Chuẩn mực xã hội

Sát tết cũng là cao điểm giao thông. Đủ thứ nhu cầu khiến guồng quay vận tải, di chuyển tăng vọt. Song hành với đó là tai nạn cũng ghê răng. Có người lo rằng nhiều tuyến cao tốc nới giới hạn tốc độ lên mức cao hơn cũng có thể dẫn tới rủi ro. Phải vậy không?

- Tăng tốc độ lưu thông là phù hợp với thúc đẩy phát triển của đời sống. Tai nạn xảy ra không phải do nâng giới hạn tốc độ, mà là do tài xế chạy bậy, phương tiện không đạt chuẩn. Xe quá khổ và quá tải, chạy quá ẩu thì lấy đâu ra an toàn. Cái nữa, là người có chức năng kiểm soát giao thông và xử phạt lại ham “đếm đếm”, sức mấy mà không sinh chuyện. Gốc an toàn là hành xử đúng luật, không phân biệt đó là ông Sáu, chú Bảy, anh Ba hay chị Năm.

- Ứng dụng số đang xuất hiện nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực. Điều gì nên sớm áp dụng trong mảng giao thông?

- Ở nhiều nước, chi phí bảo hiểm gắn liền với hành vi lái xe. Phí bảo hiểm sẽ giảm nếu tài xế cài đặt thiết bị theo dõi tốc độ xe. Phí bảo hiểm cũng tăng giảm tùy theo mức độ vi phạm quy định về giao thông và bị xử phạt hay không. Nữa, vi phạm luật giao thông phải đối diện sự kỳ thị của cộng đồng. Mọi vi phạm đều bị xử nghiêm, người ta sẽ tởn. Dù có lái xe gì, đảm bảo an toàn phải trở thành chuẩn mực xã hội.

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuan-muc-xa-hoi-post724891.html