Chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng về thương mại
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên bất chấp dữ liệu khảo sát mới cho thấy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục suy giảm. Thị trường vẫn giữ vững tâm lý lạc quan sau tin tức Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm giảm thuế trong 90 ngày….

Kết thúc phiên 16/5 chỉ số Dow Jones tăng 331,99 điểm (+0,78%) lên 42.654,74 điểm, S&P 500 thêm 41,45 điểm (+0,70%) đạt 5.958,38 điểm và Nasdaq Composite leo 98,78 điểm (+0,52%) thành 19.211,10 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc chỉ số S&P 500, phần lớn đều tăng điểm, ngoại trừ năng lượng giảm nhẹ 0,18%. Dẫn đầu đà tăng là lĩnh vực y tế (+1,96%) sau một tuần biến động mạnh. Một trong những cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho diễn biến này là UnitedHealth Group, leo vọt 6,4% sau 8 phiên giảm sâu liên tiếp. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao những thay đổi chiến lược tại tập đoàn bảo hiểm y tế này sau khi có báo cáo từ tờ Wall Street Journal cho biết doanh nghiệp đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hình sự.
Ở một số diễn biến khác, cổ phiếu của nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Applied Materials giảm 5,3% do kết quả doanh thu quý không đạt kỳ vọng. Trong khi đó, cổ phiếu Verizon tăng 1,7% sau khi Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) chấp thuận thương vụ mua lại nhà cung cấp internet Frontier Communications trị giá 20 tỷ USD. Đổi lại, Verizon đồng ý chấm dứt các chương trình liên quan đến đa dạng, công bằng và hòa nhập.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 17,61 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 17,04 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua. Trong tuần, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 5,3%, Nasdaq tăng 7,2% và Dow Jones cộng thêm 3,4%.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng ổn định khi giới đầu tư tỏ ra không quá lo ngại về các số liệu kinh tế yếu kém, cụ thể trong đó là Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý tiêu dùng tiếp tục sụt giảm trong tháng 5, còn kỳ vọng lạm phát trong một năm tới lại bất ngờ tăng mạnh lên 7,3%, từ mức 6,5% của tháng trước.
Tuy nhiên, tâm lý lạc quan của thị trường phần nào bị lung lay vào phiên giao dịch ngoài giờ sau khi Moody’s hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ và viện dẫn lý do gánh nặng nợ công cũng như chi phí lãi vay đang tăng nhanh hơn so với các quốc gia có mức xếp hạng tương tự.
Trước đó, thị trường đã có cú bứt phá mạnh vào đầu tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận “đình chiến” thuế quan trong ba tháng, ngay sau thành công của cuộc đàm phán song phương giữa Anh và Mỹ.
Bà Lindsey Bell, chiến lược gia trưởng tại công ty Clearnomics nhận định dù các tín hiệu hạ nhiệt xung đột thương mại đã hỗ trợ cho hoạt động của thị trường, nhưng nguy cơ biến động mạnh vẫn còn “rình rập” trong thời gian tới, khi các tiêu đề liên quan đến thuế quan tiếp tục xuất hiện. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Thị trường sẽ phải thích nghi từng ngày, từng tuần”, bà nói thêm.
Ông Paul Christopher, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute cũng lưu ý rằng thị trường đang lạc quan nhưng vẫn thận trọng về triển vọng thương mại, chờ đợi bước đi tiếp theo của chính quyền Mỹ về vấn đề thuế quan.
GIÁ DẦU CÓ TUẦN TĂNG THỨ HAI LIÊN TIẾP
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ những tín hiệu tích cực từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 88 cent, tương đương 1,4%, lên 65,41 USD/thùng, còn giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 87 cent, tương đương 1,4%, lên 62,49 USD/thùng. Trong tuần, Brent thêm 1% còn WTI leo 2,4%.
Mặc dù sự đồng thuận giữa Mỹ và Trung Quốc về việc tạm ngừng leo thang xung đột thương mại đã hỗ trợ tâm lý giới đầu tư trong tuần qua, nhưng đà tăng đã phần nào bị kìm hãm sau khi nguồn cung tăng từ Iran và nhóm OPEC+.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố Washington đang tiến gần tới một thỏa thuận hạt nhân với Tehran, và Iran “gần như” đã chấp thuận các điều kiện. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Theo phân tích từ ING, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể tăng sản lượng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày.
Ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao tại BOK Financial cho biết: “Trong ngắn hạn, nếu tình hình địa chính trị tiếp tục ổn định, nhu cầu đi lại mùa cao điểm sẽ cần đủ mạnh để hấp thụ lượng cung tăng thêm”.