Chứng chỉ hành nghề luật sư nên có giá trị suốt đời

Các luật sư đều không đồng tình với đề xuất bổ sung quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề bởi có thể gây khó khăn cho luật sư khi hành nghề; đồng thời ảnh hưởng quyền được bảo vệ của khách hàng.

Vừa qua, PLO có đăng tải bài "Chứng chỉ hành nghề luật sư: Tại sao phải có thời hạn 5-10 năm mà không suốt đời?". Bài viết ghi nhận ý kiến của các luật sư xung quanh đề xuất bổ sung quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định (Điều 17 dự thảo Luật Luật sư sửa đổi).

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về "thời hạn có giá trị của chứng chỉ hành nghề luật sư là 5 năm hoặc 10 năm". Quy định này vừa bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế vừa sàng lọc đội ngũ luật sư, bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp luật sư; đồng thời sẽ giúp cơ quan quản lý rà soát, tránh hiện tượng luật sư “ảo” - không hành nghề.

PLO ghi nhận thêm ý kiến của các luật sư xung quanh đề xuất này, nhằm làm rõ tính cần thiết của một quy định liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của giới luật sư.

 Các luật sư đang hoạt động nghề nghiệp tại TAND TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Các luật sư đang hoạt động nghề nghiệp tại TAND TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Mầm mống phát sinh tiêu cực

Cơ quan soạn thảo cho rằng bổ sung quy định về thời hạn có giá trị của chứng chỉ hành nghề luật sư là để bảo đảm phù hợp "thông lệ quốc tế".

 Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Tuy nhiên, tôi không rõ “thông lệ quốc tế” là của các nước nào. Vì một số nước như Nhật, Anh, Hàn Quốc, Đức… đều không có quy định này.

Quy định này từng được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến khi soạn thảo Pháp lệnh Luật sư năm 2001 nhưng đã không được chấp nhận.

Tôi không rõ thế nào là luật sư “ảo". Trong khi đó, việc sàng lọc đội ngũ luật sư đã được Luật Luật sư hiện hành quy định cụ thể trong việc xử lý kỷ luật luật sư, các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. Ngoài ra, việc bổ sung quy định thời hạn hiệu lực của chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đối với hoạt động hành nghề luật sư, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và đối với khách hàng; đồng thời là mầm mống phát sinh tiêu cực như nhiều luật sư đã có ý kiến.

Luật sư NGUYỄN VIỆT HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Tạo thêm việc không đáng cho luật sư

 Luật sư Nguyễn Việt Hùng

Luật sư Nguyễn Việt Hùng

Luật sư là chức danh nghề nghiệp, không phải chức vụ trong cơ quan nhà nước nên không cần thiết phải quy định thời hạn để được hành nghề.

Mặt khác, quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề gây khó khăn trong việc hành nghề, đặc biệt đối với luật sư hành nghề tranh tụng. Các vụ án thường kéo dài nhiều năm, đi lại tới lui nhiều lần nên nếu phải lo thêm việc để ý đến hiệu lực của chứng chỉ hành nghề thì rất phiền hà; chưa tính đến khó khăn trong việc đi gia hạn chứng chỉ.

Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là để phù hợp với sự phát triển của xã hội, tạo thuận lợi cho việc hành nghề của luật sư. Tuy nhiên, trường hợp quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư lại đi ngược với tinh thần này, tạo thêm việc không đáng cho luật sư trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Luật sư NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

 Luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Cần tạo thuận lợi để luật sư hành nghề

Hiện nay, số lượng luật sư tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo; hay luật sư bảo vệ cho bị hại trong các vụ án hình sự vẫn còn rất thấp.

Do đó chứng chỉ hành nghề luật sư nên có giá trị suốt đời. Bởi nếu bị giới hạn về thời hạn có giá trị của chứng chỉ hành nghề thì sẽ khiến chúng tôi gặp khó khi làm việc với khách hàng và với cơ quan tố tụng.

Thực tế có nhiều vụ án kéo dài do phía các cơ quan tố tụng bởi tính chất phức tạp của từng vụ việc khác nhau; có những vụ án kéo dài hàng chục năm trời. Trong quá trình đó, nếu luật sư bị "quá hạn" hành nghề thì phải tạm ngưng để đi bổ sung giấy tờ. Quá trình xin gia hạn còn phụ thuộc vào thủ tục của Sở Tư pháp, ra giấy sớm hay trễ...

Do đó, theo tôi, không cần thiết bổ sung quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề nhằm tạo sự thuận lợi để các luật sư có thể bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng. Không bị giới hạn về thời hạn của chứng chỉ hành nghề, luật sư sẽ có thời gian hơn trong việc thực hiện chức năng nghế nghiệp, đó là: "bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan; đóng góp vào việc bảo vệ sự độc lập của tư pháp, bảo vệ công lý, công bằng và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam".

Luật sư LÊ VĂN PHIẾN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Quy định không hợp lý!

Thứ nhất, một trong những điều kiện để trở thành luật sư đó là phải có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Luật sư Lê Văn Phiến, Đoàn Luật sư TP.HCM

Khi đáp ứng đủ các điều kiện thì mới được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ này không phải là kết quả từ một khóa học ngắn hạn như các chứng chỉ khác. Do đó, không thể quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5-10 năm được.

Thứ hai, một vụ án của khách hàng có thể kéo dài 10 năm, 20 năm. Việc quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ gây trở ngại cho luật sư khi hành nghề; có thể khách hàng sẽ bị luật sư "bỏ rơi" vì lý do chứng chỉ hành nghề hết hạn.

Thứ ba, nhà nước quản lý luật sư bằng nhiều cách. Điển hình chúng ta đã có Luật Luật sư, ai vi phạm thì cứ thế mà xử lý theo quy định. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới cũng không quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề luật sư.

TRẦN LINH - YẾN CHÂU - NGUYỄN CHÍNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chung-chi-hanh-nghe-luat-su-nen-co-gia-tri-suot-doi-post792691.html