Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau số liệu lạm phát yếu hơn dự báo, dầu vững giá

Khi nhà đầu tư bớt bi quan hơn về tình hình lạm phát, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên trong trạng thái tăng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/12), hoàn tất một tuần giao dịch đầy chật vật của Dow Jones với chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ năm 1970. Số liệu lạm phát yếu hơn dự báo đã mang lại động lực cho sự khởi sắc này của giá cổ phiếu, và giá dầu thô cũng nhích lên dù vẫn có một tuần giảm dưới sức ép từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 498,02 điểm, tương đương tăng 1,18%, chốt ở mức 42.840.26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,09%, chốt ở mức 5.930,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,03%, chốt ở 19.572,6 điểm.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng - tăng 2,4% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước. Cả hai con số này đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, PCE lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước, cũng đều là những mức tăng thấp hơn so với dự báo.

Dù cả PCE toàn phần và PCE lõi - thước đo mà Fed cho là phản ánh chuẩn xác hơn xu hướng lạm phát - đều đang giảm chậm vào còn cao hơn so với mục tiêu, việc các chỉ số này tăng ít hơn dự báo đã giúp giải tỏa một phần mối lo ngại trước đó của thị trường. Tuần này, khi hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2024, Fed đã phát tín hiệu giảm lãi suất chỉ 2 lần trong năm tới thay vì 4 lần như dự báo trước đó, và cơ sở cho sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất này là sự dai dẳng của lạm phát trên mức mục tiêu.

Khi nhà đầu tư bớt bi quan hơn về tình hình lạm phát, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên trong trạng thái tăng, với mức tăng lớn nhất thuộc về các nhóm bất động sản và công nghệ thông tin. Chỉ có 53 cổ phiếu thành viên của S&P 500 giảm phiên này.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee nói số liệu lạm phát mới nhất mang đến cho ông sự lạc quan rằng lãi suất vẫn có thể giảm trong năm tới dù Fed đang có lập trường thận trọng về hạ lãi suất.

“Chúng ta vẫn đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Số liệu của một tháng chưa nói lên được nhiều điều, nhưng tôi hy vọng rằng việc làm phát tăng lên trong một vài tháng gần đây chỉ là vấn đề nhất thời mà thôi”, ông Goolsbee nói. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều bật tăng sau phát biểu này của nhà hoạch định chính sách tiền tệ đến từ Fed Chicago.

Tuần này là một tuần nhiều biến động của chứng khoản Mỹ. Tính đến hôm thứ Tư, Dow Jones có 10 phiên giảm liên tiếp, chuỗi phiên giảm dài nhất của chỉ số này kể từ năm 1974. Cũng trong phiên ngày hôm đó, Dow Jones “bốc hơi” hơn 1.100 điểm, đánh dấu lần thứ hai trong năm nay có mức giảm trên 1.000 điểm chỉ trong 1 phiên.

“Ngày hôm nay, mọi người đã bình tĩnh trở lại. Thị trường thường đối mặt ít rủi ro giảm điểm trước lễ Giáng sinh và năm mới, nên diễn biến giảm mấy ngày vừa qua có thể được đảo ngược một chút”, Giám đốc điều hành Tom Fitzpatrick của công ty R.J.O’Brien and Associates nhận định.

Tuy tăng trong phiên ngày thứ Sáu, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm trong tuần này. Dow Jones giảm gần 2,3%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. S&P 500 giảm 2% và Nasdaq giảm khoảng 1,8%.

Liên quan đến tình hình chính trị ở Washington, một dự luật của Đảng Cộng hòa được ông Trump ủng hộ nhằm cung cấp ngân sách cho Chính phủ Mỹ hoạt động trong vòng 3 tháng và ngăn chính phủ đóng cửa đã thất bại trong một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện vào hôm thứ Năm. Nếu không có thỏa thuận nào được phê chuẩn trước hạn chót, Chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng đóng cửa một phần từ nửa đêm ngày thứ Sáu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,06 USD/thùng, chốt ở 72,94 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,08 USD/thùng, chốt ở 69,46 USD/thùng.

Giá mỗi loại dầu đều giảm 2,5% trong tuần này.

Đồng USD quay đầu giảm giá trong phiên ngày thứ Sáu đã giải tỏa bớt áp lực mất giá đè nặng lên dầu những phiên trước đó. Hôm thứ Năm, tỷ giá USD so với một rổ tiền tệ mạnh đạt mức cao nhất 2 năm.

Tuy nhiên, theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital, giới đầu tư dầu lửa vẫn tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, nhất là nhu cầu của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai và là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới. “Thị trường đã lo lắng về triển vọng nhu cầu, nhất là liên quan đến Trung Quốc. Khả năng Fed giảm lãi suất ít đi cũng gây lo ngại. Đó là một dạng ‘cú đấm kép’”, ông Kilduff nói.

Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ chuyển từ trạng thái cân bằng trong năm 2024 sang dư cung 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2025. Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho rằng liên minh OPEC+ sẽ giữ nguyên mức sản lượng khai thác dầu hiện tại trong năm tới, trong khi nguồn cung dầu ngoài khối này sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-manh-sau-so-lieu-lam-phat-yeu-hon-du-bao-dau-vung-gia.htm