Chứng khoán bùng nổ: Mừng hay lo? (*): Xử lý hết nghẽn lệnh là chưa đủ
Liên quan đến việc nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán gây bức xúc cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có quyết định thanh tra hành chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Nhưng đây chỉ là một trong các giải pháp bước đầu.
Chứng khoán đang là kênh hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, thể hiện qua việc số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản chứng khoán tăng đột biến, tháng sau cao hơn tháng trước. Thanh khoản và giá trị cũng liên tiếp phá kỷ lục, chạm mức 30.000 tỉ đồng trong một phiên giao dịch đầu tháng 6.
Yếu tố giúp chứng khoán hấp dẫn là dòng tiền nhàn rỗi, do tác động của dịch Covid-19 làm sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, các kênh đầu tư khác như bất động sản khó tăng mạnh vì hạn chế tiếp xúc, đi lại. Trong những nhóm nhà đầu tư chứng khoán trên Facebook, Zalo có cả những giám đốc doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng… tham gia.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng nếu cơ quan quản lý không giải quyết dứt điểm những trục trặc trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư sẽ "quay lưng" khi tìm được kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Cụ thể, trong 1-2 năm tới, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các kênh đầu tư khác hấp dẫn trở lại, nếu chứng khoán không tự cải thiện, thay đổi thì sẽ có nguy cơ thụt lùi.
Việc nghẽn lệnh của sàn HoSE trong thời gian qua còn cho thấy sự bất cập của cơ quan quản lý. Từ năm 2012, HoSE đã triển khai dự án hệ thống giao dịch mới với nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc nhưng đến giờ, hệ thống này vẫn chưa xong. Sau khi cơ quan quản lý nâng công suất tiếp nhận hệ thống trên sàn HoSE từ 600.000 lệnh lên 900.000 lệnh mỗi phiên, hệ thống tạm trơn tru một thời gian rồi lại nghẽn.
Do đó, cùng với giải pháp của cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng cần minh bạch hơn trong hoạt động, quản trị. Doanh nghiệp niêm yết phải công khai số liệu; Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần tăng cường kiểm soát, làm sạch "đội lái" để nhà đầu tư tin tưởng đầu tư dài hạn. Ngay các công ty chứng khoán cũng cần tách bạch giữa tự doanh và môi giới để tránh tình trạng "công ty chứng khoán bán nhưng khuyến nghị nhà đầu tư mua".
Một chuyên gia tài chính cho rằng đây là thời cơ để Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành hàng loạt quy định tiệm cận quốc tế. Chẳng hạn, để có tính thanh khoản cao, có thể chuyển đổi sang T+0 (nhà đầu tư được bán chứng khoán ngay trong ngày sau khi mua), thay T+2 sau 2 ngày mua cổ phiếu như hiện nay… Nếu làm được vậy, chứng khoán sẽ vẫn hấp dẫn nhà đầu tư trong tương lai.
(*) Xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 10-6