Chứng chỉ hành nghề không làm khó thầy cô giáo

Tại tọa đàm về dự án Luật Nhà giáo diễn ra chiều 17-5 do Bộ GD-ĐT tổ chức, lãnh đạo bộ đã giải đáp nhiều vấn đề mà xã hội, nhất là 1,6 triệu thầy cô giáo, đang quan tâm.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Một trong những vấn đề Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi là về Chứng chỉ hành nghề của nhà giáo.

Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, người được cấp phải có kiến thức chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy, đây là 3 yếu tố cốt lõi.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm

Cũng theo ông Đức, có hai nguồn để trở thành giáo viên: sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm; người tốt nghiệp trường khác đạt trình độ đào tạo theo quy định và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì được tuyển dụng làm nhà giáo. Các đối tượng trên đều phải thực hiện tập sự trong thời gian 1 năm, sau đó được đánh giá, nếu hoàn thành việc thực tập thì được cơ quan tuyển dụng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, Chứng chỉ nhà giáo không phải là để gây khó khăn cho giáo dục, mà là để phát triển đội ngũ, có cơ hội để mở rộng nghề nghiệp của mình.

Thực tế hiện nay, có nhiều người “tự xưng” là thầy cô giáo, dạy học trên mạng; hoặc có những thầy cô giáo không thuộc biên chế của cơ sở giáo dục nào nhưng đang dạy tại các trung tâm, vậy những đối tượng này có được cấp Chứng chỉ hành nghề? Theo ông Đức, có thể sẽ thí điểm để cấp Chứng chỉ hành nghề cho một số trường hợp thuộc diện này, nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Với nhà giáo 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, cơ sở giáo dục báo lên cấp trên quản lý trực tiếp và báo cáo cơ quan cấp giấy phép hành nghề. Trên cơ sở đó, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có thể thu hồi giấy phép.

Về chính sách tiền lương, ông Đức cho biết, dự thảo luật đề xuất: tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người. Cho nên đề xuất này phù hợp và cũng không phải là yêu cầu quá cao. Cũng theo ông Đức, đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ được thực hiện từ 1-7-2024. Nghề giáo là một trong số ít nghề được hưởng phụ cấp theo nghề cao nhất. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, lương nhà giáo chắc chắn cao hơn hiện tại.

Ông Đức nhấn mạnh, kể cả người tốt nghiệp sư phạm và người chưa tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề cần có một quá trình đào tạo, tạm gọi là đào tạo nghề. Đối với những nội dung đào tạo nghề, cấu trúc của mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được giảng dạy trong trường đại học. Nếu là sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm tham gia khóa đào tạo nghề, thì những nội dung đã được đào tạo trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm sẽ không phải học và sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nghề để có thể sớm được cấp Chứng chỉ hành nghề. Như vậy, có sự phân biệt giữa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và không tốt nghiệp các trường sư phạm trong quá trình để cấp Chứng chỉ hành nghề.

“Những yêu cầu mà dự thảo luật đưa ra với thầy cô giáo đều là những yêu cầu nhằm bảo đảm chất lượng nhà giáo, sẽ không gây khó khăn và rào cản gì với nhà giáo”, ông Đức cho biết.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chung-chi-hanh-nghe-khong-lam-kho-thay-co-giao-post740366.html