Chứng khoán bùng nổ, có nên xuống tiền mua cổ phiếu lúc này?
Kết phiên 5/12, VN-Index tăng 27,12 điểm lên 1.267,53 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong vòng hơn 3 tháng kể từ ngày 16/8 đến nay.
Sau phiên mất gần 10 điểm hôm qua, lực cầu nhập cuộc dứt khoát trong phiên chiều giúp VN-Index bốc đầu tăng cận mốc 1.270 điểm, sắc tím nở rộ trên bảng điện tử.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/12, VN-Index tăng 27,12 điểm, tương đương 2,19% lên 1.267,53 điểm. Toàn sàn có 347 mã tăng và 55 mã giảm, 50 mã đứng giá.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong vòng hơn 3 tháng kể từ ngày 16/8. Con số 2,19% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất Châu Á trong phiên 5/12.
Dòng tiền cũng nhận được sự đồng thuận khi tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay ở mức 23.571 tỷ đồng, tăng 66% so với hôm qua, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 21.041 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 9.309 tỷ đồng.
Vì sao VN-Index bật tăng mạnh?
Nói về diễn biến trong phiên hôm nay, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc điều hành CTCK DSC chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, sự hưng phấn đến từ thông tin rộ lên trong giới đầu tư về bước tiến mới của quá trình nâng hạng.
"Nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn là chủ đề lớn, kích hoạt dòng tiền của năm nay. Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 68 về các giải pháp không yêu cầu nạp tiền trước cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, có hiệu lực từ đầu tháng 11 vừa qua. Việc các nhà đầu tư đón nhận thay đổi quy định này như thế nào sẽ là yếu tố quan trọng để tiến thêm một bước trong quá trình nâng hạng", ông Huy đánh giá.
Theo chuyên gia từ DSC, việc không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ký quỹ nhằm giảm gánh nặng về vốn và rủi ro tỉ giá hối đoái cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong kịch bản tích cực nhất, FTSE có thể xem xét khả năng nâng hạng thị trường Việt Nam vào tháng 9/2025.
Bên cạnh đó, thông thường tháng 12 là tháng có tỉ suất lợi nhuận tốt trong 10 năm gần đây, chỉ có năm 2014 và 2018 là thị trường giảm điểm trong tháng 12.
Đồng quan điểm với ông Huy, ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhìn nhận, một trong những nguyên nhân giúp thị trường đột ngột tăng điểm là việc xuất hiện thông tin (chưa chính thức) khả năng đại diện FTSE Russell có mặt tại Việt Nam và gặp một số đơn vị lưu ký và môi giới cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chính vì vậy, những cổ phiếu chứng khoán dự kiến được hưởng lợi như HCM, SSI, VCI đều tăng trần mạnh mẽ và tạo ra hiệu ứng lôi kéo dòng tiền lan tỏa sang các mã và nhóm ngành khác đặc biệt là những nhóm ngành lớn như ngân hàng và bất động sản.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài quay đầu mua ròng mạnh mẽ cũng là điểm nhấn giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường.
Tránh mua đuổi giá
Theo ông Hoàng, với việc VN-Index vượt kháng cự 1.260 điểm, thị trường có thể thu hút dòng tiền tham gia mạnh mẽ trở lại, xác nhận được "đáy hai" và tiếp tục tiến đến những vùng kháng cự cao hơn quanh mốc 1.290 - 1.300 điểm.
Tuy nhiên, khi VN-Index chưa vượt được vùng 1.300 điểm, thì tính chất của thị trường vẫn là đi ngang tích lũy với đặc trưng là dòng tiền yếu, tính chất phân hóa cao.
Vì vậy, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỉ trọng tiền mặt và cổ phiếu ở mức hợp lý 50 – 50, không dùng tiền vay và ưu tiên những nhóm ngành, cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt với định giá ở mức hợp lý như Bất động sản khu công nghiệp, Xuất khẩu, Đầu tư công, Thép, Ngân hàng.
Khi dòng tiền thị trường yếu, luân chuyển nhanh với biên tăng giá nhỏ thì ông Hoàng khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi giá. Thay vào đó, ưu tiên mua trong những thời điểm thị trường và cổ phiếu điều chỉnh về những vùng hỗ trợ mạnh.
Bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng phòng Phân tích FiinGroup đánh giá, hiện mặt bằng định giá đang ở mức tương đương trung bình 5 năm. Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dù đang trên đà hồi phục, song định giá "trả" cho giai đoạn tăng trưởng cao.
Từ đó, bà Vân đưa ra một vài nhóm ngành tiềm năng trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhóm ngân hàng hiện tăng trưởng lợi nhuận chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi sẵn có. Trong khi đó, ngành ngân hàng có thể hưởng lợi từ đầu tư tư nhân và tín dụng tăng trở lại. Mặt khác, nhóm ngân hàng cũng đang có mặt bằng định giá khá thấp, tương đương trung bình 5 năm và trung vị.
"Còn nhiều lo ngại với Thông tư 02 không được gia hạn tiếp, song với nợ xấu đang ở quanh mức đỉnh trong khi nhiều ngân hàng cũng đang tích cực trích lập dự phòng, kỳ vọng tín dụng tăng trở lại và mặt bằng lợi nhuận ở mức thấp, thì tôi tin rằng ngân hàng sẽ là nhóm có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận và tái định giá trở lại trong năm 2025", chuyên gia từ FiinGroup kỳ vọng.
Thứ hai, nhóm bất động sản cũng được đánh giá cao nhờ động thái tháo gỡ chính sách và sự hồi phục của thị trường bất động sản, định giá hấp dẫn cũng là động lực hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này.
Với ngành xây dựng vật liệu, các doanh nghiệp trong ngành cơ hội hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong năm tới, song dự kiến cuối năm 2025 mới thể hiện vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngành thép ngoài câu chuyện hồi phục từ đáy vẫn còn câu chuyện tăng trưởng nhờ xuất khẩu hay bất động sản hồi phục. Dù nhóm này đang có định giá đang thấp hơn trung bình 5 năm, nhưng vẫn cao hơn mức trung vị. Để định giá có thể về vùng hợp lý, lợi nhuận phải tăng trưởng 30-40% nhưng rất khó đạt được trên mức nền cao như năm 2024.