'Chuẩn đầu vào'-'Bộ lọc' nâng cao chất lượng đảng viên

PTĐT - Những năm gần đây, tình trạng một số đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ không còn thiết tha với tổ chức, tự ý bỏ sinh hoạt dẫn đến bị xóa tên khỏi danh sách ...

Ông Lý Văn Dương- Bí thư Chi bộ Xóm Mới xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn –(người đứng) tranh thủ ý kiến già làng Lý Công Trình để tuyên truyền, vận động thanh niên đồng bào dân tộc Dao giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, nỗ lực học tập, phấn đấu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Lý Văn Dương- Bí thư Chi bộ Xóm Mới xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn –(người đứng) tranh thủ ý kiến già làng Lý Công Trình để tuyên truyền, vận động thanh niên đồng bào dân tộc Dao giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, nỗ lực học tập, phấn đấu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

PTĐT - Những năm gần đây, tình trạng một số đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ không còn thiết tha với tổ chức, tự ý bỏ sinh hoạt dẫn đến bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên đã và đang xuất hiện tại các đảng bộ địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư, cùng với sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức những đối tượng không xứng đáng thì việc nâng cao “chuẩn đầu vào”, nắm bắt rõ tâm tư, động cơ của những người có nguyện vọng vào Đảng là biện pháp quan trọng, giúp nâng cao chất lượng đảng viên, tăng cường vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng...
Kỳ I: Lý tưởng phai nhạt, động cơ không trong sáng

Được tìm hiểu kỹ Điều lệ, nguyên tắc hoạt động, tình nguyện viết đơn xin vào Đảng, thể hiện quyết tâm phấn đấu bằng nhiều hành động, việc làm cụ thể, thế nhưng được kết nạp chưa lâu, nhiều đảng viên đã tự ý bỏ sinh hoạt, không thiết tha với tổ chức. Nguyên nhân chủ yếu là do động cơ, mục đích khi vào Đảng không trong sáng, phai nhạt lý tưởng cách mạng...

Lợi theo, khó bỏ!
Sinh năm 1990, tròn 20 tuổi, Nguyễn Tiến Quang (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập) được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Được giao nhiệm vụ Bí thư chi đoàn thanh niên khu Quyết Tiến, các đồng chí trong chi bộ đều tin tưởng, hy vọng Quang sẽ phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên trẻ, năng động, xốc vác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là nguồn bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chủ chốt cho địa phương. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, Quang bắt đầu có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không thiết tha với tổ chức, không tham gia sinh hoạt, không đóng Đảng phí. Chi ủy đã nhiều lần gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, giúp đỡ nhưng Quang vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Tháng 6/2018, Chi bộ Quyết Tiến đã báo cáo lên Đảng bộ xã Minh Hòa và tiến hành thủ tục xóa tên Nguyễn Tiến Quang khỏi danh sách đảng viên.Cũng trong đợt này, chi bộ Quyết Tiến đã xem xét, làm thủ tục xóa tên Lê Hồng Nguyên khỏi danh sách đảng viên. Sinh năm 1986, sau quá trình dài quyết tâm phấn đấu, năm 2014, Nguyên chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ khi đi làm ăn xa, Nguyên bắt đầu xa rời, không mặn mà với tổ chức. Sau nhiều lần gặp gỡ, động viên không thành công, chi bộ đã quyết định làm thủ tục xóa tên Lê Hồng Nguyên khỏi danh sách đảng viên.Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ xã Minh Hòa đã xem xét, xóa tên, cho ra khỏi Đảng 12 đảng viên. Không chỉ đảng viên trẻ, mới kết nạp, trên địa bàn xã còn có cả những đảng viên hơn chục năm tuổi Đảng phai nhạt lý tưởng, không tham gia thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của đảng viên. Điển hình như trường hợp Đinh Quang Tùng, sinh năm 1978, vốn là công an viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2006. Năm 2014, Tùng không còn giữ cương vị này và bắt đầu thể hiện thái độ thiếu tinh thần trách nhiệm, xa rời tổ chức, không thực hiện nghĩa vụ đảng viên. Do đó, năm 2017, chi bộ đã đề nghị xem xét, làm thủ tục xóa tên đảng viên Đinh Quang Tùng. Cùng với Minh Hòa, tình trạng đảng viên trẻ thiếu tinh thần trách nhiệm, xa rời tôn chỉ, mục đích, phai nhạt lý tưởng cách mạng, tự ý bỏ sinh hoạt xuất hiện ngày càng mang tính phổ biến tại các Đảng bộ địa phương trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là, không chỉ vùng sâu, vùng xa, miền núi mà cả trên địa bàn thành phố, thị xã, không những đảng viên là lao động tự do, đi làm ăn xa mà cả lực lượng vũ trang, quân nhân xuất ngũ, không riêng đảng viên chính thức mà nhiều người vẫn đang là đảng viên dự bị cũng rơi vào tình trạng này. Trong tháng 8/2019, Thành ủy Việt Trì đã hoàn tất thủ tục cho ra khỏi Đảng 1 đảng viên và xóa tên 7 đảng viên. Trong đó có những trường hợp không khỏi buồn lòng như: Hoàng Như Việt (sinh năm 1989) vào Đảng ngày 5/5/2015 tại Chi bộ 11 Trật tự Cơ động, Đảng bộ Công an thành phố Việt Trì. Từ tháng 8/2018, Việt xuất ngũ nhưng không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú, không tham gia sinh hoạt Đảng và không đóng Đảng phí theo quy định. Hay trường hợp quân nhân Đinh Tất Đức (sinh năm 1992) vào Đảng ngày 22/12/2017. Từ tháng 7/2018, Đức chuyển sinh hoạt về Đảng bộ Quân sự thành phố nhưng trong thời gian là đảng viên dự bị, Đức không báo cáo chi bộ và không tham gia lớp bồi dưỡng đảng viên mới nên không đủ điều kiện để công nhận đảng viên chính thức theo quy định. Đảng bộ Quân sự thành phố Việt Trì đã đề nghị xem xét, làm thủ tục xóa tên đảng viên Đinh Tất Đức…!

Anh Hà Hữu Dực- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Suối Hai (xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn) nêu gương sáng của người đảng viên, gương mẫu vượt khó, phát triển kinh tế gia đình với mô hình sơ chế gỗ nguyên liệu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Anh Hà Hữu Dực- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Suối Hai (xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn) nêu gương sáng của người đảng viên, gương mẫu vượt khó, phát triển kinh tế gia đình với mô hình sơ chế gỗ nguyên liệu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

“Mẫu số chung” của biểu hiện suy thoáiTheo số liệu từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong năm 2018, toàn tỉnh có 165 đảng viên bị xóa tên và 47 đảng viên xin ra khỏi Đảng. Từ đầu năm đến nay, đã có 81 đảng viên bị xóa tên và 35 đảng viên xin ra khỏi Đảng. Các đảng viên bị xóa tên thuộc đủ các thành phần, lứa tuổi, trình độ văn hóa nhưng tập trung nhiều hơn cả là những thanh niên mới được kết nạp Đảng chưa lâu. Lý do không tham gia sinh hoạt, không đóng Đảng phí theo quy định mỗi người mỗi khác, nhưng ngoài số ít có sức khỏe yếu, phần lớn còn lại đều viện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, phải đi làm ăn xa... Trên thực tế, cơ bản những lý do này chỉ là ngụy biện, “mẫu số chung” của các đối tượng bị xóa tên là do thiếu tinh thần trách nhiệm, không giữ vững phẩm chất trung kiên, gương mẫu của người đảng viên, phai nhạt lý tưởng cách mạng, có biểu hiện suy thoái phẩm chất chính trị, xem nặng lợi ích cá nhân hơn lợi ích chung của tổ chức, cộng đồng...Ông Đinh Tiến Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Hòa (huyện Yên Lập) khẳng định: “Đảng bộ luôn tạo điều kiện thuận lợi trên cơ sở quy định, Điều lệ Đảng cho các đảng viên đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động. Khi đảng viên có dấu hiệu sao nhãng, bỏ sinh hoạt, chi ủy đều đến gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đồng chí thương yêu, giúp đỡ nhau. Thậm chí, anh em trong chi bộ còn gặp gỡ, động viên gia đình, người thân tạo điều kiện cho các đảng viên này tiếp tục sinh hoạt. Khi các biện pháp không mang lại kết quả, chi bộ mới xem xét, báo cáo lên Đảng ủy đề nghị làm thủ tục xóa tên khỏi danh sách đảng viên. Chúng tôi thống nhất quan điểm: Những đối tượng không thiết tha, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, không xứng đáng với tư cách người đảng viên thì kiên quyết xóa tên...”.Cũng như Đảng bộ xã Minh Hòa, các chi, đảng bộ địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ quy định, Điều lệ Đảng giúp đỡ đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn đi làm ăn xa hay xuất khẩu lao động. Thực hiện Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về việc miễn công tác và sinh hoạt Đảng đối với đảng viên, các chi, đảng bộ cơ sở đều tạo điều kiện thuận lợi, ra nghị quyết cho đảng viên có đơn đề nghị được miễn công tác và sinh hoạt Đảng trong 12 tháng. Các bí thư chi bộ còn chủ động liên hệ qua điện thoại, mạng xã hội để thăm nắm tình hình đảng viên đang làm ăn xa, thông báo nội dung các chủ trương, đường lối, nghị quyết mới của Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động của chi bộ; sắp sếp thời gian tổ chức sinh hoạt Đảng, tổng kết năm phù hợp cho các đảng viên có điều kiện thuận lợi về dự đảm bảo theo quy định, Điều lệ Đảng. Do đó, các lý do về kinh tế gia đình khó khăn, đi làm ăn xa, công việc không ổn định... của các đảng viên bị xóa tên phần lớn là ngụy biện. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu của hiện tượng này là ở tư tưởng chính trị, cụ thể là động cơ, mục đích phấn đấu vào Đảng. Đơn xin vào Đảng do các đối tượng tự nguyện viết tay cùng với lời tuyên thệ thiêng liêng trong lễ kết nạp đảng viên nhưng ẩn sau những ngôn từ cao đẹp là những mục đích tư lợi cá nhân. Nhiều đối tượng muốn vào Đảng là để được giữ các chức vụ trong chính quyền, tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, xã, hưởng phụ cấp hàng tháng. Nhiều quân nhân, công an nghĩa vụ phấn đấu vào Đảng để hưởng ưu tiên khi thi tuyển vào chính quy, chuyên nghiệp. Khi không đạt được mục đích, các đối tượng thể hiện ngay thái độ lạnh nhạt, tự ý xa rời tổ chức. Kiên quyết đưa những đảng viên không còn xứng đáng ra khỏi tổ chức sẽ giúp nâng cao vai trò, vị thế, sức chiến đấu của Đảng; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các chi, đảng bộ cơ sở là sớm phát hiện, sàng lọc, ngăn chặn các phần tử cơ hội, không đủ tư cách len lỏi vào tổ chức để vụ lợi cá nhân. Quy trình kết nạp đảng viên nếu được làm chặt chẽ, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy cơ sở sẽ là “chốt chặn” chắc chắn, là “bộ lọc” quan trọng đầu tiên giúp sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên. Kỳ II: “Sát hạch” kết nạp Đảng

Nhóm PV phòng Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/201910/chuan-dau-vao-bo-loc-nang-cao-chat-luong-dang-vien-167009