Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Đầu tư lớn của sinh viên cho lợi thế nghề nghiệp
Dù biết các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS và TOEIC đòi hỏi chi phí cao và không dễ để đạt kết quả tốt, nhiều sinh viên vẫn quyết định đầu tư nhằm tăng cường cơ hội trong học tập và nghề nghiệp.
Chấp nhận chi phí cao để đầu tư cho tương lai
Vũ Ngọc Mai, sinh viên năm 3, Học viện tài chính, chia sẻ rằng việc theo học TOEIC đã “ngốn” của nữ sinh một khoản tiền không nhỏ nhưng mang lại nhiều giá trị. Theo Mai, việc thi lấy chứng chỉ quốc tế giúp cô nàng cải thiện trình độ tiếng Anh một cách toàn diện, đặc biệt là kỹ năng Đọc và Nghe - hai kỹ năng quan trọng giúp sinh viên tiếp cận nhiều tài liệu học thuật và nghiên cứu quốc tế.
Mai bắt đầu học TOEIC từ năm 2 đại học và đã dành không ít thời gian, công sức lẫn tiền bạc cho các khóa học tại trung tâm. Theo nữ sinh, mỗi khóa học thường có chi phí từ 3-5 triệu đồng, và càng muốn nâng cao trình độ thì chi phí càng cao. Nhưng nhờ vào kỹ năng tiếng Anh được cải thiện rõ rệt, Mai không chỉ học tập tốt hơn mà còn tìm được các cơ hội thực tập tốt ở những công ty nước ngoài, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giao tiếp.
“Mình thấy việc học chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tuy đắt nhưng đáng giá. Mình không chỉ sử dụng chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp mà còn dùng để tăng cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Dù học bất kỳ chứng chỉ nào cũng được, miễn là nghiêm túc, nhưng mình vẫn chọn IELTS vì chứng chỉ này được công nhận rộng rãi,” Mai chia sẻ.
Nguyễn Minh An, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng cậu đã quyết định học và thi TOEIC thay vì sử dụng bài thi tiếng Anh nội bộ của trường để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp. An nhận thấy rằng dù chi phí học TOEIC cao hơn, nhưng chứng chỉ này có thể sử dụng khi xin việc ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có yếu tố quốc tế, thay vì chỉ phục vụ cho mục đích tốt nghiệp.
Nam sinh nhấn mạnh rằng chứng chỉ TOEIC sẽ giúp bản thân ghi điểm với nhà tuyển dụng hơn so với chứng chỉ tiếng Anh nội địa. An lý giải: “Dù các chứng chỉ tiếng Anh trong nước có chi phí thấp hơn và dễ đạt yêu cầu hơn, mình tin rằng với TOEIC, mình có thể dễ dàng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng vì đây là chứng chỉ có tính công nhận quốc tế, đặc biệt phổ biến trong các tập đoàn đa quốc gia.”
Ngoài ra, theo An, các doanh nghiệp thường yêu cầu người lao động có khả năng tiếng Anh tốt để phục vụ cho các dự án quốc tế. Việc có chứng chỉ TOEIC với điểm số cao sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chàng trai trẻ khi ứng tuyển vào các vị trí công việc sau này.
Sự khác biệt giữa chứng chỉ quốc tế và nội địa
Lê Thùy Linh, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ trải nghiệm của mình khi học và thi VSTEP, chứng chỉ tiếng Anh nội địa của Việt Nam nhằm đủ điều kiện tốt nghiệp. Dù đã đạt được chứng chỉ bậc 4 của VSTEP, Linh cho rằng nếu muốn học lên cao hoặc làm việc ở các công ty nước ngoài, cô nàng sẽ cần một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC hoặc TOEFL.
Theo Linh, bài thi VSTEP có cấu trúc đơn giản hơn so với các chứng chỉ quốc tế, đặc biệt là ở các phần Nghe và Đọc. Trong khi đó, với các chứng chỉ quốc tế, phần Nghe thường có tốc độ nói nhanh hơn và đề thi yêu cầu người học nắm bắt được các chủ đề học thuật phức tạp như khoa học, thiên văn và kinh tế.
Ngoài sự khác biệt về độ khó, Linh nhận thấy các chứng chỉ quốc tế cũng có tính công nhận cao hơn, phù hợp cho những người muốn tìm kiếm cơ hội du học hoặc làm việc trong môi trường quốc tế. "Các chứng chỉ nội địa như VSTEP đủ để ra trường, nhưng nếu mình muốn có một chứng chỉ tiếng Anh có giá trị quốc tế thì chắc chắn mình phải đầu tư học thêm IELTS hoặc TOEFL," Linh chia sẻ.
Học và thi chứng chỉ quốc tế: Khó nhưng xứng đáng
Trần Thu Trang, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, nhận định rằng học các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không chỉ đắt đỏ mà còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian. Cô nàng cho biết mình đã theo học IELTS hơn một năm và nhận thấy rằng ngoài việc thông thạo bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết, người học cần có hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau để đạt điểm cao.
Trang chia sẻ rằng để đạt được mức điểm IELTS 7.5, nữ sinh phải học thêm từ vựng chuyên ngành về kinh tế, khoa học, và xã hội. Điều này giúp Trang có tư duy nhạy bén hơn khi đọc hiểu các chủ đề khó và đồng thời có khả năng giao tiếp chuyên sâu hơn trong các tình huống học thuật hoặc công việc.
“Dù học IELTS vừa tốn tiền vừa khó, mình nghĩ kết quả sẽ xứng đáng. Nếu bạn chỉ cần chứng chỉ để tốt nghiệp, bạn có thể chọn thi các chứng chỉ nội địa. Nhưng nếu bạn cần chứng chỉ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, mình nghĩ đầu tư vào các chứng chỉ quốc tế sẽ tốt hơn,” Trang chia sẻ.
Bên cạnh đó, xu hướng tuyển dụng hiện nay cho thấy các công ty đa quốc gia có xu hướng ưu tiên những ứng viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, bởi điều này chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn ngữ ở mức độ chuyên nghiệp và có tính quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Hiển, giám đốc điều hành của một công ty liên kết nước ngoài tại Lương Yên, Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao những ứng viên có chứng chỉ IELTS hoặc TOEIC với điểm số tốt vì họ có khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh, giao tiếp trôi chảy với đối tác nước ngoài. Đối với các ứng viên chỉ có chứng chỉ tiếng Anh trong nước, chúng tôi thường phải kiểm tra thêm năng lực ngôn ngữ của họ để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng công việc.”
Việc chọn học và thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay nội địa là quyết định quan trọng đối với sinh viên. Mỗi chứng chỉ đều có những lợi ích và hạn chế riêng, phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau. Với những ai có nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong môi trường quốc tế, các chứng chỉ như IELTS, TOEIC hay TOEFL sẽ là khoản đầu tư đáng giá. Ngược lại, nếu mục tiêu là đáp ứng chuẩn tốt nghiệp, các chứng chỉ nội địa như VSTEP vẫn là lựa chọn tiết kiệm và hiệu quả.
Dù lựa chọn thế nào, sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng, xác định rõ mục tiêu học tiếng Anh của mình để có thể đạt được những thành tựu mong muốn trong tương lai.