Chuẩn hóa sản xuất - 'chìa khóa' đưa nông sản sang EU
'Chìa khóa' để xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng bền vững là doanh nghiệp phải chuẩn hóa sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo mà thị trường này đặt ra với từng nhóm hàng.
Ngành rau quả có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang EU nhờ “trợ lực” từ EVFTA Ảnh: Đức Thanh
Bún, miến, phở dạng khô sang EU được nới lỏng kiểm soát
Từ đầu tháng 7 tới, các lô hàng bún, miến, phở dạng khô xuất khẩu sang EU không cần bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và cũng không bị kiểm soát tại cửa khẩu của EU.
Trước đó, tháng 8/2021, một số lô hàng mỳ ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo thu hồi tại nhiều nước châu Âu (như Thụy Sĩ, Na Uy, Anh…) do chứa Etylen oxit (EO). Sau vụ việc này, EU đã quy định tạm thời gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba. Theo đó, sản phẩm chế biến bột dạng khô và dạng ăn liền của Việt Nam cần có chứng thư và bị tăng tần suất kiểm tra ngẫu nhiên lên 20%.
Sau một thời gian bị tăng tần suất kiểm soát, nhờ việc chuẩn hóa sản xuất, gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, tập trung vào hệ thống các nhà cung ứng nguyên liệu và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu EO theo quy định của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã được EU xem xét, điều chỉnh kịp thời và nới lỏng biện pháp kiểm soát với nhóm sản phẩm chế biến bột dạng khô và dạng ăn liền.
Bộ Công thương đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến dạng bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.
Bộ cũng sẽ tiếp tục kiến nghị EU đánh giá tần suất về việc tuân thủ các yêu cầu/quy định về dư lượng EO trong quá trình kiểm soát của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chế biến từ bột để từng bước xem xét, dỡ bỏ biện pháp kiểm soát.
Ông Ngô Xuân Nam, Chánh văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) nhấn mạnh, biện pháp nới lỏng trên giúp doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến bột dạng khô và dạng ăn liền tiếp tục đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường còn tiềm năng, các cơ hội mở cửa thị trường từ những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
Tiếp tục chuẩn hóa sản xuất
Trong khi bún, miến, phở dạng khô được nới lỏng kiểm soát khi xuất khẩu sang EU, thì vẫn còn một số thực phẩm khác bị kiểm tra rất nghiêm ngặt. EU tiếp tục duy trì việc yêu cầu bổ sung Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với thanh long và các lô hàng mỳ ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam mà trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác. Các nhóm rau gia vị vẫn bị duy trì tần suất kiểm tra 50% tại biên giới EU.
Do đó, ông Nam lưu ý, để đạt mục tiêu giảm tần suất kiểm tra đối với sản phẩm xuất sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuyệt đối tuân thủ việc đăng ký, cấp chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền và giám sát chặt chẽ mức dư lượng trong sản phẩm xuất khẩu.
Là khu vực thị trường rộng lớn, với 27 quốc gia thành viên, EU có nhu cầu nhập khẩu lượng hàng hóa nông thủy sản cực lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều Việt Nam - EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu đạt 16,89 tỷ USD, tăng 15,3%. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU khoảng 23,23 tỷ USD .
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU đạt trên 3,3 tỷ USD (bao gồm cà phê 1,025 tỷ USD, thủy sản 1,018 tỷ USD, hạt điều 695 triệu USD, cao su 169 triệu USD, rau quả 151 tiệu USD, hạt tiêu 150 triệu USD).
Tháng 8/2022, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tròn 2 năm có hiệu lực, tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm nông sản có trị giá xuất khẩu cao như cà phê, điều, rau quả, thủy sản…
Đơn cử, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cà phê xuất khẩu sang EU có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam, vì EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu. Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 3 tỷ USD, trong đó riêng xuất sang EU đạt trên 1 tỷ USD.
Hạt điều xuất khẩu sang EU cũng có nhiều ưu đãi. Trước đây, sản phẩm hạt điều chế biến sâu xuất sang EU chịu thuế 7 - 12%, nhưng theo cam kết EVFTA, đã được giảm thuế xuống còn 0% từ ngày 1/8/2020.
Rau quả được EU cam kết mở cửa rất mạnh trong EVFTA. Cụ thể, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa…) được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Điều đáng nói là, phần lớn các dòng thuế mà EU cam kết xóa bỏ ngay đều đang có mức thuế theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) trung bình là trên 10%, cá biệt, có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Bởi vậy, những cam kết của EU được đánh giá sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường này.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 20 tỷ USD hàng hóa, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nông sản sang thị trường EU.
Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu nông sản sang EU sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi Covid-19 được kiểm soát, mở cửa thông thương thuận tiện hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng trải qua thời gian thích nghi với các cam kết tại EVFTA, đặc biệt là cam kết về quy tắc xuất xứ. Đây là những yếu tố quan trọng để ngành nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị phần tại thị trường các quốc gia châu Âu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuan-hoa-san-xuat---chia-khoa-dua-nong-san-sang-eu-d167932.html