Chứng khoán Mỹ tụt giảm khi mùa báo cáo lợi nhuận dần kết thúc
Mùa báo cáo tài chính này được giới phân tích đánh giá là không tệ, nhưng kém hơn so với bình quân những năm gần đây. Hiện đã có khoảng 2/3 số công ty trong S&P 500 công bố báo cáo, trong đó gần 70% đạt kết quả tốt hơn dự báo. Tỷ lệ này thấp hơn so với mức bình quân 79% của 3 năm trước đó...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/2), không giữ được thành quả tăng có được trong phiên, do nỗi lo về chính sách tiền tệ tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lấn át hưng phấn về loạt báo cáo tài chính mới nhất. Áp lực từ lãi suất cũng là nguyên nhân khiến giá dầu thô đi xuống, chấm dứt chuỗi ba phiên tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 249,13 điểm, tương đương giảm 0,73%, còn 33.699,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,9%, còn 4.081,5 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,02%, còn 11.789,58 điểm.
Cả ba chỉ số cùng chạm mức thấp của phiên trong giờ cuối cùng của phiên giao dịch. Ở đỉnh của phiên, Dow Jones tăng hơn 300 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 0,9% và 1,4%.
“Phố Wall không duy trì được tâm trạng lạc quan. Một số nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ phải thắt chặt nhiều hơn so với những gì đang được phản ánh vào giá tài sản”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.
Cổ phiếu Alphabet giảm hơn 4% khi nhà đầu tư lo lắng về mức độ cạnh tranh ngày càng lớn mà công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google phải đối mặt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Cú giảm 3% của cổ phiếu Meta, công ty mẹ mạng xã hội Facebook, đặt thêm áp lực giảm lên Nasdaq.
Gần đây, tâm trạng của nhà đầu tư bị chi phối nhiều bởi những bình luận, đánh giá từ Fed, trong bối cảnh thị trường ra sức tìm kiếm những tín hiệu về đường đi của lãi suất trong tương lai, sau khi Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tuần trước. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lạm phát đã bắt đầu giảm nhưng cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn một chặng đường dài để đi.
Ngoài ra, Phố Wall đang ở giữa mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020. Các báo cáo tài chính là căn cứ để nhà đầu tư có cái nhìn sâu về sức khỏe của các công ty niêm yết trong môi trường lạm phát cao và kỳ vọng của doanh nghiệp về tình hình sản xuất-kinh doanh trong thời gian tới.
Các chỉ số đã tăng điểm vào đầu phiên nhờ kết qquả kinh doanh khả quan hơn dự kiến của Walt Disney và PepsiCo – hai trong số những công ty được xem là chỉ báo về tiêu dùng. Cổ phiếu Disney chốt phiên giảm hơn 1% trong khi Pepsi tăng gần 1%.
Mùa báo cáo tài chính này được giới phân tích đánh giá là không tệ, nhưng kém hơn so với bình quân những năm gần đây. Theo dữ liệu từ FactSet, đến hiện tại đã có khoảng 2/3 số công ty trong S&P 500 công bố báo cáo, trong đó gần 70% đạt kết quả tốt hơn dự báo. Tỷ lệ này thấp hơn so với mức bình quân 79% của 3 năm trước đó – theo dữ liệu của The Earnings Scout.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,59 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 84,5 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,41 USD/thùng, chốt ở 78,06 USD/thùng.
Từ đầu tuần đến nay, giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 5%. Trước phiên giảm này, giá dầu đã có 3 phiên tăng liên tiếp, một phần do thị trường lo ngại trận động đất khiến hơn 20.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Đến phiên này, nỗi lo liên quan đến động đất có vẻ đã được giải tỏa, trong khi áp lực mất giá đối với dầu lại tăng lên do triển vọng Fed có thể phải tăng lãi suất lên mức cao hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ báo cáo thống kê cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng. Số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước tăng lên mức 455,1 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng tăng.
Tuy nhiên, giá “vàng đen” tiếp tục được hỗ trợ bởi sự khởi sắc của triển vọng nhu cầu dầu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới mới chấm dứt chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid.
“Chúng tôi dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc năm nay sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày, và sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ nổi len vào khoảng cuối tháng 1”, một báo cáo của ngân hàng ANZ nhận định. “Nhờ nhu cầu tăng ở Trung Quốc, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ đạt 2,1 triệu thùng/ngày”.
Ngoài ra, đồng USD giảm giá cũng hạn chế mức giảm của giá dầu. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,7%, chốt ở 102,74 điểm.