Chuẩn hóa mã số thuế: Tăng hiệu lực quản lý, thuận lợi cho người dân
Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 của Bộ Tài chính quy định về đăng ký thuế, mã số thuế (MST) do cơ quan thuế cấp cho cá nhân, hộ kinh doanh được sử dụng đến ngày 30/6/2025. Từ ngày 1/7 năm nay, số định danh cá nhân sẽ chính thức thay thế MST. Để bảo đảm tiến độ đề ra, ngành Thuế tỉnh đã và đang nỗ lực chuẩn hóa toàn bộ MST cá nhân là mã định danh cá nhân.
Nhiều tiện ích
Theo Luật Quản lý thuế, MST cá nhân là mã số do cơ quan quản lý thuế cấp cho cá nhân đăng ký thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Còn theo Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân là số thẻ căn cước công dân hoặc số thẻ căn cước do Bộ Công an cấp cho mỗi cá nhân. Đây là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số được xác lập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh này có thể tra cứu trên ứng dụng VNeID hoặc tại trang dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.
Được biết, việc chuyển đổi MST cho công dân sang mã số định danh cá nhân nằm trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ này, từ giữa năm 2023, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân trong toàn tỉnh. Việc rà soát bảo đảm chính xác 3 thông tin: Họ và tên; số căn cước công dân hoặc số căn cước; ngày, tháng, năm sinh của cá nhân vào MST để trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi đồng bộ các thông tin trên thì việc chuẩn hóa MST cá nhân được hoàn thành, MST chính là mã số định danh.
Đến nay, qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 418 nghìn MST cá nhân. Trong đó tỷ lệ chuẩn hóa MST trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của 4 nhóm người nộp thuế (qua cơ quan chi trả; người sử dụng đất phi nông nghiệp; hộ kinh doanh; cá nhân khác phát sinh thuế) đạt gần 53%.
Đến nay, qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 418 nghìn MST cá nhân. Trong đó tỷ lệ chuẩn hóa MST trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của 4 nhóm người nộp thuế (qua cơ quan chi trả; người sử dụng đất phi nông nghiệp; hộ kinh doanh; cá nhân khác phát sinh thuế) đạt gần 53%. Theo bà Phạm Thị Tuất, cá nhân kinh doanh hàng online tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), việc chuẩn hóa MST giúp bà giảm thủ tục khi thực hiện dịch vụ công do thông tin cá nhân đã được tự động điền vào biểu mẫu đăng ký nên tiết kiệm thời gian, chi phí kê khai thuế.
Còn theo đại diện lãnh đạo Phòng Kê khai và Kế toán Thuế (Cục Thuế tỉnh), việc tích hợp mã số định danh làm MST thì mỗi người chỉ có một MST, khắc phục tình trạng có cá nhân sử dụng nhiều MST do cấp trùng khi kê khai, nộp thuế trước đây (do sử dụng giấy tờ tùy thân khác nhau), gây khó khăn cho công tác quản lý. Cơ quan thuế cũng thuận tiện trong quản lý, tra cứu, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính thuế. Đồng thời dễ dàng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời phát hiện hành vi gian lận, trốn thuế thông qua dữ liệu điện tử liên thông giữa các đơn vị. Ví như, thông qua mã số định danh cá nhân, cơ quan thuế có thể thông tin với cơ quan bảo hiểm xã hội để quản lý thuế thu nhập cá nhân; trao đổi với cơ quan quản lý đất đai để quản lý các khoản thu từ đất…
Đẩy nhanh việc chuẩn hóa
Xác định việc chuyển đổi MST sang mã số định danh cá nhân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý thuế nên thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chi cục thuế khu vực cập nhật đầy đủ thông tin người nộp thuế vào dữ liệu thuộc phạm vi rà soát để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế rà soát dữ liệu khớp đúng thông tin về họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số căn cước công dân hoặc số căn cước để chuẩn hóa MST.
Bà Chu Thanh Hường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Việc chuẩn hóa MST cá nhân giúp ngành Thuế quản lý chặt chẽ công tác thu ngân sách; thuận lợi trong việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân và hoàn thuế. Đối với trường hợp có 2 MTS cá nhân thì trước khi quyết toán thuế, đơn vị phải thực hiện đóng một MST. Với ý nghĩa đó, Cục Thuế tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để định danh MST. Đồng thời thành lập tổ chỉ đạo, tổ triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu; xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng phòng chuyên môn, chi cục thuế khu vực, công chức để đẩy nhanh tiến độ. Cục Thuế tỉnh thường xuyên báo cáo kết quả, khó khăn, vướng mắc với Tổng cục Thuế để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ”.
Được biết, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, quá trình rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST còn gặp một số khó khăn. Đó là số lượng MST phải rà soát, xử lý còn lại rất lớn trong khi đó việc thu thập dữ liệu đối với nhiều cá nhân vẫn thiếu thông tin. Nhiều cá nhân không còn giữ chứng minh nhân dân cũ hoặc đã thay đổi nhiều thông tin cá nhân nhưng chưa cập nhật với cơ quan thuế, gây khó khăn cho quá trình chuẩn hóa… Ngoài ra, thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế vẫn thực hiện thủ công bằng giấy tờ nên tiến độ còn chậm... Toàn tỉnh hiện còn hàng chục nghìn MST cá nhân chưa được chuẩn hóa, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Hiệp Hòa. Lục Nam, TX Việt Yên...
Trước thực tế này, để đẩy nhanh việc chuẩn hóa MST, cơ quan thuế phối hợp với lực lượng công an để cập nhật thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm chính xác, trùng khớp. Cục Thuế tăng cường bố trí nhân lực nhập dữ liệu thông tin cá nhân. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các cá nhân thay đổi thông tin đăng ký thuế và cập nhật thông tin mã số định danh vào cơ sở dữ liệu ngành Thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cổng dịch vụ công quốc gia hoặc ứng dụng eTax-Mobile. Bên cạnh giải pháp trên, Cục Thuế tỉnh đề nghị Tổng Cục Thuế nâng cấp phần mềm, hệ thống ứng dụng để chuẩn hóa nhiều MST cùng lúc; người nộp thuế cung cấp thông tin cá nhân chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn hóa.