài bản, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức và chất lượng để khẳng định vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận kỹ kết quả và hạn chế của kỳ họp thứ 9, đồng thời, định hướng rõ ràng đối với kỳ họp thứ 10 để thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025. Do tháng 5 và tháng 6 là thời gian diễn ra kỳ họp, tập trung cao độ vào công tác chuẩn bị, tiến hành đối với những nội dung trình Quốc hội, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 cùng với tháng 6 tại phiên họp này.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thứ sáu, xem xét thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ bảy, xem xét thông qua Nghị quyết về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.

Thứ tám, xem xét thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với hai nội dung: Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quý II/2025; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 31/2023/UBTVQH15 quy định, hướng dẫn một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội.

Phiên họp thứ 47 chỉ diễn ra trong một ngày, do đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, phát huy kết quả những phiên họp trước, hoàn thành tốt phiên họp.

"Đây cũng là một bước chuẩn bị "từ sớm, từ xa" để bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho kỳ họp cuối nhiệm kỳ cũng như các sự kiện quan trọng của Quốc hội trong thời gian tới.

Dự kiến, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội sẽ họp với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ từ rất sớm để chuẩn bị các nội dung để những luật, nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 10 bảo đảm chất lượng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chuan-bi-tu-som-tu-xa-dam-bao-chat-luong-ky-hop-cuoi-nhiem-ky-quoc-hoi-192250710094724106.htm