Chứng khoán BIDV (BSI) chuẩn bị chia cổ tức, tăng vốn thêm 10%
Chứng khoán BIDV (mã cổ phiếu BSI) sẽ phát hành thêm hơn 22,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%; qua đó, nâng vốn điều lệ lên mức gần 2.454 tỷ đồng.
HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (mã cổ phiếu BSI - sàn HoSE) vừa qua đã có thông báo ngày 11/06 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Theo đó, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu BSI sẽ được nhận 01 cổ phiếu mới.
Dự kiến Chứng khoán BIDV sẽ cần phát hành thêm hơn 22,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt này. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3/2025.
Sau đợt chia cổ tức này, vốn điều lệ của Chứng khoán BIDV sẽ tăng thêm hơn 223 tỷ đồng, đạt gần 2.454 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Chứng khoán BIDV cho biết toàn bộ số vốn tăng thêm sẽ được dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chứng khoán BIDV cho biết đã có sự chuẩn bị kỹ lượng về sản phẩm, công nghệ, nhân lực để đón đầu cơ hội mới khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.
Xét về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2025, Chứng khoán BIDV ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 337 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng tới 47%, khiến lợi nhuận trước thuế của công ty giảm 41,5%, còn khoảng 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của công ty tăng gần 18% so với quý 1/2024, đạt xấp xỉ 6.199 tỷ đồng.
Năm nay, Chứng khoán BIDV lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 560 tỷ đồng, tăng 9% so với mức thực hiện năm 2024. Như vậy, công ty đã hoàn thành gần 18% mục tiêu lãi cả năm sau quý đầu tiên.
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra hồi giữa tháng 4/2025, ban lãnh đạo Chứng khoán BIDV cho biết, bên cạnh việc duy trì sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh, chiến lược kinh doanh của công ty sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính, mở rộng nguồn vay vốn nước ngoài đáp ứng cho nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng kênh phân phối và đa dạng hóa sản phẩm, cũng như mở rộng quy mô tài sản sinh lời thông qua tăng dư nợ cho vay và quy mô đầu tư các tài sản sinh lời trên cơ sở quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn vốn.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tăng cường quản trị nội bộ và tối ưu mảng tự doanh, với việc tập trung vào trái phiếu ngân hàng thương mại lớn và các doanh nghiệp thuộc nhóm A.
Ban lãnh đạo Chứng khoán BIDV cũng khẳng định công ty đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng cơ hội mới khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Cụ thể, về sản phẩm, công ty chuẩn bị nền tảng công nghệ để đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, phát triển các sản phẩm phái sinh, sản phẩm có cấu trúc mới và các sản phẩm/dịch vụ dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về công nghệ, công ty đã đầu tư vào hệ thống mới có khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn hơn và có khả năng mở rộng không giới hạn. Ngoài ra, công tác nhân sự cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, ban lãnh đạo Chứng khoán BIDV cho biết.
Trước lo ngại của cổ đông về tác động của các chính sách thuế quan mới trên toàn cầu, ban lãnh đạo Chứng khoán BIDV cho biết công ty sẽ tập trung nguồn lực hơn để phân tích tác động của các chính sách mới đến từng ngành và từng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.
Tại Đại hội, ban lãnh đạo Chứng khoán BIDV cũng đề cập đến kế hoạch hợp tác với cổ đông chiến lược Hana Securities (Hàn Quốc) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, và kế hoạch hợp tác với Edmond de Rothschild (Thụy Sĩ) để hướng tới góp vốn, liên doanh thành lập công ty quản lý quỹ cũng có những bước tiến.
Trong đó, Hana Securities là thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana - một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất tại Hàn Quốc với mạng lưới toàn cầu rộng lớn 208 chi nhánh trên 25 quốc gia trên thế giới. Về phía Edmond de Rothschild, đây là định chế tài chính lớn hàng đầu thế giới, quản lý khối tài sản gần 180 tỷ USD, với 2.500 nhân viên và 30 địa điểm trên toàn thế giới.