Chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu với doanh nghiệp
Sáng nay (28/2), hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp niêm yết, các quỹ, tổ chức quốc tế về việc nâng cao khả năng huy động vốn, khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường. Đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp niêm yết lớn đều khẳng định, thị trường là kênh huy động vốn không thể thiếu đối với họ.
Kênh huy động vốn hiệu quả
Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm 2023, thị trường tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ khó khăn trong nước, thế giới, hoạt động huy động vốn qua thị trường vẫn có sự khởi sắc. Tổng giá trị huy động vốn đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Bà Phương cho biết, năm 2024 sẽ là thời điểm tạo dựng cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Để cùng chung tay, hỗ trợ sự phát triển của thị trường trong năm 2024 và thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.
Doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có mặt tại hội nghị, nêu nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất tới Thủ tướng, và các bộ, cơ quan liên quan.
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MB) - cho biết, MB tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2011, đến nay đã thu hút được nguồn vốn để phục vụ cho phát triển và tăng trưởng. Vốn hóa của MB thời điểm này đạt trên 120.000 tỷ đồng, có 150.000 nhà đầu tư làm cổ đông.
“MB đã triển khai nhiều phương án phát hành cổ phiếu và chi trả lợi tức hằng năm để bổ sung vốn và lưu quy mô vốn, đặc biệt tăng nguồn vốn kinh doanh cấp 2. Điều này rất quan trọng để MB có thể đáp ứng nguồn vốn để tăng trưởng”, ông Thái chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Thái, năm 2023, như báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị niêm yết tăng khoảng 56 nghìn tỷ còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp. Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường, ông Thái đề xuất phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động…
Chủ tịch MB cũng khuyến nghị cơ quan quản lý áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho doanh nghiệp niêm yết, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.
Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Vingroup - cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Vingroup đã tham gia thị trường từ rất sớm, sự phát triển của doanh nghiệp ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó thị trường chứng khoán đóng vai trò rất lớn.
Trong 17 năm có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Quang nhận thấy Vingroup đã đạt được một số lợi ích, như quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn; huy động vốn; quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp được nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn… Năm 2024, Vingroup có kế hoạch huy động vốn thông qua kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong, ngoài nước.
Để thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, hoàn thiện hơn nữa, Vingroup đề xuất Chính phủ, cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng; rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành quy định về sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.
Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán
Vấn đề nâng hạng thị trường được đề cập nhiều lần trong hội nghị hôm nay. Cuối năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Hiện, chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp làm việc với 2 tổ chức xếp hạng trên để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.
Đồng quan điểm với Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị là khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. "Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn chảy vào sẽ tăng lên rất nhiều", bà Ngọc chia sẻ.
Kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho rằng, vấn đề quan trọng là chất lượng hàng hóa trong thị trường. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến để tìm kiếm lợi nhuận, cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.
Đề xuất cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HoSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCoM. 50% vốn hóa trên UPCoM thuộc ngành hàng hóa, dịch vụ công nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, phần lớn vốn hóa của HoSE đang thuộc về nhóm ngân hàng, bất động sản
Để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề, vị này đề xuất Việt Nam nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Đồng thời, Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.