Phòng ngừa thiên tai từ bài học Trưởng thôn Kho Vàng đưa 115 người dân lên núi lánh nạn

Công tác phòng, chống thiên tai đang ngày càng có sự chuyển biến rõ rệt, từ 'bị động ứng phó' sang 'chủ động phòng ngừa'.

Chiều ngày 10-7, tại tỉnh Phú Thọ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp an toàn cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai. Chương trình này là một bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng ngừa thiên tai hiệu quả, đảm bảo thông tin chính xác và kịp thời trong những tình huống khẩn cấp.

Chương trình tập huấn "Kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai".

Chương trình tập huấn "Kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai".

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường. Nhiều trận thiên tai lớn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản trên thế giới, ngay trong đầu tháng 7 này, lũ quét kinh hoàng tại bang Texas, Mỹ làm hơn 100 người thiệt mạng và trên 170 người mất tích.

Từ đầu năm 2025 đến nay, 16 loại hình thiên tai đã xảy ra trên các vùng miền ở nước ta. Thiên tai cực đoan, bất thường xảy ra liên tục.

Trong đó, Bão số 1 - cơn bão đầu tiên xuất hiện trên Biển Đông năm 2025, hoàn lưu bão gây mưa rất lớn, lũ, ngập lụt trên diện rộng trái mùa tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam làm 7 người chết, hơn 90.000 ha lúa, hoa màu bị ngập,…

Theo đó, những năm gần đây, công tác phòng, chống thiên tai đang ngày càng có sự chuyển biến rõ rệt, từ "bị động ứng phó" sang "chủ động phòng ngừa" và đến nay chúng ta đang chú trọng xây dựng "Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai" góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phòng ngừa thiên tai hiệu quả bằng truyền thông và kỹ năng ứng phó cho cộng đồng

Trong các văn bản đều nhấn mạnh việc tăng cường truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho Nhân dân; cập nhật thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình và công tác chỉ đạo khi có tình huống thiên tai để nhân dân biết, chủ động ứng phó phù hợp.

Điều đó thể hiện qua những bài học, tấm gương điển hình về những cá nhân, bằng sự quyết đoán, kinh nghiệm của mình đã mang lại một cuộc sống thứ 2 cho hàng trăm người, điển hình như: anh Cà Văn Biên - Trưởng bản Hua Năm, xã Nặm Păm, huyện Mường La (cũ), tỉnh Sơn La, trong đêm với chiếc loa cầm tay, người trưởng bản đi khắp các hộ gia đình cảnh báo về cơn lũ đang đến, để rồi 178 hộ dân bản Hua Nặm được bình an trước cơn lũ kinh hoàng xảy ra vào tháng 8-2017; Trưởng thôn Kho VàngMa Seo Chứ, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (cũ) - với quyết định thần tốc, giành giật thời gian trước thảm họa để di tản 115 người lên núi cao, tránh được trận sạt lở trong gang tấc…

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đánh giá công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai không chỉ là cầu nối giữa người dân với các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai mà còn góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống truyền thông đa phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phụ trách tuyên truyền.

Tại chương trình tập huấn, các phóng viên báo chí được đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp kỹ năng sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.

Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-ngua-thien-tai-tu-bai-hoc-truong-thon-kho-vang-dua-115-nguoi-dan-len-nui-lanh-nan-196250710205807956.htm