Chuẩn yêu cầu nguồn thu NCKH 5%, nay Trường ĐH Thương mại mới chỉ được gần 1%

Theo 3 công khai của nhà trường trong ba năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024, tỷ trọng thu từ các hoạt động NCKH trung bình chỉ đạt 0,88% trên tổng thu.

Trường Đại học Thương mại (Thuongmai University, viết tắt là TMU) là một trường đại học công lập. Thông tin từ website nhà trường cho biết, trường có sứ mạng đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế; nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức trong lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Trường đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ trở thành một đại học đa ngành theo định hướng đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững trong khu vực châu Á.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thương mại là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức; Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng.

 Khuôn viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: Mạnh Đoàn

Khuôn viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: Mạnh Đoàn

Căn cứ Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Trường Đại học Thương mại đã đăng tải báo cáo việc thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2024 vào ngày 23/2/2024.

Chưa công khai thông tin về chức danh giảng viên

Theo biểu mẫu 20A kê khai đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường trong báo cáo công khai, Trường Đại học Thương mại có tổng 493 giảng viên toàn thời gian, trong đó có 38 giảng viên có chức danh phó giáo sư và 3 giảng viên có chức danh giáo sư (tính đến ngày 23/02/2024).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện nhà trường cho biết, so với một số trường đại học khác tại Hà Nội thuộc nhóm kinh tế, đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư của Trường Đại học Thương mại được xem là đáng kể. Tuy nhiên, vị này thừa nhận rằng số lượng giáo sư, phó giáo sư của trường trong 5-10 năm gần đây không tăng nhiều. Do đó, trường đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tăng cường số lượng giáo sư và phó giáo sư trong thời gian tới.

Trước lo ngại về việc số lượng đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư tại trường chưa nhiều sẽ tạo ra thách thức cho công tác đào tạo sau đại học, đại diện trường cho hay: “Hiện nay, các ngành đào tạo sau đại học đang được đào tạo tại trường là Quản lý kinh tế, Kinh doanh thương mại, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Quản trị nhân lực và Tài chính - Ngân hàng. Các ngành này không gặp trở ngại về đội ngũ giảng viên cho chương trình đào tạo sau đại học”.

Về số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, so sánh báo cáo công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu trong hai năm học gần đây (2022-2023, 2023-2024) cho thấy, trường đã tăng từ 217 giảng viên vào năm học 2022-2023 lên 237 giảng viên vào năm học 2023-2024, tức tăng thêm 20 giảng viên.

Đáng chú ý, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ trên giảng viên toàn thời gian của trường hiện là 48.07%, vượt yêu cầu tại tiêu chí 2.3, tiêu chuẩn 2 của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

 Tổng số giảng viên toàn thời gian trong 2 năm gần nhất của Trường Đại học Thương mại.

Tổng số giảng viên toàn thời gian trong 2 năm gần nhất của Trường Đại học Thương mại.

Tiêu chí 2.3. Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ:

a) Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;

b) Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Trao đổi về điều này, đại diện nhà trường cho biết: "Nhà trường đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ tài chính cho giảng viên đăng ký học tiến sĩ và thưởng cho các nghiên cứu sinh tốt nghiệp trước hạn. Đồng thời, trường cũng đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên phải nâng cao trình độ sau 5-10 năm công tác.

Ngoài ra, trong 3-5 năm gần đây, trường cũng thay đổi cơ chế đãi ngộ đối với giảng viên và viên chức quản lý, thu hút thêm nhiều nhân tài có trình độ tiến sĩ. Nhà trường hy vọng rằng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai”.

Theo Phụ lục 20B về việc công khai thông tin danh sách chi tiết đội ngũ giảng viên cơ hữu theo khối ngành, bảng kê của Trường Đại học Thương mại hiện chỉ liệt kê hạng chức danh nghề nghiệp mà không cung cấp thông tin về chức danh giảng viên.

Trả lời về vấn đề này, đại diện nhà trường thừa nhận rằng đây là một sai sót nhỏ và sẽ nhanh chóng khắc phục. Hiện tại, nhà trường đang chỉ đạo phòng pháp chế và thanh tra rà soát lại các thông tin và sẽ bổ sung kịp thời.

 Phụ lục 20B về việc công khai thông tin danh sách chi tiết đội ngũ giảng viên cơ hữu theo khối ngành của Trường Đại học Thương Mại không có thông tin về chức danh giảng viên. Ảnh: Chụp màn hình

Phụ lục 20B về việc công khai thông tin danh sách chi tiết đội ngũ giảng viên cơ hữu theo khối ngành của Trường Đại học Thương Mại không có thông tin về chức danh giảng viên. Ảnh: Chụp màn hình

Diện tích đất/sinh viên của trường mới đạt 2,32m²

Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiêu chuẩn 3 quy định, từ năm 2030, diện tích đất bình quân trên mỗi sinh viên chính quy, quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo, không được nhỏ hơn 25m². Tuy nhiên, theo báo cáo về cơ sở vật chất năm học 2023-2024 của Trường Đại học Thương mại, diện tích đất trên mỗi sinh viên hiện chỉ đạt 2,32m², tương đương 9,28% so với chuẩn yêu cầu.

 Thông tin về diện tích đất bình quân trên mỗi sinh viên chính quy của Trường Đại học Thương mại trong báo cáo công khai. Ảnh: Chụp màn hình

Thông tin về diện tích đất bình quân trên mỗi sinh viên chính quy của Trường Đại học Thương mại trong báo cáo công khai. Ảnh: Chụp màn hình

Trước vấn đề này, lãnh đạo nhà trường cho rằng việc đáp ứng đủ diện tích đất theo tiêu chuẩn là rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh quỹ đất hạn chế tại Hà Nội. Đây là thực trạng chung của nhiều trường đại học tại các khu vực đô thị đông dân cư.

“Hiện tại, Trường Đại học Thương mại đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng một tòa nhà giảng đường đa năng mới, với hy vọng sau khi hoàn thành, diện tích đất trên mỗi sinh viên sẽ được cải thiện. Mặc dù không thể cam kết sẽ được con số chính xác như yêu cầu, nhà trường sẽ nỗ lực cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trước năm 2030. Dù biết rằng để đạt được con số 25m² là rất khó khả thi, trường vẫn hy vọng có thể nâng cao diện tích sử dụng trên mỗi sinh viên trong thời gian tới.

Bên cạnh việc mở rộng cơ sở vật chất, nhà trường cũng đang áp dụng các chương trình học trực tuyến và hệ thống quản lý học tập (LMS), giúp sinh viên có thể học tập song song trên giảng đường và tại nhà. Đây là giải pháp mà nhà trường đang thực hiện nhằm giảm tải áp lực về diện tích đất cần thiết cho mỗi sinh viên”, đại diện nhà trường cho biết.

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 3 năm gần nhất trung bình mới đạt 0,88%

Theo báo cáo công khai của nhà trường trong ba năm học gần nhất (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024), tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trung bình chỉ đạt 0,88% trên tổng thu. Con số này thấp hơn nhiều so với yêu cầu 5% của Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6 trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ.

 Thống kê chi tiết nguồn thu trong 3 năm học gần nhất của Trường Đại học Thương mại.

Thống kê chi tiết nguồn thu trong 3 năm học gần nhất của Trường Đại học Thương mại.

Cụ thể, trong năm 2021, tổng thu của nhà trường đạt 502,734 tỷ đồng, với 5,7 tỷ đồng thu từ khoa học và công nghệ, tương đương 1,13%. Năm 2022, tổng thu là 502,624 tỷ đồng, thu từ khoa học và công nghệ giảm xuống còn 3,615 tỷ đồng, tương đương 0,72%. Đến năm 2023, tổng thu tăng lên 550,138 tỷ đồng, trong khi thu từ khoa học và công nghệ đạt 4,377 tỷ đồng, tương đương 0,80%.

Trung bình trong ba năm, nhà trường thu về 4,564 tỷ đồng từ các hoạt động khoa học và công nghệ, chiếm 0,88% tổng thu.

Về vấn đề này, đại diện nhà trường chia sẻ: “Nghiên cứu luôn được Trường Đại học Thương mại xác định là một trong những mục tiêu trọng yếu. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ như mong muốn là điều rất khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan. Hiện nay, nguồn thu từ khoa học và công nghệ của trường chủ yếu đến từ các đề tài cấp bộ, cấp nhà nước và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).

Mỗi năm, trường có thể nhận khoảng 4-5 đề tài cấp bộ, nhờ vào đội ngũ giảng viên chất lượng và sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, ngân sách dành cho các đề tài này đã bị cắt giảm đáng kể. Trước đây, mỗi đề tài cấp bộ có thể nhận được từ 500-700 triệu đồng, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 300-350 triệu đồng. Các đề tài cấp nhà nước cũng trở nên khan hiếm, và hiện tại, trường đang triển khai 1-2 đề tài của NAFOSTED, với mỗi đề tài nhận được khoảng 2,5-3 tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây, Trường Đại học Thương mại cũng đấu thầu thành công 2 đề tài quốc tế trị giá 8 tỷ.

Ngoài ra, hiện nay nhà trường đang tạo ra nhiều cơ chế tốt để khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, tăng cường công bố quốc tế. Trước đây, mỗi năm trường có khoảng 30-40 bài báo quốc tế, năm nay con số này đã tăng lên hơn 100 bài. Nhà trường coi đây là mục tiêu lớn và đặt kỳ vọng sẽ đạt được thêm nhiều thành tựu quốc tế trong thời gian tới, từ đó đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học”.

Đan Thư

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuan-yeu-cau-nguon-thu-nckh-5-nay-truong-dh-thuong-mai-moi-chi-duoc-gan-1-post245169.gd