Làn sóng chia cổ tức bằng tiền mặt lan rộng
Theo thống kê, trong tuần giao dịch từ ngày 26/5 đến 30/5, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến làn sóng chia cổ tức rầm rộ với tổng cộng 50 doanh nghiệp công bố lịch chốt quyền nhận cổ tức. Đáng chú ý, có tới 41 doanh nghiệp lựa chọn chi trả bằng tiền mặt - một tín hiệu tích cực cho thấy sức khỏe tài chính đang cải thiện đáng kể tại nhiều đơn vị, đặc biệt là sau mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2025.

Tâm điểm của đợt chia cổ tức lần này là CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) là một cái tên quen thuộc trong danh sách các doanh nghiệp “mạnh tay” chi trả lợi nhuận. HGM sẽ chi trả cổ tức đợt 3 năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 88%, tương đương 8.800 đồng/cổ phiếu. Với hơn 12,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền HGM dự kiến chi trả gần 111 tỷ đồng, trong đó riêng SCIC - cổ đông nắm giữ 46,6% vốn, sẽ nhận về hơn 52 tỷ đồng.
Tính cả ba đợt, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt của HGM trong năm 2024 lên tới 138%, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, vượt qua kỷ lục 120% từng lập năm 2012. Đây không chỉ là sự tưởng thưởng cho cổ đông mà còn là minh chứng cho năng lực tài chính vững mạnh và chính sách duy trì dòng tiền lành mạnh của doanh nghiệp.
Bình luận về xu hướng này, chuyên gia tài chính Trần Hoàng Nam nhận định: “Việc nhiều doanh nghiệp lựa chọn trả cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ cao như HGM, CCV hay DVP cho thấy hoạt động kinh doanh ổn định, dòng tiền tốt và ít chịu áp lực đầu tư mở rộng quy mô quá lớn. Đây là yếu tố giúp cổ phiếu các doanh nghiệp này trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư giá trị, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp”.
Bên cạnh HGM, một loạt doanh nghiệp khác cũng nổi bật với tỷ lệ cổ tức cao như: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (CCV) chi trả cổ tức 46,3% bằng tiền mặt, tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Cảng Đình Vũ (DVP) chia cổ tức đợt 2 với tỷ lệ 40%, tương đương 160 tỷ đồng. Cộng với đợt chia 30% trước đó, DVP đã hoàn thành 70% kế hoạch cổ tức tiền mặt cho năm 2024.
Không kém cạnh, CTCP Thủy điện Quế Phong (QPH) cũng sẽ chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 40%, tương đương hơn 74 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn là Điện lực Trung Sơn sở hữu 85% vốn sẽ thu về khoảng 63 tỷ đồng. Ngoài ra, CTCP Cấp nước Trà Nóc - Ô Môn (TOW) cũng chốt quyền nhận cổ tức với tỷ lệ 30,5%, tổng giá trị chi trả gần 24 tỷ đồng.
Tính toàn cảnh, nhiều doanh nghiệp trong danh sách lần này đều hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống như khoáng sản, xây dựng, cảng biển, điện, cấp nước - những ngành có đặc thù tạo dòng tiền ổn định. Cũng theo chuyên gia Trần Hoàng Nam, điều này “cho thấy các doanh nghiệp giá trị, có mô hình kinh doanh bền vững đang quay lại là điểm đến đầu tư dài hạn hấp dẫn. Đặc biệt trong chu kỳ lạm phát kiểm soát và thanh khoản thị trường đang được cải thiện”.
Bên cạnh hình thức chi trả bằng tiền mặt, vẫn có những doanh nghiệp chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc kết hợp các hình thức để tăng vốn điều lệ mà vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu. Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 6%, tương đương phát hành thêm hơn 36,5 triệu cổ phiếu mới. CTCP Container Miền Trung (VSM) thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:3 và thực hiện quyền mua phát hành thêm tỷ lệ 5:1. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (NHA) chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1. CTCP Thực phẩm Bích Chi (BCF) trả cổ tức đợt 3 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:12.
Đáng chú ý, danh sách doanh nghiệp trả cổ tức lần này cũng ghi nhận sự góp mặt của nhiều cái tên vừa và nhỏ như: CTCP Kinh doanh Khí miền Nam (PGS) với tỷ lệ 20%, CTCP Lilama 10 (L10) 15%, hay CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây (PTH) 9%.
Sự sôi động của mùa chia cổ tức hiện tại không chỉ mang lại nguồn thu hấp dẫn cho nhà đầu tư, mà còn phản ánh niềm tin tích cực vào nội lực của doanh nghiệp Việt sau một năm đầy biến động. Đây cũng là “cú hích” giúp gia tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong bối cảnh chỉ số VN-Index đang duy trì đà tăng vững chắc quanh mốc 1.300 điểm.
“Nhà đầu tư có thể xem xét nắm giữ dài hạn các cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức đều đặn, đặc biệt là nhóm ngành hạ tầng, tiện ích và khoáng sản. Những cổ phiếu này không chỉ tạo dòng tiền ổn định mà còn có tính phòng thủ cao trong giai đoạn thị trường biến động”, chuyên gia Trần Hoàng Nam kết luận.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/lan-song-chia-co-tuc-bang-tien-mat-lan-rong-164740.html