Chuẩn yêu cầu nguồn thu NCKH đạt 5% nhưng Đại học Thương mại mới tiệm cận 1%

Thông tin từ báo cáo ba công khai cho thấy, nguồn thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Thương mại chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Trường Đại học Thương mại là trường đại học công lập trực thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tin từ website nhà trường, sứ mạng là đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế; nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức trong lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2040 trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững trong khu vực Châu Á.

Chuẩn yêu cầu nguồn thu nghiên cứu khoa học 5%, trường đạt chưa đến 1%

So với báo cáo ba công khai hai năm học (2022-2023, 2023-2024), tổng thu của Trường Đại học Thương mại có sự tăng trưởng qua thời gian. Cụ thể:

Theo thông báo công khai tài chính năm 2024 của Trường Đại học Thương mại, tổng nguồn thu năm này cao nhất trong 3 năm qua, đạt 621,795 tỷ đồng, tăng 71,65 tỷ đồng, tương đương tăng 13% so với năm trước.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, tổng nguồn thu của trường có xu hướng tăng so với năm học trước đó, đạt 550,138 tỷ đồng, tăng 47,51 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 9% so với năm học 2022-2023 (502,624 tỷ đồng).

Theo số liệu trong báo cáo ba công khai các năm học, có thể thấy, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của Trường Đại học Thương mại.

Thông báo công khai tài chính năm học 2022-2023 cho thấy, tổng thu từ học phí là 472,396 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 94%). Năm học 2023-2024, tổng nguồn thu từ học phí là 505,309 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 91,8%). Năm 2024 (theo số liệu cập nhật đến tháng 6/2024), tổng nguồn thu từ học phí của Trường Đại học Thương mại là 583,932 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 93,91%).

 Tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ so với tổng thu của Trường Đại học Thương mại. Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo ba công khai.

Tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ so với tổng thu của Trường Đại học Thương mại. Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo ba công khai.

Nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác có sự biến động qua các năm. Báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 cho thấy nguồn thu này tăng 11,74 tỷ đồng (tăng 49,3%) so với báo cáo ba công khai năm học 2022-2023. Đến năm 2024 nguồn thu hợp pháp khác của trường là 28,689 tỷ đồng (giảm 6,854 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 19% so với năm học trước).

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo thông báo công khai tài chính năm học 2022-2023 là 3,615 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,72%); năm học 2023-2024 thu 4,377 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,79%); năm 2024 thu 5,403 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,86%).

Như vậy, trung bình trong ba năm, nhà trường thu về 4,465 tỷ đồng từ các hoạt động khoa học và công nghệ, chiếm 0,79% tổng thu. Có thể thấy, con số này thấp hơn khá nhiều so với yêu cầu 5% của Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6 trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ.

Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT yêu cầu, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%. Thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Thương mại cho biết, về khó khăn trong việc gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ "là tình trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục. Nghiên cứu khoa học và công nghệ luôn được nhà trường xác định là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên để đạt được tỷ lệ thu từ nghiên cứu khoa học và công nghệ như kỳ vọng là điều khá khó khăn, do nhiều nguyên nhân khách quan.

Nguồn thu liên quan đến đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp, chẳng hạn như của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp thành phố... Bên cạnh đó còn có các dự án nghiên cứu quốc tế. Song, nguồn kinh phí, ngân sách cho các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cũng đã bị cắt giảm đáng kể".

Theo đại diện Trường Đại học Thương mại, việc gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một trong những thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Thương mại cũng có những giải pháp, lộ trình để nỗ lực cải thiện vấn đề này.

"Để có được nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và công nghệ thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng đội ngũ. Trường Đại học Thương mại luôn có các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Nhà trường cũng tăng cường phát triển hoạt động khoa học công nghệ, có chính sách khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu… phù hợp với điều kiện thực tế của trường", vị đại diện chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, theo thông tin vị đại diện nhà trường cung cấp, hiện, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đã đạt hơn 47%, tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu và thực hiện dự án nghiên cứu quốc tế. Ngoài ra, trường cũng đang tích cực đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút thêm nguồn lực cho các dự án, mặc dù việc này yêu cầu thời gian và lộ trình chuẩn bị.

Diện tích đất/sinh viên mới đạt 4,01m2

Tiêu chí 6.2, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định: Số lượng công bố khoa học và công nghệ trung bình trên mỗi giảng viên toàn thời gian không được thấp hơn 0,6 bài/năm (đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, không phải trường đào tạo ngành đặc thù), trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (với tính trọng số theo lĩnh vực) phải đạt ít nhất 0,3 bài/năm.

Đối với tiêu chuẩn này, đại diện Trường Đại học Thương mại thông tin: "Số công bố khoa học/giảng viên của Trường Đại học Thương mại đạt 1,6; Số công bố WoS, Scopus/giảng viên đạt 0,6 bài. Như vậy nhà trường vượt chuẩn đối với tiêu chí 6.2".

Vị này cũng chia sẻ thêm, nhà trường luôn luôn khuyến khích giảng viên, nhà nghiên cứu đăng bài trên các tạp chí quốc tế uy tín. Kèm theo đó là những chính sách chi thưởng, áp dụng định mức công bố bằng ngưỡng Chuẩn.

Về chính sách thưởng, Trường Đại học Thương mại sẽ có các nhóm khác nhau, tùy theo từng đề tài, tạp chí (nhà xuất bản) cũng như chỉ số trích dẫn, chỉ số ảnh hưởng...

Theo Tiêu chí 3.1, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2. Trong đó, hệ số vị trí của khuôn viên bằng 2,5 đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và bằng 1 đối với các khu vực còn lại.

Theo biểu mẫu công khai thông tin về cơ sở vật chất năm 2024 của Trường Đại học Thương mại, diện tích đất/ sinh viên có tỷ lệ là 4,01m2.

Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Thương mại chia sẻ, tiêu chuẩn về diện tích đất không nhỏ hơn 25m2/sinh viên là một bài toàn khó để đạt được, đặc biệt là đối với những cơ sở giáo dục đại học ở nội đô.

Hiện, Trường Đại học Thương mại đang trong quá trình xây dựng một tòa nhà giảng đường đa năng mới. Nhà trường hy vọng sau khi hoàn thành, tiêu chí về diện tích đất trên mỗi sinh viên sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó, đại diện Trường Đại học Thương mại cũng bày tỏ sự đồng tình với giải pháp cho phép trường đại học áp dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung. Việc này vừa giúp các trường phần nào "gỡ khó" tiêu chí về diện tích đất, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả, hiệu năng sử dụng, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên cho xã hội.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu: "...chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật".

Tuệ Nhi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuan-yeu-cau-nguon-thu-nckh-dat-5-nhung-dai-hoc-thuong-mai-moi-tiem-can-1-post250192.gd