Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu trượt khỏi đỉnh 6 tháng

Trong những ngày tới, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư sẽ là lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/1), chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó, do cổ phiếu công nghệ bị bán trở lại. Giá dầu thô cũng quay đầu đi xuống, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái trong phiên ngày thứ Tư.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, còn 5.937,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,89%, còn 19.338,29 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 68,42 điểm, tương đương giảm 0,16%, còn 43.153,13 điểm.

Cổ phiếu Big Tech trở thành nguồn áp lực giảm chính trong phiên này, với những cái tên lớn đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ. Apple giảm 4%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/8. Tesla giảm hơn 3%. Nvidia trượt 2% và Alphabet mất khoảng 1%.

Thị trường đã tăng điểm vào đầu phiên giao dịch, khi nhà đầu tư lạc quan về sự khởi đầu tốt đẹp của mùa báo cáo tài chính quý 4/2024. Phiên ngày thứ Tư, loạt báo cáo của các ngân hàng lớn đã mang tới những con số doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo.

Các nhà băng tiếp theo công bố báo cáo vào ngày thứ Năm tiếp tục đem đến niềm hứng khởi. Với lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng, cổ phiếu Morgan Stanley chốt phiên với mức tăng 4%. Bank of America cũng công bố lợi nhuận cao hơn dự báo, nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm khoảng 1% phiên này.

Theo dữ liệu từ FactSet, trong số các công ty đã công bố báo cáo tài chính quý 4 tính đến thời điểm này, có 77% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo - tỷ lệ phản ánh một mùa báo cáo nhiều hứa hẹn ở Phố Wall.

“Thị trường đã trở nên nặng nề và đuối sức sau một thời gian giá lên (bull) kéo dài. Bởi vậy, ai cũng muốn tìm kiếm động lực mới để xu hướng giá lên được duy trì và chờ xem điều gì sẽ thúc đẩy thị trường trong thời gian tới”, nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của công ty Globalt Investments nhận định với hãng tin CNBC.

“Các báo cáo tài chính được công bố tới lúc này, chủ yếu của các ngân hàng, đều rất tốt. Nhưng có vẻ như thị trường cần nhiều hơn như thế, và diễn biến của thị trường ngày hôm nay phản ánh điều này”, ông Buchanan nói thêm.

Phiên giảm này của giá cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra ngay cả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm, trượt sâu dưới mốc cao nhất của 14 tháng thiết lập vào đầu tuần. Vào cuối phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,615%, so với mức đỉnh 4,79% vào hôm thứ Hai.

Gần đây, xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu là một nguồn áp lực mất giá đối với cổ phiếu tăng trưởng, nhất là cổ phiếu công nghệ, trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nguyên nhân dẫn tới lợi suất tăng là kỳ vọng của nhà đầu tư rằng sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ và rủi ro lạm phát dai dẳng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất chậm lại, thậm chí dừng hẳn việc giảm lãi suất hoặc tăng lãi suất trở lại trong năm nay.

Tuy nhiên, hai báo cáo lạm phát mà Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này đều cho thấy những con số yếu hơn so với dự báo. Nhờ đó, mối lo lãi suất cũng được giải tỏa phần nào, đưa thị trường tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 trong phiên ngày thứ Tư.

Các số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy những tín hiệu không rõ ràng về nền kinh tế. Doanh thu bán lẻ tháng 12 ở Mỹ tăng, nhưng mức tăng yếu hơn dự báo. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng mạnh hơn kỳ vọng, nhưng vẫn phù hợp với một thị trường việc làm đang vững vàng.

Trong những ngày tới, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư sẽ là lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, ông Trump có thể đưa ra một loạt quyết định quan trọng gồm vấn đề thuế quan.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,74 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 81,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,36 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 78,68 USD/thùng.

Hôm thứ Tư, giá dầu Brent tăng 2,6% và giá dầu WTI tăng 3,3%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2024.

Chất xúc tác cho dầu tăng giá trong tuần này là việc Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Theo nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil, nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa đang có tâm lý “chờ xem” trước lễ nhậm chức của ông Trump, để biết chính quyền mới sẽ hành động như thế nào trong vấn đề trừng phạt Nga.

Ngoài ra, giá dầu tăng gần đây cũng có thể dẫn tới xung đột giữa ông Trump với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã nhiều lần gây áp lực đòi OPEC bơm nhiều dầu hơn để kéo giá dầu xuống mỗi khi giá dầu Brent đạt mức khoảng 80 USD/thùng.

OPEC và đồng minh, tức liên minh OPEC+, đã hạn chế sản lượng khai thác dầu trong 2 năm qua để giảm bớt áp lực mất giá dầu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ảm đạm. Một số chuyên gia cho rằng nhóm này có thể sẽ tiếp tục thận trọng với việc tăng sản lượng dầu, bất chấp đợt tăng giá dầu gần đây.

Một yếu tố hạn chế mức tăng của giá dầu trong tuần này là Israel và Hamas đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở giải Gaza và trao đổi con tin người Israel lấy tù binh người Palestine.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-giam-diem-sau-3-phien-tang-lien-tiep-gia-dau-truot-khoi-dinh-6-thang.htm