Chứng khoán 29/9: Khối ngoại xả hàng, Dragon Capital vẫn đổ tiền vào mua 1 mã

Hôm nay (29/9), thị trường đảo chiều lấy lại thế cân bằng vào phút cuối nhưng khối ngoại vẫn xả hàng khi giá trị nước ngoài bán ròng lên đến hơn 500 tỷ. Tuy nhiên, vẫn có 1 mã cổ phiếu được khối ngoại mạnh tay mua vào.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 500 tỷ đồng, họ nhà Vin đảo chiều gồng chỉ số

Kết phiên hôm nay, VN-Index đảo chiều phút cuối tăng 1,72 lên mốc 1.154,15 điểm, tương đương 0,15%. Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục lập đáy mới khi toàn phiên chỉ đạt gần 14 nghìn tỷ. Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng hơn 500 tỷ. CTG là mã bị xả nhiều nhất với giá trị gần 90 tỷ, tiếp theo là VCI hơn 76 tỷ, HPG hơn 51 tỷ.

Trái ngược với phiên hôm qua, họ nhà Vin bao gồm VIC và VHM trở thành đầu tàu kéo chỉ số khi cống hiến thêm 3 điểm. Ngoài ra, các cổ phiếu tích cực đóng góp vào mức tăng của chỉ số còn có VPB, FRT... Ở chiều ngược lại, CTG, VCB và GAS lại là các cổ phiếu kéo chỉ số xuống.

Toàn thị trường có 446 mã tăng giá, 307 mã giảm giá và 754 mã đứng giá.

Toàn thị trường có 446 mã tăng giá, 307 mã giảm giá và 754 mã đứng giá.

Cổ phiếu nhà Vingroup khởi sắc trở lại trong ngày mẫu VF6 thuộc phân khúc SUV/CUV hạng B chính thức ra mắt thị trường Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, mẫu xe sẽ được mở đặt cọc vào ngày 20/10 và bắt đầu bàn giao cho khách hàng vào tháng 11/2023. Điều này sẽ giúp củng cố thêm vào kết quả kinh doanh của VinFast Auto Ltd. (Nasdaq: VFS), công ty thành viên của Vingroup. Kết phiên, cổ phiếu VIC tăng 4,11% lên 46.850 đồng/cp. VHM tăng 2,25% lên 45.500 đồng/cp.

Bất động sản hôm nay cũng là nhóm tích cực nhất với dòng tiền mua vào mạnh mẽ nhất. NVL, DIG, CEO đều tăng hơn 2%, đặc biệt HUT tăng hơn 6%, VPH, LHG và VC2 còn tăng trần.

Nhóm sản xuất máy móc có 1 mã tăng trần là NHH, nhưng cũng đóng góp 2,51% vào chỉ số tăng. Ngoài ra, sau nhiều ngày mưa lớn, các cổ phiếu thủy điện cũng tăng trần theo, điển hình có mã S4A, TMP, ngoài ra các mã khác cũng đều tăng nhẹ.

Top 10 cổ phiếu tăng nhiều nhất trên sàn HOSE

Top 10 cổ phiếu tăng nhiều nhất trên sàn HOSE

Kết phiên, toàn thị trường có 446 mã tăng giá, 307 mã giảm giá và 754 mã đứng giá.

Bất chấp FRT thua lỗ, Dragon Capital vẫn mạnh tay gom vào

Mới đây, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital thông báo đã tiếp tục mua thêm 490.000 cổ phiếu Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã CK: FRT) để nâng sở hữu từ 8,65%, lên 9,01% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 390.000 cổ phiếu và quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 100.000 cổ phiếu.

FRT tăng gần 33% sau 1 quý

FRT tăng gần 33% sau 1 quý

Trước đó, ngày 14/9, Hanoi Investments Holdings Limited thuộc nhóm quỹ Dragon Capital cũng vừa mua thêm 175.200 cổ phiếu FRT. Bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm.

Về hoạt động kinh doanh, tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023, FPT Retail ghi nhận lợi nhuận âm 212,68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216,13 tỷ đồng. Giải trình về nguyên nhân kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, lãnh đạo FPT Retail cho biết, mặc dù trong kỳ công ty con là Công ty CP Dược phẩm Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý II/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn công ty, nhưng lợi nhuận của Long Châu chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ.

Trong năm 2023, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, thế nhưng mức lợi nhuận này giảm mạnh 51% so với 2022. Tuy vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 198,3 tỷ đồng, FPT Retail vẫn còn cách rất xa kế hoạch lãi năm 2023.

Mặc dù kết quả kinh doanh không tốt, nhưng trên thị trường, cổ phiếu FRT vẫn ghi nhận đà tăng giá tích cực. Trong vòng 1 quý, từ ngày 30/6-29/9/2023, cổ phiếu FRT của FPT Retail đã tăng gần 33%, từ 67.000 đồng lên 89.000 đồng/cp.

Hương Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-29-9-khoi-ngoai-xa-hang-dragon-capital-van-do-tien-vao-mua-1-ma.html